Sign up for the Latest Industry News, Tips and Advice with CareerViet.vn
Sign up for the Latest Industry News, Tips and Advice with CareerViet.vn
Từ ngày 14/1/2024, CareerBuilder.vn chính thức đổi tên thành CareerViet.vn. Chi tiết xem tại đây.
Views: 5,223
Sáng 5-8, tại Hà Nội, dưới sự chủ trì của ông Lê Văn Thanh, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH), Chủ tịch Hội đồng Tiền lương quốc gia (HĐTLQG), HĐTLQG gồm đại diện Tổng LĐLĐ Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Bộ LĐ-TB-XH, đã họp phiên thứ 2, để bàn phương án tăng lương tối thiểu (LTT) vùng năm 2021.
Chưa đáp ứng được nguyện vọng người lao động
Phát biểu tại cuộc họp, ông Lê Văn Thanh nhấn mạnh sau khi đánh giá ý kiến của các bên, tình hình khó khăn về cơ bản đã được nhận diện. Căn cứ cơ sở khoa học thực tiễn, dữ liệu dự báo của Chính phủ và của các chuyên gia, năm 2021 tình hình kinh tế sẽ tiếp tục khó khăn. Vì vậy HĐTLQG cần tiến hành bỏ phiếu để có ý kiến về những kiến nghị tới Chính phủ.
"Hai nội dung bỏ phiếu gồm: Giữ nguyên mức LTT vùng năm 2021 như của năm 2020 và chưa áp dụng việc tính LTT theo giờ. Về việc bỏ phiếu, các bên có quyền được bỏ phiếu hoặc không bỏ tùy theo quyền của mình..." - Thứ trưởng Lê Văn Thanh cho biết.
Một bất ngờ lớn đã xảy ra trước khi bỏ phiếu, 4 thành viên đại diện cho Tổng LĐLĐ Việt Nam đã xin không tham gia bỏ phiếu bởi phương án trên chưa đáp ứng được nguyện vọng của người lao động (NLĐ). Ngay sau đó, HĐTLQG đã bỏ phiếu thông qua 2 đề xuất. Báo cáo trước HĐTLQG sau khi kiểm phiếu, bà Vi Thị Hồng Minh - thành viên Bộ phận kỹ thuật HĐTLQG - đã công bố: Có 9/13 thành viên đồng thuận với các đề xuất của HĐTLQG.
Đánh giá về kết quả bỏ phiếu, ông Lê Văn Thanh cho biết thời gian đàm phán đã không còn nhiều và trong quý III/2020, HĐTLQG phải báo cáo Chính phủ về đề xuất điều chỉnh phương án LTT 2021. "HĐTLQG vẫn sẽ trình Chính phủ đề xuất không tăng LTT vùng 2021, kèm theo cả quan điểm của Tổng LĐLĐ Việt Nam.
Dựa theo tình hình thực tế của dịch bệnh, chuyển biến kinh tế, xã hội, có thể có những thảo luận bổ sung tiếp theo về vấn đề tăng lương tối thiểu vùng cho năm 2021" - Thứ trưởng Lê Văn Thanh cho hay. Ông nói thêm sau cuộc họp hôm nay, các thành viên HĐTLQG sẽ tiếp tục gặp nhau để làm tìm ra tiếng nói đồng thuận giữa giới chủ sử dụng lao động và NLĐ.
Nếu đề xuất của HĐTLQG được Chính phủ thông qua, tiền LTT vùng năm 2021 của NLĐ sẽ được giữ nguyên như hiện nay là: Vùng 1 giữ nguyên 4,42 triệu đồng/tháng; vùng 2 là 3,92 triệu đồng/tháng; vùng 3 là 3,43 triệu đồng/tháng; vùng 4 là 3,07 triệu đồng/tháng.
Vì sao Tổng LĐLĐ Việt Nam không bỏ phiếu?
Phát biểu tại cuộc họp, ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng Ban Quan hệ lao động Tổng LĐLĐ Việt Nam, đã nêu lý do về việc phía Tổng LĐLĐ Việt Nam không bỏ phiếu.
Trong thảo luận, đại diện Tổng LĐLĐ đã phân tích và đưa 2 phương án điều chỉnh tăng LTT vùng năm 2021 với hội đồng. Cụ thể, LTT sẽ tăng bình quân 3,95%, áp dụng tăng từ ngày 1-7-2021 và tăng bình quân 2,5%, áp dụng từ ngày 1-1-2021. Theo ông Quảng, thời gian vừa qua, với nỗ lực, có trách nhiệm của người sử dụng lao động, các cấp, các ngành đã duy trì được điều kiện kinh tế, đời sống của NLĐ.
Tại cuộc họp cho thấy tình hình thực tế của doanh nghiệp (DN) hết sức khó khăn. "Chúng tôi hoàn toàn chia sẻ với khó khăn của DN trong thời gian vừa qua và thời gian tới" - ông Quảng nói. Theo ông Quảng, việc điều chỉnh LTT này phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, trong đó có các dự báo về tình hình khó khăn, tuy nhiên các dự báo này chưa có cơ sở đầy đủ.
Dẫn chứng sự chưa đầy đủ này, ông Quảng cho rằng trong trường hợp dịch Covid-19 được kiểm soát, điều kiện kinh tế, xã hội được khắc phục thì bức tranh "sức khỏe" DN sẽ tươi sáng hơn. Đơn cử như trong đợt giãn cách xã hội hồi tháng 4-2020, Đà Nẵng là TP chịu ảnh hưởng nặng nề.
Tuy nhiên sau khi kết thúc giãn cách, Đà Nẵng đã nhanh chóng khôi phục tình hình kinh tế. Theo thống kê có 82.000 người Hà Nội vào Đà Nẵng học tập, du lịch thời gian qua và có 30.000 người từ TP HCM vào Đà Nẵng, chưa kể các tỉnh, thành khác. "Các cơ sở lưu trú chỉ cần sử dụng 65% công suất đã bảo đảm có lãi, các dịch vụ khác cũng sẽ phục hồi nhanh. Sức khỏe DN phụ thuộc rất nhiều vào việc thực hiện khôi phục kinh tế, khắc phục hậu quả Covid-19" - ông Quảng nhận định.
Đại diện Tổng LĐLĐ Việt Nam cũng cho rằng cần có sự nhìn nhận khách quan với các dữ liệu đưa ra. Chẳng hạn con số NLĐ thất nghiệp tăng thì thực tế qua các năm đều tăng, riêng năm 2020 thì tình hình khó khăn hơn chứ không phải chỉ đến năm nay mới tăng tỉ lệ thất nghiệp.
Từ những phân tích nêu trên, tại cuộc họp, đại diện Tổng LĐLĐ Việt Nam đã đề xuất chưa bàn đến việc điều chỉnh tiền LTT vùng năm 2021 và tiếp tục thực hiện theo Nghị định 90/2019/NĐ-CP đến ngày 1-7-2021, sau đó đầu năm 2021 tiếp tục căn cứ tình hình để xem xét điều chỉnh tiền lương. Tức là duy trì mức LTT vùng năm 2020 đến 1-7-2021.
"Việc điều chỉnh mức LTT vùng 2021 sẽ được xem xét vào đầu năm 2021, khi các cơ sở dữ liệu đã đầy đủ hơn thì căn cứ trên cơ sở tình hình thực tiễn sẽ tiếp tục thảo luận, quyết định mức điều chỉnh hoặc không điều chỉnh. Tuy nhiên đề xuất này không được HĐTLQG chấp thuận do đó đại diện Tổng LĐLĐ Việt Nam quyết định không tham gia bỏ phiếu" - ông Quảng chia sẻ.
Source : Theo Báo Người Lao Động
Sign up for the Latest Industry News, Tips and Advice with CareerViet.vn
Sign up for the Latest Industry News, Tips and Advice with CareerViet.vn