Job Alerts
Welcome to CareerViet.vn
Create jobs alert to see all recommended jobs, profile views, recruiter's contacted information, updates, and more ...
welcome to careerviet
Viewed: 34,223
Dù hầu hết các công ty có lịch xét tăng lương 6 tháng - 1 năm/ lần nhưng phần lớn nhân sự đều ngại ngùng khi đề xuất tăng lương, để rồi từ bỏ ý định. Làm thế nào để gạt tâm lý này sang một bên, mạnh dạn yêu cầu tăng lương mà không để lại ấn tượng xấu?
Ngại ngần đề xuất tăng lương không phải câu chuyện của riêng ai. Các nghiên cứu cho thấy khoảng 50% người lao động chưa bao giờ yêu cầu tăng lương.
Một lý do phổ biến là chúng ta thường có tâm lý e ngại khi nhắc tới tiền. Trong một cuộc khảo sát, 28% những người chưa bao giờ thương lượng về lương cho biết: họ không cảm thấy thoải mái khi yêu cầu tăng lương. Gần 1/5 số người được hỏi thú nhận họ không muốn bị đánh giá là người tự mãn.
Ngại ngần đề xuất tăng lương không phải câu chuyện của riêng ai
Nhưng việc yêu cầu nhận được những gì bạn xứng đáng không phải tự mãn. Nếu bạn muốn đề xuất tăng lương mà không biết bắt đầu từ đâu, hãy tham khảo 6 bí quyết dưới đây.
Thỏa thuận lương khởi điểm có vẻ giống như một cuộc cân não giữa nhân viên và nhà tuyển dụng. Nhưng khi đã ký hợp đồng, nhân viên có xu hướng “chiếu dưới” so với công ty. Thay vì nghĩ như vậy, bạn nên xác định: “bên A” và “bên B” – như quy định trong hợp đồng lao động – có chung một mục tiêu: làm thế nào để cả hai bên đều thống nhất và hài lòng với con số cuối cùng.
Công ty chắc hẳn sẽ muốn đưa ra mức lương phù hợp với ngân sách. Nhưng nếu nhìn xa trông rộng, công ty cũng sẽ quan tâm đến cảm nghĩ của nhân sự. Nghiên cứu cho thấy những người lao động cảm thấy được trả lương xứng đáng sẽ làm việc hiệu quả hơn, cống hiến hơn và giữ vị trí của họ lâu hơn những người không được trả lương xứng đáng.
Ngoài ra, chi phí tìm nhân viên mới thay thế người cũ cũng khá tốn kém. Các công ty có thể phải chi 30% tiền lương của một nhân viên sắp nghỉ để tuyển dụng người thay thế.
Mức lương ở các công ty có thể khác nhau, nhưng bạn vẫn cần biết mức lương phổ biến trên thị trường lao động. Bạn có thể tìm thấy con số này khi tham khảo thông tin tuyển dụng trên CareerViet, rồi so sánh với mức lương hiện tại và mức lương bạn mong muốn.
Bên cạnh đó, bạn cũng có thể thu thập ‘bằng chứng’ cho thấy nỗ lực của bạn trong suốt quá trình làm việc, ví dụ như KPI, review của khách hàng...
Khi thỏa thuận lương, hãy trình bày dữ liệu bạn thu thập được, tránh thể hiện quá nhiều cảm xúc cá nhân như bực bội, bất mãn. Những con số thực tế sẽ hiệu quả và thuyết phục hơn.
Con người không hoàn hảo và ai cũng có thể có thành kiến, sếp của bạn cũng vậy. Khi bạn đề xuất tăng lương, sếp có thể cho rằng bạn tự cao, đòi hỏi, yêu sách... Nhưng điều này không có nghĩa là bạn nên rút lui, nó chỉ có nghĩa là bạn cần khéo léo hơn.
Nghiên cứu cho thấy phụ nữ thường hứng chịu nhiều thành kiến hơn so với nam giới khi yêu cầu tăng lương. Phái đẹp cũng có nhiều khả năng bị coi là đòi hỏi hơn. Nhận thức được điều này, khi đề xuất tăng lương, chị em phụ nữ hoàn toàn có thể nêu ra những lý do gắn liền với nhiệm vụ của nhóm thay vì lý do cá nhân. Điều đó sẽ giúp họ vượt qua thành kiến (nếu có) dễ dàng hơn.
Trước khi đề xuất tăng lương, đừng quên ‘thám thính’ văn hóa trả lương của công ty, để ý xem họ từng trả bao nhiêu tiền cho vị trí tương tự trong quá khứ, hay có bao giờ nợ lương, trả lương muộn?
Những thông tin này có thể tìm thấy ở đâu đó trong các tin tuyển dụng cũ hoặc trên các website review công ty. Ngoài ra, bạn cũng có thể hỏi khéo người quen từng làm việc tại công ty, thậm chí đồng nghiệp của bạn. Sử dụng thông tin này để đưa ra một mức lương đề xuất phù hợp với cả mong muốn của bạn và văn hóa công ty.
Tìm hiểu văn hóa công ty
Khi nói đến thỏa thuận lương, điều quan trọng là bạn phải chọn thời điểm một cách khôn ngoan. Có những thời điểm mà bạn sẽ dễ dàng nhận được một cái gật đầu hơn.
Khi vừa nhận được lời mời làm việc
70% người phỏng vấn nói rằng họ chờ đợi ứng viên thương lượng mức lương khi nhận lời mời làm việc. Vì vậy, đây là thời điểm ‘vàng’ để đưa ra yêu cầu. Ngay cả khi công ty không dư dả ngân sách, yêu cầu của bạn ít khi làm mất lòng nhà tuyển dụng.
Khi đang làm việc
Chọn thời điểm công ty làm ăn phát đạt hoặc khi bạn vừa có thành tích nổi bật.
Trái ngược với suy nghĩ của nhiều người, cuối năm không phải lúc nào cũng là thời điểm tốt nhất để xin tăng lương. Lý do là công ty thường đã “chốt sổ” tài chính vào thời điểm đó. Tuy vậy, thời điểm kết thúc 6 tháng đầu năm, hay ngay cả 6 tháng cuối năm vẫn thích hợp để cho sếp biết rằng bạn đang rất háo hức chờ đón thử thách mới (và cả những phần thưởng tương xứng).
Trong một cuộc khảo sát, 39% người được hỏi cho biết họ đã nói dối về việc nhận được lời mời từ công ty khác khi đề xuất tăng lương. Đây không phải là một ý hay.
Trong suốt thời gian làm việc, bạn sẽ nơm nớp lo sợ bị ‘vạch trần’. Chưa kể, hãy nghĩ tới hậu quả nếu chẳng may bị phát hiện.
Một lần nữa, yêu cầu tăng lương không có gì xấu, bạn có quyền tự tin đề xuất nếu thấy đủ căn cứ, điều đó thậm chí còn cho thấy bạn biết giá trị bản thân.
Bạn không cần phải nói dối để được tăng lương. Bạn xứng đáng được trả công một cách công bằng dựa trên khả năng chuyên môn và thành tích bạn đã đạt được. Bằng cách khảo sát thị trường và khéo léo trong cư xử, bạn có thể đạt được mục tiêu này với sự rõ ràng, trung thực
Source: CareerViet Vietnam
Please sign in to perform this function