Nhận ngay những tin tức mới nhất về dịch vụ và cẩm nang tuyển dụng từ CareerViet.vn
Nhận ngay những tin tức mới nhất về dịch vụ và cẩm nang tuyển dụng từ CareerViet.vn
Lượt xem: 5,266
Khi người lao động bị mất việc làm do người sử dụng lao động thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế, thì ngoài khoản trợ cấp mất việc làm theo quy định tại Điều 49 Bộ luật Lao động, người lao động còn được hưởng trợ cấp thất nghiệp, nếu có đủ điều kiện quy định tại Điều 49 Luật Việc làm.
Theo phản ánh của bà Nguyễn Thị Kim (Tuyên Quang), người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ) với người có hợp đồng không xác định thời hạn bằng quyết định cho nghỉ việc dôi dư và chỉ chi trả khoản trợ cấp mất việc làm cho những năm chưa tham gia bảo hiểm thất nghiệp, ngoài ra người lao động không được chi trả khoản nào khác.
Bà Kim hỏi, ngoài trợ cấp mất việc làm, người lao động còn được trả khoản trợ cấp nào khác không?
Về vấn đề này, Luật sư Trần Văn Toàn, Văn phòng luật sư Khánh Hưng - Đoàn luật sư Hà Nội trả lời như sau:
Theo quy định tại Điều 44 Bộ luật Lao động, trường hợp thay đổi cơ cấu, công nghệ mà ảnh hưởng đến việc làm của nhiều người lao động, hoặc trường hợp vì lý do kinh tế mà nhiều người lao động có nguy cơ mất việc làm, phải thôi việc, thì người sử dụng lao động có trách nhiệm xây dựng và thực hiện phương án sử dụng lao động theo quy định tại Điều 46 của Bộ luật này; trường hợp có chỗ làm việc mới thì ưu tiên đào tạo lại người lao động để tiếp tục sử dụng.
Trong trường hợp người sử dụng lao động không thể giải quyết được việc làm mới mà phải cho người lao động thôi việc thì phải trả trợ cấp mất việc làm cho người lao động theo quy định tại Điều 49 của Bộ luật này.
Việc cho thôi việc đối với nhiều người lao động trong trường hợp thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc lý do kinh tế chỉ được tiến hành sau khi đã trao đổi với tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở và thông báo trước 30 ngày cho cơ quan quản lý Nhà nước về lao động cấp tỉnh.
Trợ cấp mất việc làm
Điều 49 Bộ luật Lao động quy định, người sử dụng lao động trả trợ cấp mất việc làm cho người lao động đã làm việc thường xuyên cho mình từ 12 tháng trở lên mà bị mất việc làm theo quy định tại Điều 44 và Điều 45 của Bộ luật này, mỗi năm làm việc trả 1 tháng tiền lương nhưng ít nhất phải bằng 2 tháng tiền lương.
Thời gian làm việc để tính trợ cấp mất việc làm là tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động trừ đi thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của Luật BHXH và thời gian làm việc đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc.
Tiền lương để tính trợ cấp mất việc làm là tiền lương bình quân theo hợp đồng lao động của 6 tháng liền kề trước khi người lao động mất việc làm.
Điều kiện hưởng, mức hưởng trợ cấp thất nghiệp
Điều 49 Luật Việc làm quy định, người đang đóng bảo hiểm thất nghiệp được hưởng trợ cấp thất nghiệp khi chấm dứt HĐLĐ khi có đủ điều kiện sau:
Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt HĐLĐ không xác định thời hạn hoặc xác định thời hạn; đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 36 tháng trước khi chấm dứt HĐLĐ theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng.
Đã nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm theo quy định tại Khoản 1, Điều 46 của Luật này; chưa tìm được việc làm sau 15 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp.
Điều 50 Luật Việc làm quy định, mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 06 tháng liền kề trước khi thất nghiệp nhưng tối đa không quá 5 lần mức lương cơ sở đối với người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định hoặc không quá 5 lần mức lương tối thiểu vùng theo quy định của Bộ luật Lao động đối với người lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định tại thời điểm chấm dứt HĐLĐ hoặc hợp đồng làm việc.
Thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính theo số tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp, cứ đóng đủ 12 tháng đến đủ 36 tháng thì được hưởng 3 tháng trợ cấp thất nghiệp, sau đó, cứ đóng đủ thêm 12 tháng thì được hưởng thêm 1 tháng trợ cấp thất nghiệp nhưng tối đa không quá 12 tháng.
Thời điểm hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính từ ngày thứ 16, kể từ ngày nộp đủ hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định tại khoản 1 Điều 46 của Luật này.
Trả lời vấn đề bà Nguyễn Thị Kim hỏi, căn cứ quy định của Bộ luật Lao động và Luật Việc làm, khi người lao động bị mất việc làm do người sử dụng lao động thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế, thì ngoài khoản trợ cấp mất việc làm theo quy định tại Điều 49 Bộ luật Lao động, người lao động còn được hưởng trợ cấp thất nghiệp, nếu có đủ điều kiện quy định tại Điều 49 Luật Việc làm; với mức hưởng, thời gian hưởng, thời điểm hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định tại Điều 50 của Luật này.
* Thông tin chuyên mục có giá trị tham khảo với người đọc, không dùng làm tài liệu trong tố tụng pháp luật.
Nguồn : Theo dantri.com.vn
Nhận ngay những tin tức mới nhất về dịch vụ và cẩm nang tuyển dụng từ CareerViet.vn
Nhận ngay những tin tức mới nhất về dịch vụ và cẩm nang tuyển dụng từ CareerViet.vn