Thông Báo Việc Làm
Chào mừng bạn đến CareerViet.vn
Tạo thông báo việc làm để xem việc làm phù hợp với bạn, nhà tuyển dụng đã xem hồ sơ của bạn và cập nhật nhiều hơn nữa ...
welcome to careerviet
Lượt xem: 13,769
Thời điểm cuối năm là một khoảng thời gian tương đối khó khăn đối với cả nhà tuyển dụng và ứng viên bởi lẽ
Ứng viên dù biết cuối năm là thời điểm vàng để chuyển đổi nghề nghiệp vẫn không “cam tâm” dứt bỏ khoản thưởng cuối năm sau cả 12 tháng cống hiến và nỗ lực làm việc,nhà tuyển dụng cần chốt lại ngân sách tuyển dụng và kế hoạch nhân sự thì lại khó thuyết phục được ứng viên ra đi lúc này. Việc dùng dằng qua lại trong quá trình đàm phán công việc và thoả thuận lương thưởng quả là đau đầu cho cả hai bên. Hãy cùng CareerViet.vn thử đặt lên bàn cân những điều lợi và những nguy cơ có thể xảy ra cho việc chuyển đổi công việc vào cuối năm nhé.
Hãy tưởng tượng bạn đang nhận được lời mời làm việc của một công ty bạn cực kỳ yêu thích và đây là một cơ hội nghề nghiệp cực kỳ tốt khó lòng chối từ. Thế nhưng, khoản thưởng cuối năm chỉ còn cách bạn có 1 hoặc 2 tháng nữa thôi. Bạn sẽ phải chọn lựa thế nào để bản thân thấy thoải mái nhất với quyết định của mình và không nuối tiếc? Để xử lý tình huống này, một số nhà tuyển dụng đã đưa ra giải pháp bằng khoản thưởng đầu vào (sign-on bonus) để thuyết phục ứng viên gia nhập công ty vào thời điểm cuối năm hoặc ngay đầu năm mới. Khoản tiền này có thể được hiểu nôm na như một sự chia sẻ và đền bù cho tổn thất về thu nhập thưởng cuối năm hay thưởng Tết của ứng viên vì quyết định rời bỏ công ty hiện tại vào thời điểm nhạy cảm. Không có một quy định cụ thể nào về khoản thưởng đầu vào mà sẽ là sự thoả thuận giữa hai bên, nhà tuyển dụng và ứng viên, về thời gian và số tiền chi trả. Số tiền có thể dao động từ 5 – 10%, thậm chí hơn trên tổng mức lương trong một năm của ứng viên và thời gian chi trả có thể chia làm hai lần, ngay sau khi ứng viên ký lời mời làm việc và sau khi ứng viên vượt qua giai đoạn thử việc.
Vì vậy, để có thể đưa ra quyết định đúng đắn, ứng viên trước hết cần hiểu rõ vì sao nhà tuyển dụng lại dành cho mình khoản thưởng đầu vào này. Thông thường, sau đây là ba lý do chính theo tư vấn từ các chuyên gia của trang Monster:
Những ngành nghề có nhiều sự cạnh tranh về mặt nhân sự thì sẽ lại càng cần nhiều chính sách hấp dẫn để thu hút nhân tài, đặc biệt là nhân sự cấp cao, ví dụ như ngành Công nghệ thông tin chẳng hạn. Khoản thưởng đầu vào cũng thể hiện thành ý của nhà tuyển dụng đối với ứng viên khi họ thật sự mong muốn ứng viên gia nhập công ty. Vì vậy, khoản thưởng này mang một ý nghĩa to lớn về giá trị của ứng viên , sự công nhận và trân trọng về kỹ năng chuyên môn của ứng viên theo đánh giá của nhà tuyển dụng.
Thực tế là có nhiều ứng viên đòi hỏi mức lương cao hơn khả năng chi trả của nhà tuyển dụng dành cho một vị trí cụ thể nào đó. Thế nên, nhà tuyển dụng có thể dùng chính sách thưởng đầu vào để tạo ra sự khác biệt trong suy nghĩ của ứng viên về mức thu nhập trong năm đầu tiên. Tức là, ở năm đầu tiên ứng viên vẫn có được tổng thu nhập như mong muốn nhờ vào khoản thưởng đầu vào này, thế nhưng từ các năm sau trở đi, việc tăng thu nhập sẽ không có tính đột biến nữa mà sẽ được áp dụng theo chính sách của công ty và điều này giúp nhà tuyển dụng giữ được sự cân bằng và kiểm soát tốt quỹ lương của mình.
Khi ứng viên quyết định rời bỏ công việc hiện tại, họ đôi khi không chỉ mất đi khoản thưởng cuối năm mà còn là những phúc lợi khác dành cho nhân viên lâu năm hoặc chính sách chia sẻ lợi nhuận từ kinh doanh của công ty chẳng hạn. Vì vậy, khoản thưởng đầu vào này một lần nữa thể hiện rõ quan điểm từ nhà tuyển dụng, rằng họ hiểu ứng viên đã phải chấp nhận bỏ lại những gì sau lưng và khoản thưởng này thường sẽ bù đắp được những đánh đổi của ứng viên.
Điều quan trọng đầu tiên, ứng viên nên đọc kỹ và hiểu rõ những điều kiện và điều khoản áp dụng đối với khoản chi trả đầu vào này từ công ty. Liệu ứng viên sẽ nhận khoản thưởng trong bao lâu, trong bao nhiều lần chi trả? Ứng viên có cần trả lại khoản thưởng này nếu kết thúc công việc sau một mốc thời gian nào đó? Tuỳ vào từng công ty, thời gian thử thách đó đôi khi có thể chỉ vài tháng nhưng cũng có thể lên đến cả năm.
Điều cần cân nhắc thứ hai chính là triển vọng của công ty tiềm năng bởi lẽ theo khảo sát “Nhà tuyển dụng yêu thích” do CareerViet.vn kết hợp cùng đơn vị nghiên cứu thị trường InsightAsia tổ chức trong nhiều năm qua đã cho ra kết quả yếu tố lương thưởng không còn giữ quá nhiều ảnh hưởng trong việc khiến người đi làm vui vẻ ở lại hoặc bất mãn ra đi. Một định hướng nghề nghiệp đúng đắn, một con đường phát triển lâu dài đi kèm với phúc lợi tốt dần quan trọng hơn đối với họ. Vì vậy, nếu khoản thưởng đầu vào rất cao nhưng đi kèm nhiều điều kiện không tốt hoặc áp lực quá nhiều sớm có thể nhìn ra trước mắt, ứng viên nên cực kỳ thận trọng trong việc đánh đổi công việc hiện tại. Ngược lại, nếu khoản thưởng đầu vào là chấp nhận được so với mức thưởng cuối năm nhưng lại mang đến cho bạn những tiến triển nghề nghiệp tốt đẹp, hãy tạo cho bản thân một cơ hội chuyển đổi tốt nhất.
Một điều nữa, để đối phó với việc “chảy máu chất xám” trong giai đoạn cuối năm, các công ty cũng thường chia khoản tiền thưởng cuối năm thành nhiều lần chi trả kéo dài, đôi khi có thể lên đến 2 hay 3 lần khác nhau và kéo dài sang năm mới. Vì vậy hãy cân nhắc chính sách chi trả của bên nào khiến thu nhập của bạn tốt hơn, làm bạn thấy thoải mái hơn và khi đó bạn sẽ không phải quá đau đầu chọn lựa nữa, bởi suy cho cùng thu nhập nhận được do một năm bạn đã cống hiến hết mình hay thu nhập từ việc đón nhận một thử thách mới cũng sẽ không quá khác biệt, bởi lẽ chính vì bạn đã có những tiến bộ vượt bậc một năm qua nên giờ bạn có được trong tay một cơ hội nghề nghiệp tốt.
Chúc các bạn có được một mùa săn việc cuối năm nhiều trải nghiệm và hãy chia sẻ với CareerViet.vn hành trình đến với nghề nghiệp mơ ước của bạn nhé!
Nguồn hình: Freepik
Nguồn: CareerBuiderVietnam
Vui lòng đăng nhập để thực hiện chức năng này