Job Alerts
Welcome to CareerViet.vn
Create jobs alert to see all recommended jobs, profile views, recruiter's contacted information, updates, and more ...
welcome to careerviet
Viewed: 5,374
Công ty kỷ luật sa thải nhân viên nhưng không tiến hành họp xử lý kỷ luật lao động thì có được xem là chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật không? Cụ thể, tôi là nhân viên trong một công ty sản xuất, do hành vi đánh đồng nghiệp bị thương nên công ty đã có quyết định kỷ luật sa thải đối với tôi. Tuy nhiên công ty lại không tiến hành họp xử lý kỷ luật lao động với sự tham gia của tôi. Vậy cho tôi hỏi, trong trường hợp này công ty có phải đang chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật với tôi không? - Câu hỏi của anh Phước Lộc ở Đồng Nai.
Căn cứ Điều 125 Bộ luật Lao động 2019 quy định về áp dụng hình thức xử lý kỷ luật sa thải như sau:
Hình thức xử lý kỷ luật sa thải được người sử dụng lao động áp dụng trong trường hợp sau đây:
1. Người lao động có hành vi trộm cắp, tham ô, đánh bạc, cố ý gây thương tích, sử dụng ma túy tại nơi làm việc;
2. Người lao động có hành vi tiết lộ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của người sử dụng lao động, có hành vi gây thiệt hại nghiêm trọng hoặc đe dọa gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về tài sản, lợi ích của người sử dụng lao động hoặc quấy rối tình dục tại nơi làm việc được quy định trong nội quy lao động;
3. Người lao động bị xử lý kỷ luật kéo dài thời hạn nâng lương hoặc cách chức mà tái phạm trong thời gian chưa xóa kỷ luật. Tái phạm là trường hợp người lao động lặp lại hành vi vi phạm đã bị xử lý kỷ luật mà chưa được xóa kỷ luật theo quy định tại Điều 126 của Bộ luật này;
...
Theo đó, người sử dụng lao động sẽ được áp dụng hình thức kỷ luật sa thải đối với người lao động khi người lao động thuộc một trong các trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 125 nêu trên.
Kỷ luật sa thải (Hình từ Internet)
Căn cứ Điều 70 Nghị định 145/2020/NĐ-CP quy định về trình tự, thủ tục xử lý kỷ luật lao động như sau:
Trình tự, thủ tục xử lý kỷ luật lao động tại khoản 6 Điều 122 của Bộ luật Lao động được quy định như sau:
...
2. Trong thời hiệu xử lý kỷ luật lao động quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 123 của Bộ luật Lao động, người sử dụng lao động tiến hành họp xử lý kỷ luật lao động như sau:
a) Ít nhất 05 ngày làm việc trước ngày tiến hành họp xử lý kỷ luật lao động, người sử dụng lao động thông báo về nội dung, thời gian, địa điểm tiến hành cuộc họp xử lý kỷ luật lao động, họ tên người bị xử lý kỷ luật lao động, hành vi vi phạm bị xử lý kỷ luật lao động đến các thành phần phải tham dự họp quy định tại điểm b, điểm c khoản 1 Điều 122 của Bộ luật Lao động, bảo đảm các thành phần này nhận được thông báo trước khi diễn ra cuộc họp;
...
Theo đó, khi muốn tiến hành xử lý kỷ luật lao động thì người sử dụng lao động phải tiến hành họp xử lý kỷ luật lao động và thông báo các thông tin về cơ bản của cuộc họp xử lý kỷ luật lao động đến người lao động bị xử lý kỷ luật, tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở mà người lao động đang bị xử lý kỷ luật là thành viên ít nhất 05 ngày làm việc trước ngày tiến hành họp.
Như vậy, đối với trường hợp của bạn, việc bạn đánh người gây thương tích thuộc một trong các trường hợp mà công ty được quyền kỷ luật sa thải bạn.
Tuy nhiên, công ty bạn lại không tiến hành họp xử lý kỷ luật sa thải nên đã vi phạm quy định về trình tự, thủ tục xử lý kỷ luật được quy định tại Điều 70 nêu trên.
Do đó, việc công ty sa thải bạn là hành vi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật.
Căn cứ Điều 73 Nghị định 145/2020/NĐ-CP quy định về khiếu nại về kỷ luật lao động, trách nhiệm vật chất như sau:
...
Trường hợp người sử dụng lao động quyết định xử lý kỷ luật lao động theo hình thức sa thải trái quy định của pháp luật thì ngoài nghĩa vụ, trách nhiệm theo quy định của Chính phủ về giải quyết khiếu nại trong lĩnh vực lao động hoặc giải quyết tranh chấp lao động cá nhân theo trình tự quy định tại Mục 2 Chương XIV của Bộ luật Lao động thì người sử dụng lao động có nghĩa vụ thực hiện quy định tại Điều 41 của Bộ luật Lao động.
Căn cứ Điều 41 Bộ luật Lao động 2019 quy định về nghĩa vụ của người sử dụng lao động khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật như sau:
1. Phải nhận người lao động trở lại làm việc theo hợp đồng lao động đã giao kết; phải trả tiền lương, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp trong những ngày người lao động không được làm việc và phải trả thêm cho người lao động một khoản tiền ít nhất bằng 02 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động.
Sau khi được nhận lại làm việc, người lao động hoàn trả cho người sử dụng lao động các khoản tiền trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm nếu đã nhận của người sử dụng lao động.
...
2. Trường hợp người lao động không muốn tiếp tục làm việc thì ngoài khoản tiền phải trả quy định tại khoản 1 Điều này người sử dụng lao động phải trả trợ cấp thôi việc theo quy định tại Điều 46 của Bộ luật này để chấm dứt hợp đồng lao động.
...
Theo đó, khi chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật thì người sử dụng lao động có các nghĩa vụ được quy định tại Điều 41 nêu trên.
Source: Thư Viện Pháp Luật
Please sign in to perform this function