Sign up for the Latest Industry News, Tips and Advice with CareerViet.vn
Sign up for the Latest Industry News, Tips and Advice with CareerViet.vn
Views: 6,336
Công ty yêu cầu người lao động đi làm và chỉ hưởng mức lương 100% như ngày thường sau đó sẽ cho nghỉ bù vào ngày 29/4/2021. Ông Hải hỏi, công ty làm như vậy có đúng với quy định của Bộ luật Lao động hay không?
Luật sư Trần Văn Toàn, Văn phòng luật sư Khánh Hưng - Đoàn luật sư Hà Nội trả lời vấn đề ông Hải hỏi như sau:
Theo quy định tại Điều 112 Bộ luật Lao động 2019 (có hiệu lực từ ngày 1/1/2021) thì người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương vào ngày lễ, tết, trong đó có ngày Giỗ Tổ Hùng Vương (10/3 âm lịch). Trường hợp doanh nghiệp bố trí người lao động đi làm vào ngày lễ Giỗ Tổ Hùng Vương thì phải tính trả tiền lương làm thêm giờ cho người lao động.
Điểm c Khoản 1 Điều 98 Bộ luật này quy định, người lao động làm thêm giờ vào ngày nghỉ lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương được trả lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương thực trả theo công việc đang làm ít nhất bằng 300%, chưa kể tiền lương ngày lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương đối với người lao động hưởng lương ngày.
Theo Điều 55 Nghị định số 145/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020 của Chính phủ thì tiền lương làm thêm giờ vào ngày nghỉ lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương quy định tại Khoản 1 Điều 98 của Bộ luật Lao động được tính như sau:
Tiền lương làm thêm giờ vào ngày nghỉ lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương = Tiền lương giờ thực trả của công việc đang làm vào ngày làm việc bình thường x Mức ít nhất 300% x Số giờ làm thêm
Trong đó:
- Tiền lương giờ thực trả của công việc đang làm vào ngày làm việc bình thường, được xác định bằng tiền lương thực trả của công việc đang làm của tháng hoặc tuần hoặc ngày mà người lao động làm thêm giờ (không bao gồm tiền lương làm thêm giờ, tiền lương trả thêm khi làm việc vào ban đêm, tiền lương của ngày nghỉ lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương theo quy định của Bộ luật Lao động; tiền thưởng theo quy định tại Điều 104 của Bộ luật Lao động, tiền thưởng sáng kiến; tiền ăn giữa ca, các khoản hỗ trợ xăng xe, điện thoại, đi lại, tiền nhà ở, tiền giữ trẻ, nuôi con nhỏ; hỗ trợ khi có thân nhân bị chết, người lao động có người thân kết hôn, sinh nhật của người lao động, bệnh nghề nghiệp và các khoản hỗ trợ, trợ cấp khác không liên quan đến thực hiện công việc hoặc chức danh trong hợp đồng lao động) chia cho tổng số giờ thực tế làm việc tương ứng trong tháng hoặc tuần hoặc ngày người lao động làm thêm giờ (không quá số ngày làm việc bình thường trong tháng và số giờ làm việc bình thường trong 1 ngày, 1 tuần theo quy định của pháp luật mà doanh nghiệp lựa chọn và không kể số giờ làm thêm);
- Mức ít nhất bằng 300% so với tiền lương giờ thực trả của công việc đang làm vào ngày làm việc bình thường, áp dụng đối với giờ làm thêm vào ngày nghỉ lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương, chưa kể tiền lương của ngày nghỉ lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương đối với người lao động hưởng lương ngày.
- Đối với người lao động hưởng lương theo sản phẩm, được trả lương làm thêm giờ khi làm việc ngoài thời giờ làm việc bình thường để làm thêm số lượng, khối lượng sản phẩm ngoài số lượng, khối lượng sản phẩm theo định mức lao động. Sản phẩm làm thêm vào ngày nghỉ lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương được tính mức ít nhất bằng 300% so với đơn giá tiền lương sản phẩm của ngày làm việc bình thường.
- Người lao động làm thêm giờ vào ngày lễ, tết trùng vào ngày nghỉ hằng tuần thì được trả lương làm thêm giờ vào ngày nghỉ lễ, tết. Trường hợp làm thêm giờ vào ngày nghỉ bù khi ngày lễ, tết trùng vào ngày nghỉ hằng tuần thì người lao động được trả lương làm thêm giờ vào ngày nghỉ hằng tuần.
Căn cứ các quy định nêu trên, khi doanh nghiệp huy động người lao động làm việc vào ngày nghỉ lễ, cụ thể là ngày Giỗ Tổ Hùng Vương (10/3 âm lịch) phải trả tiền lương làm thêm giờ cho người lao động ít nhất bằng 300% so với tiền lương thực trả theo công việc đang làm ở ngày làm việc bình thường, chưa kể tiền lương của ngày Giỗ Tổ Hùng Vương (là ngày nghỉ lễ có hưởng lương theo quy định của Bộ luật Lao động).
Theo luật sư, trừ trường hợp người lao động, tập thể người lao động có yêu cầu, tự nguyện thỏa thuận với doanh nghiệp được đi làm vào ngày lễ Giỗ Tổ Hùng Vương 10/3 âm lịch (ngày 21/4/2021) và chỉ nhận mức lương 100% như ngày làm việc bình thường, để được bố trí nghỉ bù 1 ngày vào ngày 29/4/2021, nối liền với kỳ nghỉ lễ Ngày chiến thắng (30/4), Ngày Quốc tế lao động (1/5), Chủ nhật 2/5 (và nghỉ bù thêm thứ Hai 3/5 nếu thứ Bảy 1/5 là ngày nghỉ hằng tuần do trùng ngày Quốc tế lao động) thì tiền lương làm việc vào ngày Giỗ Tổ Hùng Vương thực hiện theo thỏa thuận.
Còn trường hợp do yêu cầu sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp chủ động huy động người lao động đi làm thêm giờ vào ngày Giỗ Tổ Hùng Vương 10/3 âm lịch (ngày 21/4/2021) và bố trí cho người lao động nghỉ bù vào ngày làm việc bình thường là ngày 29/4/2021, thì phải thực hiện đúng quy định của Bộ luật Lao động, trả tiền lương làm thêm giờ vào ngày lễ cho người lao động với mức ít nhất bằng 300% so với tiền lương thực trả theo công việc đang làm ở ngày làm việc bình thường.
Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương (10/3 âm lịch) là ngày nghỉ lễ được hưởng nguyên lương, người lao động nghỉ lễ đúng vào ngày Giỗ Tổ Hùng Vương, hay được bố trí nghỉ bù vào ngày khác vẫn được hưởng nguyên lương của ngày lễ đó.
Luật sư Trần Văn Toàn
VPLS Khánh Hưng, Đoàn luật sư Hà Nội
* Thông tin chuyên mục có giá trị tham khảo với người đọc, không dùng làm tài liệu trong tố tụng pháp luật.
Source : Báo chính phủ
Sign up for the Latest Industry News, Tips and Advice with CareerViet.vn
Sign up for the Latest Industry News, Tips and Advice with CareerViet.vn