Sign up for the Latest Industry News, Tips and Advice with CareerViet.vn
Sign up for the Latest Industry News, Tips and Advice with CareerViet.vn
Từ ngày 14/1/2024, CareerBuilder.vn chính thức đổi tên thành CareerViet.vn. Chi tiết xem tại đây.
Views: 5,648
Về cơ bản, người quản lý có thể yêu cầu nhân viên làm bất cứ điều gì hợp pháp thuộc phạm vi hợp đồng, trừ khi nhân viên có hợp đồng lao động vô cùng tỉ mỉ về giới hạn trách nhiệm. Nhưng liệu ''sếp'' có nên đưa ra mọi yêu sách mong muốn và đâu là lằn ranh đỏ để dừng lại?
Tại nơi làm việc, rất nhiều sự cố có thể xảy ra làm gián đoạn công việc, ví dụ như nước rò rỉ, máy photo hỏng, mất mạng, côn trùng ‘đổ bộ’… Chắc chắn một người nào đó sẽ phải xử lý mớ hỗn độn này.
Nhân viên có đang hài lòng với nhiệm vụ được giao?
Phương án tốt nhất là gọi dịch vụ bảo trì hoặc quản lý tòa nhà can thiệp. Tuy nhiên, nếu ‘vị cứu tinh’ không có mặt sớm, sếp có thể nghĩ đến phương án tận dụng cấp dưới. Nhưng sai bảo nhân viên làm những việc không phải chuyên môn của họ có thể tạo cảm giác bất mãn. Dưới đây là 10 việc bạn không nên sai nhân viên làm:
1. Những việc chính bạn cũng không làm
Xử lý sự cố tại văn phòng đôi khi là nhiệm vụ khó nhằn và chẳng ai muốn dây vào. Do đó, cấp trên chỉ nên yêu cầu cấp dưới sửa máy photo nếu đây là một phần trách nhiệm của họ. Đừng giao cho họ những việc mà chính bản thân bạn không muốn nhúng tay.
Tuy ở các công ty nhỏ, thực tế là ai cũng có lúc phải làm việc vặt. Nhưng sếp cũng nên góp tay vào các tình huống này, ví dụ như diệt côn trùng hay vệ sinh văn phòng.
2. Hủy kế hoạch du lịch
Đôi khi khủng hoảng ập đến bất ngờ và bạn thực sự cần cả công ty chung tay hỗ trợ. Thế nhưng, đừng yêu cầu nhân viên hủy chuyến du lịch mà họ đã xin phép từ trước để ở lại xử lý khủng hoảng.
Nếu cấp dưới xin nghỉ để làm những việc như dọn nhà, đi thăm họ hàng, bạn có thể nhờ họ đổi lịch để hỗ trợ công ty. Nhưng nghỉ phép để đi du lịch là thời gian quan trọng với gia đình và bạn bè, là một phần quyền lợi mà bạn đã hứa với ứng viên lúc tuyển dụng. Nói lời phải giữ lấy lời, đừng bao giờ đề nghị cấp dưới hủy các chuyến đi này.
3. Làm thêm không công
Điều này nghe có vẻ ‘rõ như ban ngày’, nhưng nó không phải là không phổ biến. Về nguyên tắc, công ty phải đảm bảo chi trả lương theo quy định pháp luật, và có thể bị phạt nếu để nhân viên phải làm thêm quá mức. Nhưng nếu công việc đang chất đống mà deadline thì ‘sát nút’, các sếp sẽ muốn người lao động làm ngoài giờ không công.
Lời khuyên: Đừng làm vậy. Yêu cầu này về cơ bản là bất hợp pháp, đi quá giới hạn trong hợp đồng mà bạn đã ký với nhân viên, và khiến họ mất niềm tin vào công ty.
4. Làm giả hồ sơ giấy tờ
Đây là một điều tối kỵ nhưng đôi khi vẫn xảy ra. Đã có những sếp yêu cầu cấp dưới làm giả giấy tờ để biển thủ/ trốn thuế hàng tỉ đồng. Phổ biến hơn thì họ sẽ sai bảo nhân viên những việc nhỏ hơn như sửa ngày tháng trong tài liệu, gửi email cho đối tác nói dối về việc thanh toán chi phí…
Bạn và nhân viên nên tuân thủ pháp luật và thành thật 100% trong công việc. Khi được yêu cầu lừa dối công ty, đối tác và luật pháp, họ sẽ không tôn trọng bạn nữa. Và chắc chắn điều này mang đến các nguy cơ khủng hoảng trong tương lai cho cả hai.
5. Nhận trách nhiệm hộ bạn
Khi yêu cầu cấp dưới làm nhiệm vụ X nhưng công việc đó thất bại, leader có thể dễ dàng đổ lỗi cho nhân viên. Thế nhưng, điều thực sự nên làm là dũng cảm đứng ra nhận trách nhiệm.
Nên cùng chịu trách nhiệm công việc với nhân viên
Cũng khá dễ hiểu khi nhiều leader bắt nhân viên ‘đổ vỏ’ hộ mình, đây là phản xạ bảo vệ bản thân, nhưng lại là hành động sai trái. Ai sai, người đó chịu. Quy tắc này còn áp dụng cho các nhiệm vụ chung khác trong nhóm. Với tư cách là leader, bạn không bao giờ nên ‘vứt’ toàn bộ trách nhiệm cho các thành viên khác, kể cả khi họ là người mắc lỗi.
6. Làm việc điên cuồng
Một số ngành nghề có đặc thù là thời gian làm việc rất ‘điên cuồng’. Những ai làm quyết toán thuế đều biết mình sẽ bận ‘sấp mặt’ từ tháng 3 đến tháng 4. Nhưng đó là một phần của công việc. Người lao động đã biết về yêu cầu này. Nhưng sẽ không ổn chút nào nếu bạn dồn ép cấp dưới bằng cách bắt họ làm nhiều giờ hơn so với trách nhiệm thực sự của họ, càng không nên nếu để việc này diễn ra liên tục như là chuyện nghiễm nhiên trong nghề.
Nếu nhóm của bạn thường xuyên không thể hoàn thành mục tiêu đúng hạn và cần overtime đêm ngày, đã đến lúc tuyển nhân sự mới, thay đổi mục tiêu công việc hoặc xem lại quy trình. “Con giun xéo lắm cũng quằn”, đừng để đến khi nhân viên cốt cán bỏ việc mới cất công níu kéo.
7. Nhịn nhục khi bị khách hàng xúc phạm
Nếu có một khách hàng xúc phạm, quấy rối nhân viên, bạn không nên khuyên họ nhẫn nhịn hoặc bỏ qua.
Hãy cho phép nhân viên rời vị trí và thay họ tiếp khách hàng đó, thậm chí mời khách hàng đi về nếu cần. Nếu người này là đại diện của doanh nghiệp đối tác, bạn có thể dập tắt vấn đề bằng cách gọi điện cho sếp của họ. Hãy nhớ rằng nhân viên của bạn xứng đáng được tôn trọng và được bảo vệ. Có rất nhiều khách hàng tìm cách thách thức giới hạn của nhà cung cấp dịch vụ. Bảo vệ nhân viên cũng là bảo vệ danh dự của doanh nghiệp.
8. Chịu đựng đồng nghiệp bắt nạt
Người quản lý không nên cho phép hành vi bắt nạt trong nhóm. Hãy cố gắng xây dựng môi trường công sở mà mọi người tôn trọng lẫn nhau. Nếu trong nhóm có người chuyên tìm cách lấn lướt người khác và không chịu thay đổi, hãy sa thải người đó, ngay cả khi họ là cá nhân xuất sắc.
Không ai đáng phải làm việc với một kẻ bắt nạt, và với tư cách là người quản lý, nhiệm vụ của bạn là ‘thanh lọc’ những nhân sự này trước khi văn phòng của mình trở thành môi trường làm việc độc hại.
Môi trường lành mạnh sẽ có những nhân viên trung thành
9. Đi làm khi bị ốm
Với những trường hợp xin nghỉ ốm, hãy cho họ được nghỉ ngơi. Điều này đặc biệt quan trọng trong đại dịch COVID-19 vì SARS-CoV-2 có thể dễ dàng lây lan trong môi trường kín như văn phòng.
Kể cả khi chưa có COVID-19, nếu bạn ép nhân viên làm việc khi bị ốm, họ có thể mắc sai lầm khiến việc khắc phục còn mệt mỏi hơn. Cho họ nghỉ ngơi cũng là bảo vệ sức khỏe của toàn công ty.
10. Quyên góp từ thiện
Nhiều công ty kỳ vọng nhân viên tham gia hoạt động từ thiện cùng công ty. Tuy nhiên, nếu họ không muốn đóng góp một phần tiền lương làm từ thiện, đừng ép buộc.
Khi bạn đưa ra một mức lương cho ứng viên lúc tuyển dụng, thì họ sẽ coi đó là lương thực tế. Yêu cầu nhân viên quyên góp đồng nghĩa với giảm tiền lương. Bạn có thể nghĩ rằng mức lương này là hào phóng, nhưng bạn không biết điều kiện sống của họ ra sao.
Ngay cả khi bạn biết cấp dưới hay mua những món đồ đắt tiền, thì đó vẫn là tiền công sức của họ và quyền sử dụng đồng tiền đó như thế nào thuộc về họ. Đừng ‘tẩy chay’ bất cứ ai vì không ủng hộ các chương trình bên lề của công ty.
Kết
Nếu bạn tránh xa 10 điều tối kỵ trên, bạn có thể sẽ tạo nên môi trường công sở được nhân viên đánh giá cao. Kết quả là giảm tỷ lệ thay thế nhân sự và có được đội ngũ hạnh phúc và gắn bó hơn. Điều này đòi hỏi bạn nuôi dưỡng bản lĩnh của vị sếp bên trong bạn: đề cao tính công bằng và hạn chế sự cảm tính.
Source : Careerbuilder
Sign up for the Latest Industry News, Tips and Advice with CareerViet.vn
Sign up for the Latest Industry News, Tips and Advice with CareerViet.vn