Job Alerts
Welcome to CareerViet.vn
Create jobs alert to see all recommended jobs, profile views, recruiter's contacted information, updates, and more ...
welcome to careerviet
Viewed: 5,220
Tết Âm lịch Giáp Thìn 2024 đang đến gần, điều mà không ít người lao động quan tâm hàng đầu ngoài lương, thưởng Tết thì chính là việc có bắt buộc phải trực Tết không? Nếu phải trực Tết thì tiền lương được tính thế nào? Cùng theo dõi bài viết sau.
Điểm b khoản 2 Điều 112 Bộ luật Lao động năm 2019 nêu rõ, người lao động được nghỉ làm, hưởng nguyên lương trong ngày Tết Âm lịch. Nếu ngày này trùng với ngày nghỉ hằng tuần thì người lao động được nghỉ bù vào ngày kế tiếp.
Tại Công văn số 8662/VPCP-KGVX, Tết Âm lịch năm 2024, người lao động làm việc tại cơ quan Nhà nước được nghỉ làm 07 ngày tính từ thứ Năm ngày 08/02/2024 đến hết thứ Tư ngày 14/02/2024. Với những cơ quan, đơn vị không nghỉ cố định thứ Bảy và Chủ nhật hàng tuần sẽ căn cứ vào chương trình, kế hoạch cụ thể của đơn vị để bố trí lịch nghỉ phù hợp.
Do đó, thời gian nghỉ Tết Nguyên đán năm 2024 là thời gian người lao động được phép nghỉ theo quy định của pháp luật. Đây chính là quyền lợi cơ bản của mỗi người lao động.
Trong trường hợp vì tính chất đặc thù của công việc hoặc do sắp xếp, nhu cầu của công ty, người lao động phải trực trong những ngày này thì được xác định là làm thêm giờ và được trả lương tương ứng.
Đồng thời, điểm a khoản 2 Điều 107 Bộ luật Lao động năm 2019 cũng nêu rõ, người sử dụng lao động được sử dụng người lao động làm thêm giờ khi được sự đồng ý của người lao động…
Bên cạnh đó, khoản 1 Điều 54 Nghị định 145/2020/NĐ-CP nhấn mạnh, người sử dụng lao động phải được sự đồng ý của người lao động tham gia làm thêm về các nội dung như thời gian, địa điểm, công việc làm thêm...
Như vậy, việc được nghỉ làm trong những ngày Tết Nguyên đán là quyền lợi cơ bản của tất cả người lao động. Do đó, người lao động không bắt buộc phải trực Tết, trừ các trường hợp sau theo Điều 108 Bộ luật Lao động 2019:
- Thực hiện lệnh động viên, huy động bảo đảm nhiệm vụ quốc phòng, an ninh theo quy định của pháp luật;
- Thực hiện các công việc nhằm bảo vệ tính mạng con người, tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng ngừa, khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh nguy hiểm và thảm họa, trừ trường hợp có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe của người lao động theo quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động.
Nếu người sử dụng lao động nào ép buộc nhân viên của mình phải đi trực Tết mà không được sự đồng ý của họ thì có thể bị phạt tiền từ 40 - 50 triệu đồng (theo điểm b khoản 3 Điều 18 Nghị định 12/2022/NĐ-CP).
Ngày Tết là ngày người lao động trên cả nước được nghỉ làm và hưởng nguyên lương. Tuy nhiên, không ít các công ty vì tính chất công việc mà bắt buộc phải có người trực liên tục trong những ngày này.
Nếu đồng ý, người lao động có thể đi làm và được tính là làm thêm giờ vào ngày nghỉ, lễ. Đồng thời, người sử dụng lao động có trách nhiệm trả tiền làm thêm giờ cho nhân viên của mình.
Theo quy định tại Điều 98 Bộ luật Lao động năm 2019, người lao động đi làm vào ngày nghỉ Tết Âm lịch 2024 thì được trả số tiền lương như sau:
- Đi làm vào ban ngày: Hưởng ít nhất là bằng 300% lương của ngày làm việc bình thường.
- Đi làm vào ban đêm: Hưởng ít nhất là bằng 390% lương của ngày làm việc bình thường. (300% (tiền lương làm thêm giờ ngày lễ, tết) + 30% (làm việc vào ban đêm) + 20% x tiền lương thực trả theo công việc làm vào ban ngày của ngày lễ, tết (300%) = 390%)
Do đó, nếu người lao động làm thêm giờ trong ngày Tết Âm lịch sắp tới, tính cả tiền lương của ngày hôm đó thì người lao động làm việc ban ngày sẽ được hưởng 400% tiền lương của ngày làm việc bình thường.
Đồng thời, đối với người làm thêm vào ban đêm những ngày Tết này, người lao động sẽ được hưởng 490% tiền lương của ngày làm việc bình thường.
Tóm lại, chỉ khi người lao động đồng ý, người sử dụng lao động mới được yêu cầu nhân viên của mình đi làm ngày Tết Âm lịch sắp tới và phải trả 400% lương nếu làm ban ngày và 490% lương nếu làm ban đêm cho người lao động.
Source: Luật Việt Nam
Please sign in to perform this function