Thông Báo Việc Làm
Chào mừng bạn đến CareerViet.vn
Tạo thông báo việc làm để xem việc làm phù hợp với bạn, nhà tuyển dụng đã xem hồ sơ của bạn và cập nhật nhiều hơn nữa ...
welcome to careerviet
Lượt xem: 104,602
Rất nhiều người luôn giữ một quan điểm sai lầm: nhân sự luôn đi kèm với tuyển dụng, học ngành nhân sự ra trường đi làm tuyển dụng. Thực chất, tuyển dụng phổ biến nhưng nó không phải là tất cả của nhân sự. Ngành nhân sự vẫn còn nhiều mảng rất thú vị ngoài tuyển dụng. Hãy cùng CareerViet hiểu sâu hơn về định nghĩa cũng như các mảng công việc của ngành nhân sự là gì qua bài viết sau đây.
Nhân sự là gì? Nhân sự là phòng ban chịu trách nhiệm quản lý nguồn nhân lực của công ty. Nhiệm vụ có thể bao gồm việc tìm kiếm, sàng lọc, tuyển dụng ứng viên và quản lý các chương trình phúc lợi cho nhân viên. Bên cạnh đó, việc lên kế hoạch các sự kiện của công ty để gắn kết nhân viên cũng thuộc trách nhiệm của phòng nhân sự.
Như vậy, có thể thấy, nhân sự bao gồm tất cả những gì liên quan đến vòng đời nhân viên ở lại với công ty (từ tuyển dụng, đào tạo, hưởng phúc lợi, sa thải).
Công việc của phòng nhân sự không trực tiếp mang lại doanh thu hay lợi nhuận cho một doanh nghiệp. Tuy nhiên, vai trò của nó lại vô cùng quan trọng, vì đây là nhóm quản lý thành phần chủ chốt của một công ty, tức là yếu tố con người.
Với định nghĩa trên thì ta đã hiểu hơn về nhân sự là gì, cùng tìm hiểu tiếp về mảng đào tạo và phát triển. Sau quá trình tuyển dụng, phòng nhân sự đã có được ứng viên đủ điều kiện để ngồi vào vị trí đó. Tuy nhiên, trước khi nhân viên thực sự làm việc tại công ty, phòng Nhân sự sẽ đảm nhiệm công tác đào tạo và huấn luyện nhân viên.
Mảng đào tạo và phát triển đề cập đến các hoạt động đào tạo nhân viên trong công ty do phòng Nhân sự tạo ra để nâng cao kiến thức và kỹ năng của nhân viên, đồng thời cung cấp thông tin, nội quy và hướng dẫn về cách thực hiện tốt hơn các nhiệm vụ cụ thể.
Vài trò của bộ phận nhân sự là gì? Nhân sự đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo doanh nghiệp hoạt động đúng pháp luật. Họ cần chắc chắn tất cả hoạt động tuyển dụng, điều kiện làm việc, lương, phúc lợi, an toàn và bảo hiểm lao động đều tuân thủ Luật lao động hiện hành.
Việc này cực kỳ quan trọng, vì nếu vi phạm, doanh nghiệp có thể đối mặt với hình phạt hành chính hoặc pháp lý, thậm chí kiện tụng. Do đó, tuân thủ luật lao động là chìa khóa cho sự phát triển bền vững và thành công của tổ chức.
Bộ phận nhân sự cần phải tìm kiếm và tuyển dụng nhân tài cho doanh nghiệp. Họ cần phát triển chiến lược thu hút ứng viên phù hợp, sau đó sàng lọc hồ sơ, phỏng vấn và kiểm tra năng lực để lựa chọn nhân sự tốt nhất. Không chỉ tuyển dụng, bộ phận nhân sự còn có trách nhiệm đào tạo và phát triển nhân viên.
Họ thiết kế, triển khai các chương trình đào tạo phù hợp, đáp ứng nhu cầu của cả tổ chức lẫn nhân viên, giúp nâng cao năng lực và hiệu suất làm việc.
Bộ phận nhân sự quản lý toàn bộ các chính sách và phúc lợi cho nhân viên. Điều này bao gồm lương, thưởng, bảo hiểm y tế và các khoản khác. Quản lý tốt các chính sách này giúp giữ chân nhân viên giỏi, tạo sự hài lòng và tinh thần làm việc tích cực hơn cho cả đội ngũ. Nhân viên cảm thấy được quan tâm sẽ gắn bó lâu dài với công ty.
Các nhóm công việc của nghề nhân sự là gì, bao gồm 4 mảng công việc chính: tuyển dụng, lương thưởng và phúc lợi, hành chính, đào tạo và phát triển.
Tuyển dụng nhân sự là gì, tuyển dụng đóng vai trò vô cùng quan trọng. Vì nhiệm vụ của một nhân viên nhân sự là tìm kiếm nguồn nhân lực giỏi, phù hợp với văn hóa công ty. Thị trường ngày nay biến động, việc làm cũng vì thế mà luôn không ổn định. Việc các nhân viên nhân sự phải luôn sẵn sàng để chiêu mộ thêm người tài cho những vị trí trống là rất cần thiết.
Một số đầu việc khi nhân viên nhân sự làm tuyển dụng cần phải làm là:
- Thiết lập và triển khai kế hoạch để tuyển dụng nhân viên mới theo yêu cầu của công ty
- Lọc CV, tuyển chọn và lưu lại hồ sơ của ứng viên
- Sắp xếp buổi hẹn phỏng vấn
- Thực hiện quy trình phỏng vấn và tuyển chọn
- Tổ chức một số hoạt động, sự kiện nhằm thu hút các ứng viên tiềm năng
Bên cạnh việc trả lương hàng tháng thì lương thưởng và phúc lợi cho nhân viên của mình cũng đóng vai trò rất quan trọng để tạo động lực và giữ chân nhân viên. Các công việc trong mảng này có thể kể đến như:
- Tính lương, thuế thu nhập cá nhân, phụ cấp và thưởng cho nhân viên mỗi tháng
- Lập các báo cáo chi phí, bảng lương cho nhân viên nội bộ hàng tháng, báo cáo thuế thu nhập cá nhân và các báo cáo khác
- Xử lý các hoạt động nhân sự và quản lý quyền lợi bao gồm tự bảo hiểm, nhân thọ, bảo hiểm y tế
- Hỗ trợ các Giám đốc Nhân sự trong việc xem xét lương hàng năm, đánh giá hiệu quả công việc, các chương trình thăng tiến,...
Mảng này bao gồm việc quản lý nhân viên, thực thi các chính sách của ban lãnh đạo, điều tra nội bộ,... Một nhân sự hành chính có thể làm những đầu việc cụ thể như sau:
- Tổ chức sắp xếp và lưu trữ hồ sơ nhân sự
- Cập nhật thông tin nội bộ
- Chuẩn bị các tài liệu nhân sự, như hợp đồng lao động và hướng dẫn tuyển dụng vị trí mới
- Sửa đổi các chính sách của công ty
- Giải đáp các câu hỏi của nhân viên về vấn đề liên quan đến ban nhân sự
- Sắp xếp chỗ ở cho chuyến du lịch và xử lý các biểu mẫu chi phí
- Tham gia vào các sự kiện nhân sự
Bộ phận nhân sự đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển đội ngũ nhân viên. Đây bao gồm thiết kế các chương trình đào tạo phù hợp, tìm kiếm giảng viên và đối tác đào tạo chất lượng, và giám sát quá trình học tập. Sau khi đào tạo, họ đánh giá hiệu quả của mỗi nhân viên để điều chỉnh chương trình đào tạo cho phù hợp, giúp nhân viên phát triển tốt nhất. Kết quả là đội ngũ nhân viên có năng lực và hiệu suất làm việc cao hơn.
Bộ phận nhân sự cần quản lý và đánh giá hiệu suất làm việc của nhân viên một cách hiệu quả. Họ phải đặt ra mục tiêu cụ thể và theo dõi sát sao kết quả. Mục tiêu này cần được cá nhân hóa cho từng nhân viên và có thể điều chỉnh nếu cần thiết. Việc quản lý và đánh giá này giúp nhân viên hiểu rõ hơn về hiệu quả công việc, từ đó có thể điều chỉnh và nỗ lực tối đa để hoàn thành tốt công việc.
Vậy bạn có đang thắc mắc mức lương của nhân viên nhân sự là gì, dao động trong khoảng bao nhiêu? Công việc hành chính nhân sự rất cần thiết cho mọi doanh nghiệp, vì vậy thị trường việc làm luôn thiếu nhân lực. Mức lương của vị trí này khá hấp dẫn và phụ thuộc vào kinh nghiệm của ứng viên. Theo VietnamSalary, mức lương trung bình của nhân viên hành chính nhân sự là 8.200.000 - 11.000.000 đồng. Tuy nhiên, mức lương cụ thể có thể thay đổi tùy thuộc vào doanh nghiệp và vị trí.
Dưới đây là mức lương tham khảo cho một số vị trí:
- Chuyên viên tuyển dụng (1 - 6 năm kinh nghiệm): 9.900.000 - 14.300.000 đồng
- Chuyên viên đào tạo (1 - 6 năm kinh nghiệm): 11.900.000 - 17.800.000 đồng
- Chuyên viên nhân sự (trên 6 năm): 12.000.000 - 14.400.000 đồng
- Trưởng phòng hành chính nhân sự: 19.200.000 - 26.900.000 đồng
- Giám đốc nhân sự: 36.200.000 - 53.000.000 đồng
Cách để trở thành nhân viên nhân sự là gì, trước tiên là kỹ năng quan sát. Thông qua các buổi phỏng vấn, bạn không chỉ nghe những gì ứng viên nói, mà còn phải quan sát hành vi, thái độ, ngôn ngữ cơ thể của họ để có cái nhìn tổng quan và đưa ra lựa chọn phù hợp nhất.
Khả năng quan sát giúp bạn nhận biết được những điểm mạnh, điểm yếu, sự phù hợp của ứng viên với vị trí tuyển dụng và văn hóa doanh nghiệp.
Làm ngành nhân sự đa phần là làm việc với con người nên kỹ năng giao tiếp tốt, đặc biệt là kỹ năng lắng nghe là vô cùng cần thiết.
Bạn sẽ không thể là một nhân viên nhân sự xuất sắc nếu bạn không khả năng lắng nghe những mong muốn của nhân viên. Đồng thời, việc lắng nghe để trung hòa các mối quan hệ còn giúp cho công ty ít xảy ra mâu thuẫn hơn.
Bạn cần có những nguyên tắc trong nghề để thành công trong công việc. Những nguyên tắc này đòi hỏi sự công bằng tuyệt đối giữa những ứng viên với nhau, giữa các nhân viên trong công ty.
Các chuyên gia nhân sự được thuê để giải quyết một tình huống liên quan đến nguồn nhân lực của tổ chức. Trong khi tìm kiếm giải pháp cho sự bế tắc, chuyên gia nhân sự cũng phải đảm bảo rằng các nguồn nhân lực của công ty không bị ảnh hưởng.
Làm nhân sự cũng không tránh khỏi những áp lực nhất định. Bạn có thể gặp phải những tình huống căng thẳng như tuyển dụng không đủ người, nhân viên nghỉ việc nhiều, ứng viên không đạt yêu cầu,... Điều này đòi hỏi bạn phải rèn luyện kỹ năng chịu được áp lực, giữ bình tĩnh và linh hoạt trong xử lý tình huống để giải quyết vấn đề một cách hiệu quả.
Kỹ năng phân tích và đánh giá là chìa khóa thành công của nhân sự. Trong quá trình tuyển dụng, bạn cần phân tích câu trả lời, đánh giá kỹ năng, kiến thức và tính cách của ứng viên để chọn ra những người phù hợp nhất.
Khả năng phân tích cũng giúp bạn đánh giá tiềm năng phát triển của nhân viên, từ đó đưa ra những chính sách thăng tiến phù hợp hoặc bổ sung vào các vị trí quản lý còn thiếu.
Ngành nhân sự luôn không ngừng thay đổi và phát triển theo từng giai đoạn, đặc biệt trong bối cảnh thị trường lao động có nhiều biến động như hiện nay. Do đó, người làm nhân sự cần có tinh thần cầu tiến, không ngừng học hỏi và cập nhật kiến thức mới, áp dụng những phương pháp và công nghệ tiên tiến để cải thiện quy trình tuyển dụng và quản lý nhân sự.
Sự linh hoạt và năng động giúp bạn thích nghi tốt hơn với những thay đổi và tạo ra giá trị cho bản thân cũng như doanh nghiệp.
Hầu hết các nhà tuyển dụng khuyên: "Bạn trẻ nên ứng tuyển vào những công ty nhỏ, nơi mà một nhân viên phải "bao sân" nhiều mảng: công văn, tuyển dụng, đào tạo, chi trả lương, thưởng, tính toán phúc lợi, làm các thủ tục bảo hiểm, tư vấn luật... Chính những công việc tưởng chừng cỏn con này lại đem đến kinh nghiệm quý báu và là một lợi thế lớn cho việc thăng tiến sau này".
Mọi nhân viên đều được đào tạo và phát triển để có cơ hội trở thành một nhà quản lý". Với công ty nhỏ thì một nhân viên nhân sự tốt rất có thể nhanh chóng được đề bạt vị trí phụ trách nhân sự hoặc phụ trách văn phòng. Ở một số công ty lớn, một chuyên viên nhân sự giỏi có thể được giao phụ trách toàn bộ vấn đề nhân sự của một hoặc một vài bộ phận trong công ty.
Quá trình thăng tiến có thể theo chiều dọc hoặc theo chiều ngang. Ví dụ trong nghề nhân sự, theo chiều dọc là từ một nhân viên tuyển dụng lên trưởng phòng tuyển dụng, rồi giám đốc nhân sự; theo chiều ngang là một trưởng phòng tuyển dụng có thể kiêm nhiệm hoặc được điều phối sang làm trưởng phòng đào tạo và phát triển…
Các chuyên gia cho rằng, có 3 bước chính để dẫn đến thành công của một chuyên viên nhân sự theo cấp độ từ thấp đến cao: hành chính, quản trị, chiến lược. Các công việc hành chính như: quản lý hồ sơ, trợ lý tuyển dụng, đào tạo... cũng chính là một phần của công tác nhân sự. Ở mức chuyên nghiệp như quản trị hay chiến lược còn bao gồm cả việc xây dựng văn hóa công ty, xây dựng giá trị cốt lõi và triết lý doanh nghiệp...
Bộ phận nhân sự có các phòng ban chính: Recruitment (tuyển dụng), T&D (đào tạo và phát triển), C&B (lương và phúc lợi). Ở một số công ty lớn, một chuyên viên nhân sự "cứng" sẽ phụ trách toàn diện các vấn đề nhân sự của một bộ phận kinh doanh.
Một số tố chất mà bạn cần trau dồi để trở thành một chuyên gia về nhân sự: sự tận tụy, biết lắng nghe và có tầm nhìn,...
Danh sách các trường đào tạo ngành quản trị nhân lực Trường ĐH Kinh Tế Quốc Dân. Trường ĐH Nội Vụ Trường ĐH Thương Mại. Trường ĐH Công Nghiệp Hà Nội. Trường ĐH Công Đoàn. Trường ĐH Lao Động – Xã Hội (Cơ sở Sơn Tây) Trường ĐH Lao Động – Xã Hội (Cơ sở Hà Nội) Học Viện Thanh Thiếu Niên Việt Nam.
Sự khác biệt lớn nhất giữa Recruitment và Talent Acquisition là về mặt thời gian: Talent Acquisition mang tính chiến lược, phát triển theo thời gian lâu dài, còn Recruitment sẽ cố gắng tìm ứng viên càng sớm càng tốt để đáp ứng vị trí đang trống của doanh nghiệp.
HR Internal là nhân viên của doanh nghiệp, trực tiếp tham gia vào quá trình tuyển dụng. Còn HR Services sẽ được các doanh nghiệp thuê để tìm kiếm ứng viên giúp cho mình.
Trên đây, CareerViet đã giới thiệu cho bạn chi tiết về định nghĩa và các nhóm công việc của phòng nhân sự. Nếu bạn là một người ưa thích làm về nhân sự, truy cập ngay vào trang web của CareerViet.vn để tìm ngay cho mình một bến đỗ mới nhé!
Nguồn: CareerViet
Vui lòng đăng nhập để thực hiện chức năng này