Từ ngày 14/1/2024, CareerBuilder.vn chính thức đổi tên thành CareerViet.vn. Chi tiết xem tại đây.

Tấm bằng quan trọng nhất trong cuộc đời là "bằng lòng"

Views: 19,086

Ông Paul Nguyễn Hưng - Tổng Giám đốc CareerBuilder Vietnam quan niệm: Tấm bằng quan trọng nhất trong cuộc đời là "bằng lòng". Điều này càng đúng trong hợp tác đầu tư, nếu hai bên không bằng lòng nhau, nếu trong mắt nhà đầu tư bạn không "dễ thương" thì khả năng hợp tác bất thành rất lớn."

Hãy cùng theo dõi toàn bộ bài phỏng vấn ông Paul Nguyễn Hưng - Tổng Giám đốc CareerBuilder Vietnam:


Đa số doanh nhân thường bắt đầu bằng lĩnh vực mình am hiểu, ông lại bắt đầu từ một lĩnh vực khác và đã thành công. Có bí quyết gì không, thưa ông?

Tôi khởi nghiệp tại Việt Nam với ngành bảo trì cao ốc năm 32 tuổi (1994) là một sự tình cờ.

Thời điểm đó đất nước mới mở cửa, rất hiếm nhà cao tầng nên công việc bảo trì cao ốc còn khá lạ. Với tôi thì ngược lại vì đã quen thấy trong thời gian sống ở nước ngoài. Sự phát triển của cao ốc là tất yếu khi kinh tế phát triển, kéo theo ngành bảo trì cao ốc. Hơn nữa, Việt Nam chưa có băng thông, internet, ADSL... nên dù rất muốn tôi cũng chưa thể phát triển ngành phần mềm (software) đã học.

Trong kinh doanh, bạn có thể nghĩ ra cái mới mà xã hội chưa có nên nhiều người khuyên đừng mạo hiểm là bình thường. Điều cần làm là quản lý rủi ro ở mức thấp nhất. Đối với công việc bảo trì cao ốc, cần tuân thủ các phương pháp khoa học, quy chuẩn, công nghệ sẽ hạn chế được rủi ro.

Công ty của ông đã được bán 50% cho một nhà đầu tư Nhật, ông có định trước điều này ngay từ khi xây dựng công ty?

Điều tiên quyết khi bắt đầu kinh doanh là bạn phải chắc chắn thị trường cần nó, xác định quy mô thị trường, nhà đầu tư mình cần để sau này chủ động chào mời.

Tức là từ khi bắt đầu nên nghĩ đến nhà đầu tư phù hợp chứ không phải làm rồi thấy thiếu vốn mới tìm nhà đầu tư. Ví dụ sàn tuyển dụng trực tuyến đã được hình thành từ 10 năm trước trên thế giới. Cũng như việc CareerBuilder mua lại mảng này của VON đã được tôi tính toán ngay từ lúc thành lập công ty.

Chúng ta hay bị lối suy nghĩ duy ý chí "mình muốn" mà không biết thị trường có muốn hay không, làm thế nào người ta mới chịu đầu tư. Phải đặt mình vào vị trí nhà đầu tư khi nhìn vào một công ty sẽ muốn có những gì. Phải để nhà đầu tư "muốn" mới mở được các điều kiện thoả thuận khác.

Vậy thông thường nhà đầu tư sẽ quan tâm những gì?

Nền tảng công ty, ban điều hành, ý tưởng cốt lõi, mô hình kinh doanh, nhu cầu thị trường... là những yếu tố phổ biến.

Theo kinh nghiệm của riêng tôi, còn một yếu tố ít người để ý nhưng lại chiếm tỉ trọng gần như tuyệt đối trong quyết định đầu tư: Bạn là con người như thế nào ngoài kỹ năng tốt, sản phẩm tốt?

Tôi đã hỏi những bạn sở hữu rất nhiều bằng cấp nhưng không xác định được bằng nào là quan trọng nhất trong đời mình. Đó là "bằng lòng". Nếu hai bên không bằng lòng nhau, nếu bạn không "dễ thương", không có đức tính tốt thì làm sao họ dám bỏ tiền ra đầu tư.

Nhưng làm thế nào để xác định mức giá nhà đầu tư đề nghị là hợp lý?

Trước hết, bạn nên giữ công ty đạt đến trạng thái ổn định về khách hàng, doanh thu (ít nhất là hoà vốn) để thương lượng được giá tốt.

Nhưng khoảng 90% cội nguồn thất bại trong các thoả thuận là về giá. Nếu cả 2 bên đều duy ý chí, không nhìn ra thế nào gọi là đủ thì không thể thoả thuận thành công.

Thành công là khi biết thế nào là đủ và hài lòng những gì đạt được. Nếu nói không chú trọng tài chính trong các thương vụ là không đúng. Nhưng cái mà tôi thích hơn là sản phẩm của mình đem lại lợi ích cho xã hội.

Mới khởi nghiệp, dù thiệt thòi một chút bạn cũng đừng lo, cái thu lại được là kinh nghiệm cho ngày mai.

Thế thì làm cách nào để đánh giá một nhà đầu tư tốt và làm việc hiệu quả với họ?

Các bạn có thể lên Google tìm kiếm thông tin, xem thử họ đã đầu tư vào những công ty nào, nếu được thì đến gặp người quản lý công ty đó xin chia sẻ kinh nghiệm về chủ đầu tư.

Các bạn trẻ hay mắc phải một lỗi là trong quá trình kêu gọi đầu tư không chia sẻ ý tưởng, cho rằng chừng nào chắc chắn hợp tác mới chia sẻ. Đó là điều cấm kỵ. Đừng để tâm lý"giữ bí mật" đè nặng vì không thấy tiềm năng của bạn sao họ đầu tư? Biết đâu họ đang có cùng ý tưởng với bạn hay ý tưởng của họ còn hay hơn của bạn thì sao?

Thứ nữa, ở giai đoạn nhận đầu tư cần phải định nghĩa quyền hạn, giới hạn của hai bên thật rõ ràng. Nếu không chặt chẽ ở giai đoạn đầu bạn sẽ dễ rơi vào tình huống trao hết quyền cho nhà đầu tư vì họ có nhiều kinh nghiệm hơn.

Tốt hơn là nên có cố vấn như luật sư, không đủ chi phí thì nhờ anh chị đi trước chia sẻ kinh nghiệm bên cạnh các kiến thức của bản thân để bảo vệ quyền lợi cho mình. Không có công thức nào cho việc này cả.

Và ông có lời khuyên nào đối với các bạn trẻ mới khởi nghiệp không?

Tôi nghĩ các bạn mới 20-21 tuổi mà mở công ty thì chưa ổn vì chưa biết tài chính, nhân sự, quản trị, luật pháp, quản trị dòng tiền, quan hệ con người.... cụ thể ra sao. Bạn nên đi làm trước để lấy kinh nghiệm, đừng nóng lòng bởi cơ hội không bao giờ hết, quan trọng là có đúng, có hợp lý hay không.

Cái mình mong muốn là vô hạn nhưng khả năng có hạn. Khi xác định muốn một cái gì đó phải chân thật với bản thân, xác định cuộc chơi đó có dành cho mình hay không.

Nên nhớ rằng giá trị của bạn lớn hơn sản phẩm của bạn rất nhiều. Nhà đầu tư định giá không chỉ ở công ty mà còn ở bản thân bạn.

Source : Theo Anh Thư (Cafebiz)

Similar posts "Guru Section"

View more

Sign up for the Latest Industry News, Tips and Advice with CareerViet.vn

Sign up for the Latest Industry News, Tips and Advice with CareerViet.vn

Feedback