Nhận ngay những tin tức mới nhất về dịch vụ và cẩm nang tuyển dụng từ CareerViet.vn
Nhận ngay những tin tức mới nhất về dịch vụ và cẩm nang tuyển dụng từ CareerViet.vn
Lượt xem: 7,164
Sự thật đáng buồn là đôi khi chúng ta đọc được tin tức ai đó tự hủy hoại bản thân vì căng thẳng trong công việc. Sẽ thế nào nếu một nhân viên trách nhiệm, có năng lực của bạn bị áp lực đến mức suy nghĩ tiêu cực? Để không rơi vào tình huống bất ngờ và rối lên vì bài toán nhân sự, hãy chuẩn bị những "bệ đỡ" tinh thần cho nhân viên từ sớm.
Sức khỏe tinh thần hay nói chính xác là “sức khỏe tâm thần” rõ ràng một đề tài nhạy cảm. Nhưng trong xã hội hiện đại, bất cứ ai cũng có thể gặp vấn đề với sức khỏe tâm thần vào bất kỳ thời điểm nào.
Đáng buồn là trong thời gian dịch COVID diễn ra, các trường hợp trầm cảm càng tăng mạnh. Bạn - với tư cách là nhà tuyển dụng và người hành nghề nhân sự - cần giúp đỡ nhân viên của mình. Tại sao? Đầu tiên, vì họ mong đợi điều này từ bạn. Báo cáo Xu hướng Nguồn nhân lực Toàn cầu năm 2021 của Deloitte nhấn mạnh phúc lợi tại nơi làm việc là ưu tiên hàng đầu để nhân viên quyết định gia nhập hoặc gắn bó với một doanh nghiệp.
Mặt khác, theo một nghiên cứu, 75% nhân sự Gen Z và 50% nhân sự Gen Y tại Mỹ đã nghỉ việc vì lý do sức khỏe tinh thần. Và bạn biết là chi phí thay thế nhân viên rất đắt đỏ. Việc các nhân sự không được điều trị tâm thần đã khiến nền kinh tế Mỹ thiệt hại 200 tỷ USD. Vì vậy, việc hỗ trợ nhân viên có đời sống tinh thần tích cực hơn không chỉ mang ý nghĩa đạo đức cho doanh nghiệp, mà nó còn rất hợp lý về hiệu quả kinh doanh.
Vì vậy, trước khi việc tiêm phòng vắc-xin COVID-19 được mở rộng và mọi việc trở nên tươi sáng hơn, CareerBuilder chia sẻ với bạn những phương án để hỗ trợ nhân viên bước qua thời kỳ khó khăn này:
Vì sức khỏe tâm thần là một chủ đề nhạy cảm - và bị kỳ thị trong nhiều trường hợp - nên nhiều nhân viên ngại tìm kiếm sự hỗ trợ từ quản lý hoặc bộ phận nhân sự. Vì vậy, “cửa phòng sếp luôn mở rộng với nhân viên” cần được hiểu cả bằng nghĩa đen và nghĩa bóng - nhân viên không gặp rào cản gì khi trao đổi với bạn, và họ cũng cảm thấy được tôn trọng, khuyến khích khi nói ra đề tài này.
Chính sách cởi mở này cần được bộ phận nhân sự chia sẻ từ đầu với từng nhân viên mới, đi kèm với cam kết về bảo mật thông tin cá nhân. Khi nó trở thành một phúc lợi có tính truyền thống, thì không chỉ sức khỏe tinh thần của cả tập thể được cải thiện, mà mối quan hệ của các nhà quản lý với cấp dưới càng gắn kết hơn. Thông qua các cuộc trò chuyện trực tiếp, sự tin tưởng của nhân viên với tổ chức càng tăng.
Ví dụ, công ty lọc không khí Filter King ở Alabama (Mỹ) luôn tự hào rằng nhân viên được hoan nghênh đến nói chuyện với quản lý, dù về vấn đề nghiệp vụ hay cá nhân mà không bị phán xét.
Để chính sách sức khỏe tâm thần tại doanh nghiệp thực sự thành công, bạn cần tạo ra một môi trường hỗ trợ toàn diện. Nghĩa là nhân viên của bạn được đào tạo và truyền động lực để đạt được thành công tốt nhất.
EWR Digital - doanh nghiệp chuyên về marketing - đã bắt đầu chiến lược hỗ trợ chăm sóc sức khỏe từ 9/2020 với mục tiêu truyền sức mạnh cho nhân viên chăm sóc bản thân tốt hơn và trở nên kiên cường hơn: “Chúng tôi thường xuyên hỏi nhân viên của mình xem họ như thế nào. Chúng tôi tìm hiểu cách họ đang chăm sóc sức khỏe tâm thần và khuyến khích mọi người chia sẻ những bí kíp hiệu quả”.
Đặt ra chính sách về sức khỏe tâm thần thì rất ý nghĩa, nhưng chưa đủ nếu không đi kèm hành động mà nhân viên dễ dàng tham gia.
Ví dụ, tăng cường các cơ hội để nhân viên tăng cường thể lực, như người ta vẫn thường nói: “Một cơ thể khỏe mạnh có thể chứa đựng một tâm trí khỏe mạnh”. Kể cả sức mạnh thể chất không phải là hình thức duy nhất hỗ trợ sức khỏe tâm thần, nhưng rõ ràng nó giúp con người trở nên phấn chấn hơn.
Bộ phận truyền thông nội bộ hoàn toàn có thể chia sẻ các bí kíp, thói quen lành mạnh như tập thể dục, ngủ, dinh dưỡng, thiền và dành thời gian cho những người thân yêu. Nếu dịch dã làm các hoạt động tập thể như thể dục, yoga bị hạn chế, thì có thể làm như công ty Eclipse Foods ở San Francisco: “Chúng tôi tặng các ứng dụng chăm sóc sức khỏe miễn phí để khuyến khích nhân viên tập luyện và vượt qua thời điểm khó khăn này”.
Còn công ty tài chính Goalry.com lại cung cấp đồ ăn vặt lành mạnh để giúp nhân viên tăng cường sức đề kháng: “Các ki-ốt trái cây miễn phí đặt trong văn phòng sẽ cung cấp vitamin có tác động tích cực đến tinh thần. Nhân viên của chúng tôi làm việc hiệu quả hơn và cũng được giữ gìn sức khỏe”. Thậm chí khi tất cả chuyển sang chế độ WFH (Làm tại nhà), phúc lợi công ty cũng nâng lên một tầm cao mới: “Nhân viên nhận được các thùng trái cây miễn phí ship đến tận cửa hàng tuần. Những món quà nhỏ đó không chỉ chăm sóc sức khỏe tinh thần và thể chất, mà còn làm sợi dây gắn bó với công ty thêm bền chặt".
Nghe có vẻ xa lạ, nhưng một chuyên gia chăm sóc sức khỏe tinh thần, giúp nhân viên hạnh phúc hơn có thể hòa tan những xung khắc manh nha vì căng thẳng. Đó có thể là người luôn sẵn sàng nói chuyện với mọi người về các vấn đề riêng tư, thỉnh thoảng tạo các khảo sát để biết mọi người đang ở đâu trong thang đo căng thẳng và đề ra các phương án giúp giải tỏa.
Không đâu xa, ngay tại Việt Nam, đội ngũ Hoteljob.vn đã mời chuyên gia khai vấn tổ chức tọa đàm online về “Bình tĩnh sống thời đại dịch”: Làm thế nào để cân bằng cuộc sống, có lại lạc quan sau những áp lực nặng nề và khó khăn thời đại dịch, nhất là với nhân sự Khách sạn - một ngành đang bị ảnh hưởng nặng nề…
Như mọi dự án hoặc quy chế thông thường, một khi đã đặt ra thì cần có cơ chế theo dõi và đánh giá hiệu quả. Bạn cần theo dõi sự tiến bộ của sức khỏe tâm thần của chính bản thân cũng như nhân viên, cũng như có các báo cáo hữu hình để nhân rộng hoặc rút kinh nghiệm.
Sự gia tăng của chỉ số EQ, sự lạc quan… có thể coi là thước đo. Thậm chí có thể đánh giá về mức độ đóng góp ý kiến của những nhân viên kín tiếng nhất có tăng dần theo năm tháng trong các cuộc họp với tư vấn viên tâm lý? Chí ít, họ cũng có ai đó để trút bầu tâm sự.
Điều quan trọng, sau tất cả, khi khi gánh nặng tâm lý đã nhẹ bớt, “đầu óc thông thoáng” thì nhân viên cũng thấy việc làm việc là một niềm vui, chứ không vì trách nhiệm: “Điều tôi có thể chia sẻ với bạn là các deadline được thực hiện một cách dễ dàng và ít có cảm giác căng thẳng trong các cuộc họp. Chúng tôi đã hoàn thành các mục tiêu cuối năm từ tháng 8/2020 và có thể đặt ra các mục tiêu cao hơn cho năm 2021” - đó là điều mà lãnh đạo EWR Digital chia sẻ.
Về cơ bản nhân viên và đồng nghiệp của bạn đều là những con người, có những vấn đề riêng và phải trải qua đợt dịch theo những cách khác nhau, với khó khăn riêng. Bạn muốn họ muốn đi làm hàng ngày và là phiên bản tốt nhất của chính họ, vậy những gì bạn có thể làm được là thiết lập một môi trường mà họ có thể cảm thấy an toàn và được hỗ trợ.
Nguồn : CareerViet
Nhận ngay những tin tức mới nhất về dịch vụ và cẩm nang tuyển dụng từ CareerViet.vn
Nhận ngay những tin tức mới nhất về dịch vụ và cẩm nang tuyển dụng từ CareerViet.vn