Nhận ngay những tin tức mới nhất về dịch vụ và cẩm nang tuyển dụng từ CareerViet.vn
Nhận ngay những tin tức mới nhất về dịch vụ và cẩm nang tuyển dụng từ CareerViet.vn
Từ ngày 14/1/2024, CareerBuilder.vn chính thức đổi tên thành CareerViet.vn. Chi tiết xem tại đây.
Lượt xem: 5,293
Một loạt cuộc tấn công vừa qua tới các tài khoản của doanh nghiệp, tổ chức đã chứng minh sức mạnh của cộng đồng mạng. Bạn tìm hiểu ứng viên qua mạng xã hội? Ứng viên cũng vậy. Đừng để họ thất vọng.
Ngày nay, bạn nên coi mạng xã hội (MXH) là một công cụ mạnh mẽ, giúp doanh nghiệp (DN) kết nối với ứng viên, tìm hiểu nhu cầu khách hàng và phát triển danh tiếng. Việc tạo dựng thương hiệu của DN trên mạng xã hội có ý nghĩa rất lớn đối với doanh số cũng như tuyển dụng. Điều này sẽ càng hiệu quả nếu DN tích cực, chủ động và có cá tính riêng trên MXH.
Không dễ để các chủ DN ứng dụng hiệu quả MXH
Nhưng không dễ để các chủ DN từ thế hệ 7X trở về trước hiểu và áp dụng MXH như một công cụ hiệu quả. Chưa kể một số nơi áp dụng sai lầm hoặc không thích ứng kịp với mối quan tâm của người dùng.
CareerBuilder cung cấp một số chỉ báo về các sai lầm tai hại trên MXH. Cùng với đó là các mẹo để giúp DN của bạn tạo dựng thương hiệu một cách chuyên nghiệp và uy tín.
1. Không ở trên mạng xã hội
Một ứng viên nhận được cuộc gọi/ email/ tin nhắn mời ứng tuyển từ công ty bạn. Việc đầu tiên họ làm sau đó là tìm kiếm thông tin về DN. Đặc biệt, để xác thực thông tin, nắm bắt được văn hóa doanh nghiệp và các hoạt động thường xuyên, họ sẽ tìm kiếm trên các MXH.
Vì vậy, công ty bạn không thể từ chối tham gia mạng xã hội và hy vọng sẽ có được sự quan tâm của ứng viên. Để có thể thuê được ai đó, nhất là các nhân sự trẻ, công ty bạn nên cho họ ấn tượng ban đầu gần gũi. Đó là lý do nhiều công ty ngoài trang chính chủ trên Facebook còn có cả trang dành riêng cho tuyển dụng. Thậm chí cả lãnh đạo công ty cũng dùng MXH để quảng bá các hoạt động kinh doanh và tìm nhân sự. Và để hiệu quả thì hiện diện trực tuyến thôi không đủ, DN còn cần tạo hồ sơ đầy đủ, cập nhật các hoạt động cũng như tương tác với khách hàng thường xuyên.
2. Thương hiệu không nhất quán
Tên chính thức của DN của bạn là Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên ABC. Tên DN trên Twitter là “Cty TNHH MTV ABC”. Còn trên LinkedIn là “ABC chính hãng”. Trên Instagram và TikTok lại là “ABC - nhà sản xuất chuyên nghiệp”...?
Vậy vấn đề ở đây là gì?
Các chủ DN thường “tham lam” trong việc giới thiệu những đặc tính của đứa con tinh thần của mình. Vì thế, họ có thể có quyết định sai lầm là đặt nhiều tên khác nhau trên các MXH cho cùng một thương hiệu để gây ấn tượng với người dùng. Trong khi điều quan trọng là giúp người dùng, ứng viên nhớ tên thương hiệu. Vì vậy, phương án an toàn nhất là một cái tên chính danh ngắn gọn, dễ nhớ và thống nhất trên tất cả các nền tảng MXH.
Những yếu tố đặc thù của DN như văn hóa, năng lực, kinh nghiệm, thành tích… nên để dành trong các bài viết, hình ảnh…
Người trẻ thích những thương hiệu cá tính, gần gũi trên MXH
3. Không chân thành, gần gũi
Chắc hẳn bạn đã nghe nói đến những Influencer (người có ảnh hưởng) trên Facebook, Instagram hoặc YouTube. Họ có thể là diễn viên, người mẫu, ngôi sao showbiz hoặc thậm chí chỉ là những ông bố, bà mẹ bình thường. Điểm chung của họ là cung cấp những nội dung thuyết phục và có khả năng tác động đến thói quen mua hàng của người dùng khác trên MXH.
Điều khiến họ thành công chính là "cảm nhận mang tính xác thực". Nói cách khác, những người này tạo ấn tượng như một người bạn đáng tin; và thể hiện rằng đã thực sự sử dụng và thích sản phẩm mà họ giới thiệu, dẫn đến những người theo dõi họ cũng có cảm tình với sản phẩm. Điều này đòi hỏi khả năng truyền tải thông tin chính xác, gần gũi và có cá tính, cảm xúc chân thật. Vậy tài khoản MXH của DN của bạn đã làm được điều đó chưa?
Thậm chí, nhiều DN lớn trên thế giới đang sử dụng tài khoản MXH để “comment dạo”, khiến công chúng có cảm giác như thương hiệu có cá tính riêng, như một con người thực sự, từ đó thấy thích thú và yêu mến.
4. Đăng bài quá thường xuyên
Ngược lại với thái độ hờ hững, không coi trọng MXH là việc tài khoản DN đăng tin quá liên tục. Trừ khi công ty bạn chuyên cung cấp thông tin giải trí, còn hầu hết các lĩnh vực sản xuất và tiêu dùng không có thông tin thực sự hấp dẫn và có ích với người dùng đến mức cập nhật vài thông báo mỗi ngày. Điều này chỉ khiến khách hàng cảm thấy bị làm phiền và bỏ theo dõi.
Vậy nên, hãy: đảm bảo là công ty đã đầu tư xứng đáng cho đội ngũ content (để tạo hình ảnh, câu chuyện, thông tin thú vị, hấp dẫn, “bắt trend”, tác động tích cực đến khả năng mua hàng). 1 bài viết thú vị, đúng lúc vẫn hơn nhiều bài viết vô nghĩa trong ngày.
DN của bạn đã đủ thú vị, gần gũi trên MXH chưa?
5. Chia sẻ thông tin cảm tính
Là chủ DN, bạn quản lý nhiều người và thực sự là chuyên gia về mặt nào đó. Điều đó không có nghĩa là mọi đánh giá của bạn về xã hội đều chính xác và hợp lý. Sẽ rất bất cập nếu bạn sử dụng tài khoản doanh nghiệp để phát ngôn về các vấn đề trong xã hội, các cá nhân, hiện tượng… mà bạn chưa biết rõ.
Ngoài việc bạn có thể vi phạm Luật An ninh Mạng (ví dụ đưa tin, nhận định không chính xác về đại dịch COVID-19 hoặc thông tin đồn thổi về một cá nhân nào đó), thì bạn có thể bị người dùng quay lưng. Khi phát ngôn của DN là không đáng tin, hoặc thiếu nhân văn, thì người dùng có nên tin sản phẩm của DN đó không?
Thậm chí, trường hợp DN bỗng nhiên bị cộng đồng mạng ném đá vì một cá nhân trong tổ chức đã mắc sai lầm nào đó, kể cả không liên quan đến công việc, thì cũng hết sức cân nhắc cách phản ứng lại. DN không có lỗi khi tuyển dụng nhân sự đó, nhưng vẫn nên ghi nhận, cập nhật thông tin liên quan đến nhân sự đó và thể hiện thái độ khách quan, tôn trọng công chúng và pháp luật. Trường hợp công ty muốn giữ thông tin trong nội bộ, thì vẫn không nên phản ứng tiêu cực với cộng đồng mạng, vì điều đó có thể bị đánh đồng là DN đồng tình với cá nhân kia.
Bạn có thể đi đến quyết định không tuyển dụng nhân sự nào đó sau khi kiểm tra cách họ ứng xử trên MXH, và ngược lại, ứng viên cũng có thể không tin tưởng, không đủ cảm tình để ứng tuyển sau khi xem tài khoản MXH của công ty bạn. Rủi ro trên MXH là có thật, nhưng không hành động tức là tạo cơ hội cho các đối thủ khác ‘nẫng tay trên’ các ứng viên tiềm năng. Chúc bạn có những quyết định sáng suốt!
Nguồn ảnh: Pexels
Nguồn : CareerViet
Nhận ngay những tin tức mới nhất về dịch vụ và cẩm nang tuyển dụng từ CareerViet.vn
Nhận ngay những tin tức mới nhất về dịch vụ và cẩm nang tuyển dụng từ CareerViet.vn