Từ ngày 14/1/2024, CareerBuilder.vn chính thức đổi tên thành CareerViet.vn. Chi tiết xem tại đây.

Người lao động được ứng lương tháng 2-2021 để nghỉ Tết

Lượt xem: 5,157

Do nhu cầu sắm sửa và tiêu dùng trong dịp Tết tăng nên việc muốn ứng trước tiền lương cũng là điều cần thiết của nhiều người lao động.

Được ứng trước tiền lương nếu có thỏa thuận

Tiền lương là khoản tiền mà người sử dụng lao động phải trả cho người lao động để thực hiện công việc theo thỏa thuận. Số tiền này được người sử dụng lao động thanh toán theo đúng kỳ hạn đã thỏa thuận. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, dù chưa đến kỳ trả lương nhưng người lao động có thể tạm ứng trước tiền lương.

Người lao động được ứng lương tháng 2-2021 để nghỉ Tết - Ảnh 1.

Theo quy định, người lao động hoàn toàn có thể thỏa thuận với người sử dụng lao động để được ứng trước tiền lương tháng 2

Cụ thể, theo Bộ Luật Lao động năm 2019 , người lao động được tạm ứng lương trong các trường hợp sau:

- Người lao động hưởng lương theo sản phẩm, theo khoán mà công việc phải làm trong nhiều tháng thì hằng tháng được tạm ứng tiền lương theo khối lượng công việc đã làm trong tháng (căn cứ khoản 3, Điều 95 Bộ Luật Lao động năm 2019);

- Người lao động được tạm ứng tiền lương theo điều kiện do hai bên thỏa thuận và không bị tính lãi (căn cứ khoản 1, Điều 101 Bộ Luật Lao động năm 2019);

- Người lao động thực hiện nghĩa vụ công dân từ 1 tuần trở lên được tạm ứng tiền lương tương ứng với số ngày tạm thời nghỉ việc nhưng tối đa không quá 1 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động và người lao động phải hoàn trả số tiền đã tạm ứng, riêng người lao động đi nghĩa vụ quân sự thì không được tạm ứng tiền lương (căn cứ khoản 2, Điều 101 Bộ Luật Lao động năm 2019);

- Người lao động nghỉ hằng năm được tạm ứng một khoản tiền ít nhất bằng tiền lương của những ngày nghỉ (căn cứ khoản 3, Điều 101 Bộ Luật Lao động năm 2019);

- Người lao động được tạm ứng 50% tiền lương trong thời gian bị tạm đình chỉ công việc để xác minh vi phạm kỷ luật lao động (căn cứ khoản 2, Điều 128 Bộ Luật Lao động năm 2019).

Từ những căn cứ trên, người lao động có thể thỏa thuận với người sử dụng lao động về việc ứng trước tiền lương. Nếu hai bên thống nhất được các điều kiện về việc ứng lương thì người lao động sẽ được nhận lương trước kỳ hạn.

Mặt khác, lịch nghỉ Tết âm lịch 2021 rơi vào giữa tháng 2 Dương lịch. Do đó, để có thêm thu nhập tiêu Tết, người lao động hoàn toàn có thể thỏa thuận với người sử dụng lao động để được ứng trước tiền lương tháng 2.

Không giới hạn mức tối đa khi ứng trước

Việc ứng lương để nghỉ Tết phụ thuộc vào thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động. Nếu như các trường hợp khác được quy định cụ thể mức tạm ứng lương tối thiểu hoặc tối đa thì trường hợp ứng lương theo thỏa thuận của các bên lại không có nội dung này.

Người lao động được ứng lương tháng 2-2021 để nghỉ Tết - Ảnh 2.

Số tiền người lao động được ứng trước dịp Tết này sẽ do các bên tự thương lượng mà không giới hạn mức tối đa

Thay vào đó, việc ứng trước lương được thực hiện theo thỏa thuận của các bên. Như vậy, người lao động và người sử dụng lao động có thể tùy ý thỏa thuận về số tiền được ứng trước.

Thông thường, số tiền tạm ứng sẽ được các bên căn cứ vào mức mà người lao động đề xuất và khả năng đáp ứng của công ty. Do đó, người sử dụng lao động có thể đồng ý tạm ứng trước cho người lao động 30% hoặc 50% hoặc thậm chí 100% lương của tháng đang làm việc.

Như vậy, số tiền người lao động được ứng trước dịp Tết này sẽ do các bên tự thương lượng mà không giới hạn mức tối đa.

Những quy định về gộp phép năm vào Tết, thanh toán tiền tàu xe

Tết nguyên đán là dịp nghỉ lễ dài nhất năm, do đó, để có thể kéo dài kỳ nghỉ này, nhiều người lao động đã gộp số ngày nghỉ hằng năm chưa nghỉ hết vào dịp này. Với việc nghỉ gộp phép năm, người lao động sẽ được hưởng quyền lợi về việc thanh toán tiền tàu xe và tiền lương ngày đi đường.

Cụ thể, khoản 1, Điều 67 Nghị định 145/2020/NĐ-CP quy định: Tiền tàu xe, tiền lương những ngày đi đường ngoài ngày nghỉ hàng năm theo khoản 6, Điều 113 của Bộ Luật Lao động do hai bên thoả thuận.

Theo đó, khi nghỉ hằng năm, nếu người lao động đi bằng các phương tiện đường bộ, đường sắt, đường thủy mà số ngày đi đường cả đi và về trên 2 ngày thì sẽ được thanh toán tiền tàu xe và tiền lương những ngày đi đường. Số tiền này sẽ căn cứ vào thỏa thuận cụ thể giữa các bên.

Lưu ý, căn cứ khoản 6, Điều 113 Bộ Luật Lao động năm 2019, quyền lợi này chỉ được tính cho 1 lần nghỉ trong năm. Đồng nghĩa với đó, nếu người lao động đã được hưởng thì dù nghỉ gộp phép năm vào Tết cũng sẽ không được thanh toán tiền lương và tàu xe đi đường nữa.

 

Nguồn : Theo Báo Người Lao Động

Bài viết cùng chuyên mục "Thị trường & Xu hướng"

Xem thêm

Nhận ngay những tin tức mới nhất về dịch vụ và cẩm nang tuyển dụng từ CareerViet.vn

Nhận ngay những tin tức mới nhất về dịch vụ và cẩm nang tuyển dụng từ CareerViet.vn

Feedback