Nhiều ngành nghề sẽ bị mất đi
Cuộc CMCN 4.0 đang có tác động sâu rộng đến tất cả các lĩnh vực trong đời sống kinh tế - xã hội, đặc biệt là lĩnh vực lao động, việc làm. Ông Lê Quang Trung – quyền Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) – cho rằng, sự tác động này làm sẽ thay đổi cơ cấu lao động, bản chất và chất lượng của việc làm. Việc làm thời 4.0 sẽ từ bỏ hoặc hạn chế sử dụng, thâm dụng lao động mà chuyển sang thâm dụng về mặt trí tuệ, tri thức, khoa học, sáng tạo...
Tại Chương trình giao lưu trực tuyến “Tư vấn hướng nghiệp 2019: Ngành nào thị trường đang khát” mới đây, ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội - cho biết, trong quá trình làm Luật Việc làm, tác động của cuộc CMCN 4.0 ảnh hưởng đến sự chuyển dịch và thay đổi các ngành, nghề như thế nào đã được dự báo trước.Theo nghiên cứu trong 10 năm tới sẽ có khoảng 70% vị trí công việc bị ảnh hưởng bởi CMCN 4.0. Trong đó có nhiều vị trí thâm dụng lao động như dệt may, da giày…, nhiều ngành nghề buộc phải cắt giảm nhân công để đảm bảo bắt kịp xu thế và duy trì sản xuất. Thậm chí, trong khu vực sản xuất kinh doanh, nếu lao động không đáp ứng được nhu cầu thì ngay lập tức sẽ bị đào thải, loại khỏi dây chuyền sản xuất.
"Chúng tôi đã cho hình thành các trung tâm dịch vụ việc làm công. Tuy nhiên, ngoài dịch vụ việc làm công, chúng ta vẫn có thể hình thành các trung tâm dịch vụ việc làm do tư nhân phụ trách. Trong nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, công việc dự báo về thị trường lao động của cơ quan quản lý Nhà nước là rất quan trọng. Chúng ta giao việc đó cho trung tâm dịch vụ việc làm; điều tra, đánh giá tình hình lao động, tình hình thất nghiệp và dự báo thị trường lao động để kết nối giữa cung lao động và cầu lao động" - ông Bùi Sỹ Lợi nhấn mạnh.
Đón đầu cơ hội việc làm
Dựa trên những tổng hợp, phân tích và đánh giá, các chuyên gia về vấn đề việc làm cũng đã chỉ ra những ngành, nghề sẽ có xu hướng “lên ngôi” trong thị trường lao động 5 -10 năm tới. Theo đó, ngành công nghệ thông tin (CNTT) được coi là ngành cốt lõi của CMCN 4.0, có khả năng miễn dịch với khủng hoảng kinh tế. Dự báo từ nay đến năm 2020, Việt Nam sẽ thiếu 400.000 nhân lực làm CNTT. Trong khi đó, mỗi năm thị trường chỉ cung cấp 32.000 sinh viên tốt nghiệp CNTT và các ngành có liên quan đến CNTT. Ngoài ra, các ngành công nghệ kỹ thuật điện; robot và trí tuệ nhân tạo – tâm điểm của CMCN 4.0 cũng sẽ phát triển rất mạnh. Bên cạnh đó, các ngành: Công nghệ sinh học - tạo ra năng suất lao động cao và tạo ra sản lượng cho doanh nghiệp (DN); phát triển Internet di động, điện toán đám mây… và các ngành về dịch vụ cũng có xu hướng hot như: Phát triển và xây dựng in 3D. Ngoài ra, các ngành dịch vụ tài chính đầu tư, thiết kế, y tế, sửa chữa ôtô, điện lạnh, làm đẹp…
Với xu hướng việc làm như trên, ông Bùi Sỹ Lợi cho rằng, chúng ta cần đi trước đón đầu cuộc CMCN 4.0. Song không chỉ đơn thuần là đào tạo nhân lực cho tương lai mà còn là đào tạo lại nguồn lao động đã có, đang làm việc trong các dây chuyền sản xuất. Nhà nước và doanh nghiệp cần phối hợp trong vấn đề này. Bởi trong khu vực sản xuất kinh doanh, nếu lao động không đáp ứng được nhu cầu thì ngay lập tức sẽ bị đào thải, loại khỏi dây chuyền sản xuất.
Vì vậy, “ngay trong các cơ quan, doanh nghiệp, cần đào tạo bổ sung thêm các ngành nghề dịch vụ khác cho người lao động để phục vụ tương lai. Các DN cần phát huy tính năng động trong vấn đề này. Đồng thời, các trung tâm dịch vụ việc làm cần định hướng cho các doanh nghiệp” – ông Bùi Sỹ Lợi khuyến nghị.