Thông Báo Việc Làm
Chào mừng bạn đến CareerViet.vn
Tạo thông báo việc làm để xem việc làm phù hợp với bạn, nhà tuyển dụng đã xem hồ sơ của bạn và cập nhật nhiều hơn nữa ...
welcome to careerviet
Lượt xem: 20,168
Vào những năm 20 của thế kỷ trước, có một câu vè điểm mặt những người giàu có nhất nước ta: “Nhất Sĩ, nhì Phương, tam Xương, tứ Bưởi”.
Tên tuổi của một trong bốn người giàu có nổi tiếng thời đó gắn liền với nghề vận tải đường sông, ông là Bạch Thái Bưởi (1874-1932). Tên tuổi và sự nghiệp của ông tiêu biểu cho ý chí làm giàu của người Việt Nam trong cuộc cạnh tranh với các thế lực ngoại bang, trong bối cảnh đất nước còn đang bị đô hộ. Thời đó, trong căn phòng làm việc của Bạch Thái Bưởi treo đầy những biển hiệu tiếng Tây, tiếng Tàu của những đối thủ đã bị ông đánh bại trên thương trường.
Bạch Thái Bưởi sinh năm 1874 trong một gia đình nông dân ở làng Yên Phú, Thanh Trì, Hà Đông (nay là ngoại thành Hà Nội). Nhà nghèo nhưng cha mẹ ông vẫn cố gắng cho ông học chữ quốc ngữ, chữ Pháp. Nhưng rồi ông bỏ học đi làm ký lục cho một hãng buôn người Pháp ở phố Tràng Tiền, Hà Nội. Năm 1894, ông chuyển sang làm việc cho một xưởng thuộc hãng thầu công chính. ở đây, lần đầu tiên ông được tiếp xúc với máy móc cơ giới và thu nhận những hiểu biết về cách tổ chức và quản lý sản xuất. Năm 1895, nhân dịp Bắc Kỳ có gian hàng triển lãm tại hội chợ Bordeux (Pháp), Phủ thống xứ Bắc Kỳ cần một người Việt Nam thạo tiếng Pháp giới thiệu các mặt hàng trưng bày. Thế là chàng thanh niên Bạch Thái Bưởi, mới 21 tuổi đời, được chọn đi dự đấu xảo. Vậy là ông có dịp sang Pháp, tiếp xúc trực tiếp với văn minh phương Tây. Về nước, ông tiếp tục làm việc cho hãng thầu công chính thêm nửa năm. Lúc ấy người Pháp đang chuẩn bị bắc cầu Long Biên, Bạch Thái Bưởi xin vào làm đốc công ở công trình này. Thấy người Pháp đang cần gỗ làm đường sắt, ông liền cùng với một người bạn hùn vốn khai thác gỗ làm tà vẹt bán cho Sở hỏa xa Đông Dương. Trong 3 năm vật lộn trong nghề kinh doanh đầu tiên này, ông đã có chút vốn liếng. Rồi ông bỏ vốn, xoay sang buôn ngô, nhưng lần này vận may không đến nên ông bị lỗ nặng, mất gần hết vốn tích cóp được từ mấy năm buôn gỗ.
Còn lại vẹn nguyên là ý chí kinh doanh vẫn sục sôi trong ông. Thu vén nốt số vốn liếng tài sản còn lại, Bạch Thái Bưởi tung vào đấu thầu mua lại một hiệu cầm đồ ở Nam Định, và ông đã thắng thầu, trở thành ông chủ hiệu cầm đồ.
Tất cả những nghề, những lĩnh vực mà Bạch Thái Bưởi đã trải qua đã đem lại cho ông những kinh nghiệm, ý chí và cả vốn liếng để ông bước vào một lĩnh vực kinh doanh mới mẻ mà chính ông và cả người Việt Nam chưa hề nghĩ tới - Nghề vận tải đường sông.
Năm 1909, Bạch Thái Bưởi biết tin Marty - chủ một hãng tàu Pháp chuyên chở thư và hàng hóa đường sông Bắc Kỳ - sắp hết hạn hợp đồng với nhà nước bảo hộ. Vả lại, ông người Pháp này muốn chuyển sang địa hạt kinh doanh mới. Bạch Thái Bưởi liền nhanh tay thuê lại 3 chiếc tàu (Phi Phụng, Phi Long, Khoái Tử Long). Với 3 chiếc tàu, ông mở 2 tuyến chở khách là Nam Định - Hà Nội, Nam Định - Bến Thủy.
Giai đoạn ấy, cả nước ta dưới ánh sáng tư tưởng của phong trào Duy Tân và Đông Kinh Nghĩa Thục, đang từ bỏ dần thói quen khinh thị nghề buôn bán theo triết lý Nho giáo, hăm hở lao vào con đường thực nghiệp. Thời cuộc mới, ý tưởng mới đã khích lệ Bạch Thái Bưởi.
Cũng phải thừa nhận một sự thực là trong cái nghề sông nước này, trước mặt ông có hai đối thủ đáng gờm - những chủ tàu người Pháp và người Hoa. Những tuyến đường ông chọn cũng là những tuyến đường trọng yếu của các chủ tàu người Hoa chiếm giữ lâu nay. Vậy là nổ ra cuộc đụng độ - một cuộc chiến không cân sức. Ông hạ giá một, người Hoa hạ giá hai, ông mời khách uống trà miễn phí, người Hoa mời khách ăn bánh ngọt, ông trải chiếu hoa cho khách ngồi, người Hoa cho đặt ghế trên tàu. Hai đối thủ cạnh tranh sát ván, hành khách lúc đó thực sự là thượng đế. Bằng trăm phương nghìn kế, các chủ tàu người Hoa quyết “dìm” Bạch Thái Bưởi.
Bạch Thái Bưởi tin rằng, sự nghiệp kinh doanh của mình diễn ra trên mảnh đất của dân tộc, xung quanh là đồng bào mình, nếu biết vận dụng tinh thần dân tộc, ắt sẽ được sự cổ vũ, ủng hộ của đồng bào trong cuộc cạnh tranh khốc liệt này. Từ niềm tin đó, ông tìm ra những giải pháp hợp lý. Những giải pháp của ông, trong lý thuyết quản trị kinh doanh hiện đại ngày nay người ta gọi là: “vận dụng yếu tố phi thị trường”. Bạch Thái Bưởi cho người tới các bến tàu, xuống tận tàu để diễn thuyết, cổ vũ cho tinh thần đồng bang, tương thân tương ái. Ông cho đặt hòm lạc quyên trên tàu để vận động ủng hộ vùng này lũ lụt, vùng kia mất mùa. Mọi người rất ủng hộ nên khách đi tàu của ông ngày một đông, họ gọi đi lại trên đường sông là đi “tàu Bưởi”.
Công tác tiếp thị cũng được ông hết sức quan tâm và vận dụng hiệu quả. Cùng với những tuyến đường cố định, tùy theo nhu cầu xã hội mà ông mở các tuyến vận tải theo mùa. Chẳng hạn, mùa trẩy hội chùa Hương, ông mở thêm tuyến Phủ Lý - Bến Đục phục vụ thiện nam tín nữ vãn cảnh chùa; hoặc tháng 8 âm lịch có hội đền Kiếp Bạc, ông cho mở tuyến Đáp Cầu - Kiếp Bạc (1chuyến/ngày)… Mỗi khi mở thêm tuyến mới, ông đều cho đăng quảng cáo trên báo chí, đặc biệt là các bài thơ quảng cáo theo thể lục bát rất dễ nhớ, dễ thuộc. Để thu hút khách, Bạch Thái Bưởi rất chú ý đến sự an toàn, vệ sinh, đặc biệt là giá vé phải chăng. Khách đi tàu của ông, dù tuyến xa hay tuyến gần bao giờ cũng được đối xử tử tế, bình đẳng.
Có lẽ, Bạch Thái Bưởi là doanh nhân Việt Nam đầu tiên đã vận dụng thành công tinh thần dân tộc như một thứ “vũ khí” để chiến thắng trên thương trường. Thứ “vũ khí” ấy giúp ông mạnh lên, vốn trường ra và dần dà thâu tóm những đội tàu của các công ty Hoa, Pháp sắp phá sản như công ty Marty d’Abbadie, công ty Desch Wander, công ty Hùng Anh…
Một sự kiện đáng nói trong cung cách kinh doanh của Bạch Thái Bưởi là năm 1916, ông mua đứt xưởng đóng tàu của Marty (người Pháp) ở Cửa Cấm, Hải Phòng. Vậy là chỉ sau 7 năm bước vào nghề kinh doanh vận tải đường thủy, ông đã có một cơ ngơi độc lập, khép kín, không phải phụ thuộc vào ai - từ xưởng sửa chữa, đóng tàu, chạy tàu đến chi nhánh đại diện ở nhiều nơi. Năm 1917, ông dời trụ sở của hãng mình từ Nam Định ra Hải Phòng, cảng biển quan trọng bậc nhất ở Bắc Kỳ. Tại đây, giới công thương chứng kiến sự ra đời của Cty hàng hải lừng danh mang tên “Giang hải Luân thuyền Bạch Thái Bưởi Công ty ” với lá cờ hiệu màu vàng có hình mỏ neo và ba ngôi sao đỏ.
Đến những năm cuối thập ký 20 của thế kỷ trước, Bạch Thái Bưởi đã có trên 40 chiếc tàu và nhiều sà lan. Đội tàu hùng hậu của ông, treo lá cờ hiệu màu vàng có hình mỏ neo và ba ngôi sao đỏ, chạy hầu hết các tuyến đường sông Bắc Kỳ, chạy ven biển cả nước và đã có những chuyến tàu vươn ra các nước như Hồng Kông, Trung Quốc, Nhật Bản, Phi-lip-pin, Xin-ga-po… Bạch Thái Bưởi đã từ sông vươn ra biển và nuôi mộng vượt đại dương.
Để có được những con tàu đẹp đẽ, được chỉnh trang, chạy đúng lịch trình, xưởng đóng tàu Cửa Cấm dưới sự điều hành của quản đốc Nguyễn Văn Phúc (em rể Bạch Thái Bưởi) và gần 700 công nhân tiến hành bảo dưỡng định kỳ, tân trang lại những con tàu cũ. Sự kiện nổi bật là năm 1918, Bạch Thái Bưởi quyết định cho nối dài chiếc tàu Khoái Tử Long bằng cách cắt đôi tàu rồi cho nối thêm vào giữa một đoạn thân tàu dài 7,8m. Nhưng thành công hơn cả là sự kiện, ngày 7-9-1919 xưởng Cửa Cấm cho hạ thủy con tàu đầu tiên được xưởng đóng mới. Con tàu trọng tải 600 tấn, mang tên Bình Chuẩn là chiếc tàu sắt đầu tiên được đóng mới trong nước, hoàn toàn do thợ Việt Nam tự thiết kế và chế tạo. Ngày 20-08-1920, tàu Bình Chuẩn chạy chuyến tàu đầu tiên từ Hải Phòng đi Sài Gòn có ghé qua Bến Thủy, Đà Nẵng, Quy Nhơn. Sự kiện con tàu Bình Chuẩn mang thương hiệu Bạch Thái Bưởi cập cảng Sài Gòn khiến giới công thương Nam Kỳ lúc đó nhiệt liệt chào mừng. Sự kiện này được xem là biểu tượng cho phong trào “chấn hưng thương trường, cổ động thực nghiệp” của giới doanh nhân.
Ngoài kinh doanh vận tải đường thủy, Bạch Thái Bưởi còn bỏ vốn đầu tư vào các ngành kinh doanh khác với mộng ước trở thành một nhà kinh doanh tổng hợp kiểu như Rockerfeller (Mỹ). Bạch Thái Bưởi đã từng đấu thầu thu thuế chợ Rồng (Nam Định), chợ Vinh (Nghệ An), mở quán cơm Tây ở Thái Bình, Thanh Hóa, xây nhà cho người Pháp thuê ở Tam Bạc, Hải Phòng. Đặc biệt hơn, ông đã chen lách thành công vào địa hạt kinh tế cấm kỵ thời Pháp thuộc, đó là đầu tư vào khai thác mỏ. Ông là chủ sở hữu của mỏ than Bí Chợ, Quảng Yên (nay là mỏ Uông Bí, Quảng Ninh).
Có lẽ đóng góp quan trọng thứ hai sau lĩnh vực hàng hải của Bạch Thái Bưởi là kinh doanh xuất bản. Ông bỏ vốn xây dựng nhà in Đông Kinh ấn Quán đặt trụ sở ở gần chợ Đồng Xuân. Tại nhà in này, in ấn sách báo, tạp chí và các loại ấn phẩm phổ biến thời đó như Nam phong tạp chí… Đã có nhà in trong tay, năm 1921 ông cho ra đời tờ nhật báo mang tên Khai hóa nhật báo, in bằng tiếng Việt, ra số đầu tiên ngày 15/07/1921, trên măng sét còn ghi rõ người sáng lập là Bạch Thái Bưởi. Có thể xem Khai hóa nhật báo là tờ báo đầu tiên ở Bắc Kỳ cổ súy cho giới công thương, giới thiệu cung cách làm ăn, góp phần khuyếch trương tên tuổi Bạch Thái Bưởi. Tờ báo ra được hơn 1700 số thì đóng cửa.
Trong công ty Bạch Thái Bưởi có trên 1400 người làm công, bao gồm những người làm ở văn phòng, trên đội tàu, ở xưởng Cửa Cấm, nhà in, tòa báo và các chi nhánh ở Hà Nội, Nam Định, Tuyên Quang, Việt Trì, Bến Thủy, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Sài Gòn. Đáng ngạc nhiên, trong suốt hơn 20 năm tồn tại, trong công ty ông không hề xảy ra cuộc đình công nào.
Ngày 22/07/1932, người được mệnh danh là “Chúa sông Bắc Kỳ” Bạch Thái Bưởi đột ngột qua đời tại Hải Phòng. Ông được gia đình an táng gần khu mỏ Bí Chợ (gần Yên Tử ngày nay). Sau đó, gia đình ông lần lượt bán hết sản nghiệp mà ông để lại và sang Pháp định cư. Cuộc đời và sự nghiệp kinh doanh của Bạch Thái Bưởi tiêu biểu cho ý chí làm giàu và tinh thần tự cường của giới tư sản Việt Nam, trong bối cảnh đất nước đang bị ách nô lệ của thực dân Pháp. Dẫu điều kiện kinh tế xã hội thời đó có nhiều đặc biệt, song những chiến lược kinh doanh của Bạch Thái Bưởi vẫn nóng hổi ý nghĩa trong thời đại ngày nay. Dù đã gần một thế kỷ trôi qua, song những bài học thương trường của Bạch Thái Bưởi vẫn còn nguyên giá trị.
Nguồn: (Theo TCTM)
Vui lòng đăng nhập để thực hiện chức năng này