Mẹo để 'giữ lửa' cho nhân viên thời dịch

Lượt xem: 6,774

Dịch COVID-19 khiến nhiều mô hình kinh tế, xã hội trở thành bất định. Môi trường công sở cũng thế. Dịch không chỉ ảnh hưởng đến doanh thu của các ngành dịch vụ, mà còn khiến tâm lý người lao động không vững vàng. Nhiều người nhấp nhổm vì ngành nghề của mình, của người nhà mình bị ảnh hưởng. Những người không may mắn nằm trong khu vực cách ly phải làm việc tại nhà, thay vì văn phòng "sang, xịn, mịn". Vậy, làm thế nào để tận dụng tối đa nhân lực và giúp nhân viên thích ứng với tình hình làm việc mới? Rất nhiều công ty có tiếng trên thế giới đã có giải pháp sáng tạo, tạo nên một môi trường đáng học hỏi.

Trước tiên, hãy giúp tất cả nhân sự nhận thức được rằng "công việc" không có nghĩa là diễn ra ở "một địa điểm cố định". Trong cuộc khủng hoảng toàn cầu do đại dịch Covid tạo ra, các công ty cần tận dụng mọi nguồn lực, phương thức để tiếp tục kinh doanh bình thường. Làm việc từ xa là một trong số đó. Vì thế, nhiều chuyên gia đánh giá, xu hướng này có thể thay đổi khái niệm "nơi làm việc" mãi mãi. Cả người lao động và người sử dụng lao động đều phải học cách xử lý những thách thức khi làm việc từ xa. Vấn đề sống còn mà rất nhiều nhà quản lý quan tâm hiện nay là làm thế nào để đảm bảo nhân viên duy trì tâm huyết và động lực làm việc trong hoàn cảnh “giãn cách” này.

11 điểm dưới đây có thể có ích để các nhà quản lý tối ưu hóa hiệu quả từ mô hình làm việc từ xa. Câu chuyện nghe có vẻ xa xôi, nhưng qua 2 làn sóng của đại dịch, chuẩn bị không bao giờ là thừa cả.

Xây dựng "cộng đồng ảo"

Khi người lao động đột ngột phải thay đổi môi trường làm việc, họ chắc chắn sẽ cảm thấy mất hứng thú và mất tinh thần. Làm việc từ xa cản trở những giao tiếp "vật lý" trong nội bộ các công ty, tổ chức. Thậm chí ngay cả khi chính phủ không yêu cầu cách ly toàn xã hội, một số công ty vẫn phải để một phần hoặc toàn bộ nhân viên làm việc online do nhiều lý do bất khả kháng. Điều đáng sợ hơn, là không ai biết sự biến động này sẽ kéo dài bao lâu.

Để giữ cho công việc trôi chảy, hãy tạo “văn phòng ảo” cho nhân viên. Đừng tiếc tiền đầu tư vào những ứng dụng có tính năng video call, họp trực tuyến tốt nhất có thể. Bạn cũng có thể tạo các diễn đàn online để nhân viên chia sẻ, cập nhật các vấn đề cá nhân lẫn chuyên môn. Hãy cố gắng phân công công việc hàng tuần, khuyến khích các nhóm làm việc cùng nhau, duy trì kết nối.

Một số công ty đã áp dụng “giờ giải lao” ảo. Tại một thời điểm nhất định, các thành viên trong công ty cùng tham gia vào video nhóm để trò chuyện "trên trời dưới bể". Những cuộc nói chuyện phiếm này tưởng vô nghĩa mà có hiệu quả bất ngờ, giúp mọi người cảm thấy hào hứng và không bị "cô lập". Cảm giác "cộng đồng" gắn kết sẽ thu hút nhân tài và giữ chân nhân viên cũ.

Để duy trì "lửa" của mọi người, bạn cũng có thể tạo các hoạt động tập thể như tham gia trò chơi trực tuyến cùng nhau (Ma sói, Mèo nổ online…) hoặc thậm chí khuyến khích từng người học kiến thức mới và chia sẻ chúng với đồng nghiệp.

Steyer Content – công ty chuyên cung cấp dịch vụ Content marketing cho các "ông lớn" như Microsoft, Facebook, Google, Tesla, HBO - đã có sáng kiến thiết lập "Giờ hạnh phúc" vào thứ năm hàng tuần. CEO còn sử dụng ứng dụng Slack để tổ chức các cuộc thi nhỏ, tổ chức sinh nhật; thậm chí khuyến khích nhân viên đăng ảnh theo chủ đề tuần về vật nuôi hay con cái để khoe với đồng nghiệp… Trong giờ hạnh phúc này, rất nhiều người thoải mái nói về những thứ họ quan tâm như cuốn sách đang đọc, bộ phim mới xem, hay tranh luận về kiểu chữ nào sẽ tạo hiệu quả thị giác tốt nhất, thậm chí thi hát karaoke.

Giữ chân nhân viên bằng "sự công nhận"

Công nhận và tán thưởng kết quả làm việc của nhân viên là yếu tố quan trọng đem lại thành công cho một công ty. Công nhận đúng mức sự đóng góp của một nhân viên cho công việc chung sẽ thúc đẩy họ làm việc tốt hơn nữa để luôn nhận được sự coi trọng từ cấp trên và đồng nghiệp.

Khi toàn bộ thế giới bị tê liệt bởi đại dịch khiến mọi người phải tự cô lập, công nghệ phát triển đã cho phép các lãnh đạo khuyến khích theo cách mà trước kia không thể. Trước dịch, các công ty thường tổ chức buổi vinh danh nhân viên làm tốt; nhưng nay, công nghệ kéo gần cả thời gian và khoảng cách, bạn có thể khen thưởng nhân viên ngay lập tức một cách hiệu quả từ bất cứ đâu trên thế giới.

Ngay tại công ty đa quốc gia về lĩnh vực nhân sự CareerBuilder, sự kiện trò chuyện Real Talk được tổ chức hàng tuần bởi CEO sẽ cập nhật những sự kiện, hoạt động mới cùng các nhân viên trên toàn cầu. Đây cũng là dịp vinh danh các nhóm, cá nhân có kết quả xuất sắc hoặc có sáng kiến thúc đẩy doanh nghiệp. Sự khích lệ này giúp tăng sự gắn kết, tự hào của các cá nhân cũng như tạo động lực để cả tập thể cùng mơ về những điều lớn lao và nỗ lực hơn nữa để vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Gắn kết bằng niềm vui

Hãy thực hiện các cuộc khảo sát định kỳ để xem nhân viên đang suy nghĩ, cảm thấy và làm gì. Điều gì thúc đẩy họ làm việc tốt hơn? Những cách kết nối online nào họ thích nhất? Họ cảm thấy ra sao về "cú sốc" làm việc từ xa? Họ đang gặp phải những vấn đề gì? Họ có còn cảm thấy gắn bó với công ty không? Họ có hài lòng với cách đánh giá kết quả làm việc của lãnh đạo khi họ không làm việc trực tiếp tại công ty không? Họ muốn được tưởng thưởng như thế nào? Thấu hiểu được những gì nhân viên của bạn đang gặp phải sẽ cho bạn gợi ý về giải pháp cho các tình huống đặt ra.

Trong thời gian gần đây, “Gamification” đang trở thành một từ khóa "hot" trong nhiều lĩnh vực. 70% doanh nghiệp có tên trong danh sách Global 2000 (Forbes) muốn áp dụng phương pháp Gamification để tăng cường tương tác giữa các thành viên trong tổ chức, giữ chân nhân tài và đảm bảo thu nhập. Vậy Gamification là gì? Hiểu một cách đơn giản, đây là việc ứng dụng các yếu tố và cơ chế trong Trò chơi điện tử (Game's elements) vào các lĩnh vực không phải game để người tham gia cảm thấy hào hứng và tương tác nhiều hơn.

Công ty công nghệ Bluewolf áp dụng phương pháp gamification khá thành công bằng việc sáng tạo chương trình #GoingSocial. Các nhân viên của họ có thể kiếm từ 50 điểm thưởng trở lên đơn giản bằng cách viết bài và chia sẻ trên trang blog cá nhân hoặc blog chính thức của công ty. Nhờ vậy, lượng tương tác tới website công ty từ các mạng xã hội tăng gấp đôi, và nhân viên càng tự hào hơn nữa về thương hiệu công ty.

Tuy nhiên, bạn cần thực sự thận trọng khi áp dụng phương pháp Gamification bởi ngay cả Google cũng từng mắc sai lầm với Google News.

Khuyến khích học tập

Đây là thời điểm tuyệt vời để người lao động bắt đầu học những gì mà họ luôn muốn học và các nhà quản lý nên khôn ngoan tạo điều kiện cho họ. Nhiều công ty đã đầu tư vào các nền tảng giáo dục trực tuyến để nhân viên có thể lựa chọn học kỹ năng mới hoặc nâng cao kỹ năng hiện có, tận dụng tối đa thời gian "dư" phát sinh khi phải làm việc tại nhà.

Một trong những tiêu chí hàng đầu mà người lao động tìm kiếm tại nơi làm việc là điều kiện phát triển bản thân và sự nghiệp. Họ khát khao được làm công việc có thể giúp họ học những kỹ năng mới và phát triển độc lập. Nếu công ty của bạn tạo được môi trường giúp họ không ngừng phát triển thì không có lý do gì để họ phải ra đi.

Bạn cũng có thể khuyến khích nhân viên của mình tham gia các khóa học không liên quan đến công việc. Các nền tảng học tập trực tuyến hiện nay thậm chí cung cấp cả kỹ năng chơi nhạc cụ, khiêu vũ, vẽ tranh tới thuật phòng vệ, giúp nhân viên giảm căng thẳng, tạo tâm trạng thoải mái để họ làm việc tốt hơn.

Tại Culture Amp - công ty chuyên xây dựng môi trường doanh nghiệp, mỗi nhân viên đều có thể chọn một Huấn luyện viên riêng thông qua chương trình "Coaching for Everyone" (Huấn luyện cho mọi người). Các khóa học kéo dài 6, 12 hoặc 24 tháng giúp nhân viên tập trung vào một mục tiêu cá nhân hoặc sự nghiệp. Các Huấn luyện viên giúp họ định vị mình đang ở đâu và mục tiêu là gì, sau đó vạch ra lộ trình giúp họ đạt được.

Tại một số công ty, HR hoặc lãnh đạo có thể xây dựng chương trình học thiết kế đặc biệt cho các nhóm nhân viên nhất định. Các chương trình học này có thể được thiết kế từ các học phần có sẵn kết hợp với đặc thù công việc của công ty.

Tạm kết

Toàn bộ thế giới đang bị ảnh hưởng bởi một đại dịch nguy hiểm. Duy trì hoạt động kinh doanh trong thời điểm khủng hoảng toàn cầu là một bài toán không dễ. Hy vọng các sáng kiến từ các doanh nghiệp quốc tế - nơi đang đối mặt với nhiều thách thức hơn từ giãn cách xã hội có thể tiếp thêm động lực để các doanh nghiệp Việt Nam tiếp tục phấn đấu. Bởi vì 2021 đã đến rồi, và bạn biết đấy - “Ngày mai trời lại sáng".

Nguồn hình: Freepik

Nguồn : CareerViet

Bài viết cùng chuyên mục "Nghệ thuật quản lý"

Xem thêm

Nhận ngay những tin tức mới nhất về dịch vụ và cẩm nang tuyển dụng từ CareerViet.vn

Nhận ngay những tin tức mới nhất về dịch vụ và cẩm nang tuyển dụng từ CareerViet.vn

Feedback