Từ ngày 14/1/2024, CareerBuilder.vn chính thức đổi tên thành CareerViet.vn. Chi tiết xem tại đây.

Đừng ngại nếu nhân viên của bạn gắn kết thân thiết

Lượt xem: 5,514

Nhiều sếp rất sợ viễn cảnh nhân viên chơi thân như nhóm bạn, và một người nghỉ có thể kéo theo cả team. Nhưng trên thực tế, nếu bạn nắm được cách một tình bạn công sở vận hành, thì bạn có thể vừa giữ chân, vừa thúc đẩy hiệu suất của họ.

Ở bất kỳ môi trường nào, con người cũng trở nên yên tâm hơn nếu có đồng đội - cảm thấy tin tưởng và được tin tưởng. Đó là lý do nhân viên của bạn ưa thích việc tìm ra những người có chung sở thích, mối quan tâm và tính cách nơi công sở. Hiểu được đây là một tập tính khó thay đổi, và biết cách biến nó thành thế mạnh, các nhà quản lý thậm chí có thể thúc đẩy nhân sự làm việc hiệu quả.

Đừng ngại nếu nhân viên của bạn gắn kết thân thiết
Một nhóm gắn kết có thể trở thành một nhóm mạnh trong công việc

1. Tạo “kim chỉ nam”

Những nhóm hoạt động tốt là những nhóm có chung phương hướng, mục tiêu, sứ mệnh mà họ yêu thích và tin tưởng. Khi biết họ đang làm việc để hướng tới điều gì, các thành viên trong nhóm được tiếp thêm năng lượng, cảm hứng và sự gắn kết. Một chút thách thức để tạo động lực, nhưng không quá khó để khiến mọi người nản chí, và tất nhiên, phải là điều mà các thành viên đều mong muốn. Ví dụ: sự công nhận mà người khác nhìn thấy (sự tuyên dương, thưởng và đề bạt) hoặc sự hài lòng của bản thân. 
Hãy tưởng tượng bạn cử một nhóm đi công tác, làm việc trực tiếp tại công ty của đối tác, nhưng không nói rõ mục tiêu thực chất cho họ là gì, và trong bao lâu. Sự thay đổi môi trường làm việc không đi kèm với sự đảm bảo sẽ khiến nhóm đó cảm thấy như ‘con ghẻ’ của công ty, đánh mất sự kết nối với tập thể và thiếu niềm tin vào lãnh đạo. Tệ hơn nữa, khi trở về họ không nhận được bất cứ sự công nhận, tôn vinh nào của ban lãnh đạo cho thời gian ‘biệt phái’ đó. Bạn sẽ thấy nhóm đó sớm tan rã như thế nào.
Ngược lại, nếu bạn cho một nhóm (chính thức hoặc đơn giản là có mối liên hệ thân thiết trên thực tế) một dự án và đề nghị họ cùng thực hiện với mục tiêu và phần thưởng rõ ràng, bạn sẽ thấy những người biết cách nhường nhịn, thúc đẩy nhau tiến lên.

2. Tạo sự hài hòa

Những nhóm mạnh thường là những nhóm có sự kết hợp đa dạng và cân bằng. Họ có thể không phải tập thể có điểm năng lực, chuyên môn cao nhất trên mỗi cá nhân, nhưng mỗi người có một thế mạnh khác nhau, giúp bù trừ và cân bằng. Sự đa dạng về kiến thức, quan điểm, giới tính, độ tuổi, thậm chí chủng tộc có thể giúp các nhóm trở nên sáng tạo hơn và tránh suy nghĩ một chiều, mang đến sự cân bằng và thấu hiểu.
Bạn có thể nhìn thấy ví dụ hoàn hảo trong phim “Trò chơi con mực”: trong thử thách của trò chơi kéo co, dù là đội yếu thế vì có cả người già và nhiều phụ nữ, như nhóm của nhân vật chính Gi-hun vẫn chiến thắng đối thủ nhờ sự hiểu biết và đồng thuận về chiến lược. 
Như vậy, nhóm mạnh là nhóm có thể tôn trọng sự khác biệt, làm nổi bật thế mạnh của mỗi cá nhân để bù đắp cho điểm yếu của những cá nhân khác và giữ được sự đoàn kết trong những tình huống khó khăn. Và tình bạn chính là chất keo dính tuyệt vời để làm nên sự tin tưởng, đoàn kết đó.

3. Giữ số lượng nhân sự phù hợp

Bạn có một đội nhóm rất thành công, và bạn muốn mở rộng nhân sự cho nhóm lên gấp đôi, gấp ba cũng như rót nhiều vốn, dự án cho họ hơn. Nhưng việc tăng quy mô đi kèm với việc tăng chi phí, mặt khác cũng làm loãng khả năng giao tiếp, sự gắn bó và tính cam kết giữa các thành viên. Nhóm trở nên cồng kềnh chưa chắc đã trở thành hiệu quả hơn. 
Thay vì vậy, chỉ thêm thành viên khi thật sự cần thiết, và thay vì mở rộng thành viên, hãy nhân rộng mô hình, bí quyết khiến nhóm đó thành công sang các nhóm khác. Mặt khác, cũng tôn trọng sự đa dạng, đặc thù của các nhóm khác thay vì “photocopy” toàn bộ mô hình của nhóm thành công. 
Đừng ngại nếu nhân viên của bạn gắn kết thân thiết
Khuyến khích tình bạn chính là khuyến khích tinh thần hợp tác

4. Cho phép sự thử nghiệm

Đôi khi một mô hình tối ưu, một dự án xuất sắc, hay sản phẩm mũi nhọn ra đời từ ý tưởng của một nhóm nhỏ những nhân sự tin tưởng lẫn nhau và có chung mối quan tâm đổi mới. Họ hợp sức dựa trên mong muốn tạo ra phát kiến hiệu quả hơn, chứ không dừng lại ở các nhiệm vụ được giao. Điều đầu tiên họ cần chính là sự cho phép, tạo điều kiện của lãnh đạo. Sau đó là sự đầu tư về vốn, thời gian… khi ý tưởng phát triển thành dự án riêng.
Sự cho phép của lãnh đạo có thể khiến các nhóm trở nên có động lực hơn. Được chịu trách nhiệm cho công việc yêu thích từ đầu đến cuối, được nhận sự đánh giá của lãnh đạo, được tự chủ trong việc thúc đẩy, vận hành dự án, điều đó khiến các thành viên cũng dễ xây dựng tình bạn sâu sắc hơn nữa khi buộc phải dựa vào nhau.

5. Đảm bảo sự công bằng

Không gì giết chết một tình bạn, một tập thể tốt hơn sự nghi kỵ. Vì vậy, nếu muốn nhóm của bạn hoạt động và phát triển dài lâu, hãy đảm bảo các thành viên trong nhóm được công nhận công bằng và xứng đáng. Đó là về phần thưởng. 
Và tốt nhất không nên dùng sự trừng phạt để khiến các thành viên chống lại lẫn nhau. Đó là tiền đề cho mọi biểu hiện của một tập thể sắp rạn vỡ: che giấu thông tin, trốn tránh trách nhiệm, đổ lỗi cho nhau… 

6. Khuyến khích sự hợp tác, chia sẻ, hỗ trợ

Sẽ mất nhiều thời gian và thử thách hợp tác, chia sẻ, hỗ trợ để các nhân sự xây dựng một tình bạn tự nhiên nơi công sở. Nhưng nếu văn hóa công ty tạo điều kiện, thậm chí tạo ra các hoạt động nhóm, cuộc thi đua chính thức để khuyến khích mọi người chia sẻ, hỗ trợ nhau, thì tình bạn giữa các thành viên, đội nhóm sẽ phát triển nhanh hơn nữa. 
Xét cho cùng, kiến thức được chia sẻ là nền tảng của sự hợp tác hiệu quả; nó mang lại cho nhóm khung tham chiếu chung, cho phép các thành viên có chung cái nhìn toàn cảnh trong các tình huống khó khăn và đồng thuận để chọn ra một quyết định hợp lý.
Hãy làm rõ cho các thành viên rằng mỗi người đều đang đóng góp những kỹ năng cần thiết và mọi người phụ thuộc vào nhau để đạt được thành công. Những câu chuyện và kinh nghiệm cũng như các dữ liệu tham khảo được chia sẻ sẽ được tưởng thưởng.
Trước đây, bạn có thể khó chịu khi thấy nhân viên mải mê buôn chuyện thay vì tập trung vào công việc, hoặc thích đi chơi theo nhóm nhỏ thay vì tham gia các hoạt động tập thể. Nhưng giờ đây, có lẽ bạn đã nhìn ra khả năng xây dựng các nhóm mạnh tiềm năng từ những mối quan hệ bạn bè nơi công sở.

 

Ảnh: Pexels

Nguồn : CareerViet

Bài viết cùng chuyên mục "Nghệ thuật quản lý"

Xem thêm

Nhận ngay những tin tức mới nhất về dịch vụ và cẩm nang tuyển dụng từ CareerViet.vn

Nhận ngay những tin tức mới nhất về dịch vụ và cẩm nang tuyển dụng từ CareerViet.vn

Feedback