Rất mệt mỏi nếu sếp ngó lơ các nhu cầu về đời sống riêng của bạn và yêu cầu bạn cống hiến nhiều hơn. Cuối năm rồi, cũng không dễ để bạn đi tìm một công việc ưng ý. Vậy làm thế nào để điều chỉnh các yêu cầu của sếp?
Càng giai đoạn Tết nhất, chúng ta càng thấy sự cân bằng giữa công việc và đời sống riêng tư trở nên cần thiết. Không ai muốn ngày cuối năm bận rộn, để rồi lỡ mất những giây phút nghỉ ngơi, mua sắm, tề tựu bên gia đình.
Ở lại công ty sau giờ làm không phải là sự gắn bó lành mạnh với công ty
Lúc này, nếu sếp của bạn không phải
người thấu hiểu và thông cảm được, có thể họ tỏ thái độ không hài lòng nếu bạn xin phép về sớm để kịp bắt chuyến xe về quê, hoặc đến dự buổi lễ tổng kết học kỳ của con. Hoặc tệ hơn, sếp của bạn thẳng thừng bác bỏ hoặc thậm chí chỉ trích việc bạn mong muốn dành thời gian cho gia đình. Họ cũng có thể là kiểu sếp sẵn sàng giao cho bạn một nhiệm vụ lúc cuối chiều và yêu cầu bạn phải trả lại kết quả vào sáng hôm sau. Nếu bạn nói “Không” hoặc không hoàn thành kịp, sẽ bị đánh giá là thiếu chuyên nghiệp.
Rõ ràng, đây là một tình huống nhạy cảm khi sếp không làm sai về quy định công ty. Chỉ là họ không chia sẻ với các nhu cầu đời sống riêng cần thiết của nhân viên. Điều đó có thể xuất phát từ việc họ
thiếu vắng khả năng thấu cảm, không có kế hoạch hỗ trợ nhân viên, hoặc do cố tình làm ngơ.
Dù là gì, CareerViet khuyên bạn nên giữ sự bình tĩnh và có chiến lược đa dạng để “thiết lập ranh giới” công việc - đời sống một cách hiệu quả.
1. Nắm rõ quyền của bạn
Bạn cần nắm được các phúc lợi của người lao động được Luật Lao động và quy định công ty công nhận. Ví dụ: bạn được bao nhiêu ngày nghỉ có lương, bao nhiêu ngày nghỉ không lương mỗi năm, hoặc bạn được phép cắt bớt số giờ làm việc trong những ngày đặc biệt nào? Công ty bạn cho phép bạn sắp xếp thời gian nghỉ ngơi hoặc không có mặt ở công ty trong những tình huống như thế nào? Nếu công ty có chế độ làm việc linh hoạt, hãy đăng ký với bộ phận nhân sự.
Kiểm tra xem tình huống của mình có đạt điều kiện như quy định của công ty không sẽ giúp bạn bớt hoang mang nếu sếp tỏ ra không vừa ý. Chí ít, bạn biết bạn vẫn đang hành động trong khuôn khổ cho phép.
2. Chia sẻ thẳng thắn
Khi đã biết mình không làm gì sai, hãy chia sẻ với sếp về tình huống của bạn. Có thể sếp của bạn không ác ý, mà chỉ là chưa từng để tâm.
Sự minh bạch, trung thực về các vấn đề mà bạn cần phải giải quyết trong cuộc sống riêng (mà không lấn át công việc như quy định) chính là cung cấp cho sếp thông tin và bối cảnh để có cái nhìn khách quan hơn về bạn.
Một mặt, làm rõ bạn vẫn đảm bảo các yêu cầu công việc theo quy định và khả năng cho phép, mặt khác, cho sếp thấy một nhân viên cũng cần có cuộc sống gia đình - xã hội bên cạnh công việc. Ví dụ: một nhân viên nữ còn là một người mẹ, người giáo viên, đầu bếp, người chăm sóc tại nhà cho những đứa trẻ. Và thời gian ngoài giờ hành chính hoàn toàn thuộc về quyền sử dụng của bạn, cũng như bạn có quyền sử dụng ngày nghỉ phép, giờ nghỉ phép hợp pháp.
Có lẽ bạn sẽ thấy e ngại việc thuyết phục sếp về một khía cạnh đời sống (có thể là xa lạ với họ) nhưng đừng để sự khó chịu khiến bạn lảng tránh chủ đề này. Đó là
quyền lợi mà bạn không cần bào chữa, thông cảm hay xin - cho nếu bạn sử dụng đúng mực.
Làm rõ với sếp rằng thời gian ngoài công sở là để tái tạo năng lượng
3. Thông cảm với sếp
Chúng ta thường có thói quen ngầm chỉ trích các vị sếp thiếu thông cảm với nhân viên. Nhưng sự đồng cảm nên đến từ hai chiều. Trong giai đoạn kinh tế khó khăn, quản lý của bạn cũng như lãnh đạo công ty có thể đang phải chịu nhiều áp lực.
Chí ít, bạn có thể hỏi điều gì khiến họ lo ngại nếu bạn có những ngày nghỉ, hoặc về trước giờ quy định? Nếu đó không phải là một quyết định mang tính cảm tính của họ, mà là do sự thúc ép của mục tiêu doanh số, hay hỏi về việc họ mong đợi mà bạn có thể đạt được.
Sự chia sẻ này có thể mang đến sự hiểu biết rằng trong thời gian tới, bạn nên ưu tiên nhiệm vụ nào để giúp họ bớt lo ngại.
4. Cập nhật tiến độ công việc
Thiếu thông tin có thể là lý do khiến sếp không tin tưởng rằng bạn nỗ lực làm việc và vì thế không tạo điều kiện cho bạn. Vì thế, hãy chịu khó giao tiếp với sếp, để họ thấy bạn có cống hiến khi ở văn phòng, và các nhiệm vụ đều đạt tiến độ cam kết. Có rất nhiều cách mà bạn không phải mặt đối mặt để báo cáo họ, ví dụ: cập nhật mục tiêu, tiến độ các nhiệm vụ trong tuần qua các phần mềm quản lý đầu việc như Asana, Slack, hoặc đơn giản là viết email.
5. Vạch rõ ranh giới
Nếu sếp của bạn cũng theo trường phái “burn-out”, coi công ty là nhà, sự nghiệp là tất cả thì có thể khó để làm họ hiểu được rằng bạn có nghĩa vụ với gia đình. Nhưng cần phải làm rõ với sếp thời gian giới hạn mà bạn dành cho công việc. Ví dụ: không nhận tin nhắn công việc sau 7 giờ tối, vì đó là giờ bạn cho con ăn. Hoặc không trả lời mail vào những ngày nghỉ lễ, Tết.
Nhưng nếu
sếp tiếp tục không tôn trọng thời gian cá nhân của bạn, thì bạn cần phải nói chuyện rành mạch về khung thời gian mà bạn dành cho công việc trong 24 giờ mỗi ngày. Bạn nên vạch rõ khung giờ không liên quan đến công việc để tái tạo năng lượng cũng như thực hiện các cam kết với gia đình, sống cuộc sống riêng của bạn. Nếu không có khoảng thời gian đó, bạn khó có thể có cuộc sống cân bằng để toàn tâm toàn ý cho công việc. Đó cũng là lý do mà quy định giờ làm và số ngày nghỉ phép được đưa vào Luật Lao động.
Tất nhiên bạn sẽ không muốn mọi chuyện trở nên căng thẳng vào dịp cuối năm, khi mà ai cũng chỉ đợi thưởng Tết và trở về với gia đình với kỳ nghỉ lễ. Nhưng nếu bạn còn muốn níu kéo công việc hiện tại cũng như chắc chắn về khả năng đây là
công việc nên duy trì lâu dài trong tương lai, hãy thực hiện các phương pháp đủ để đảm bảo bạn và sếp có sự đồng thuận và công bằng về quyền nghỉ ngơi của bạn.
Ảnh: Pexels
Xem thêm cơ hội tìm việc làm mới tại CareerViet :