Từ ngày 14/1/2024, CareerBuilder.vn chính thức đổi tên thành CareerViet.vn. Chi tiết xem tại đây.

Trợ cấp thôi việc với viên chức qua nhiều nơi công tác

Lượt xem: 5,249

Ông Đinh Viết Tuấn (Lâm Đồng) được tuyển dụng vào Trung tâm Đào tạo bồi dưỡng tại chức tỉnh từ ngày 1/4/1997. Sau thời gian tập sự, ông được bổ nhiệm chuyên viên, làm việc tại Trung tâm đến hết ngày 30/4/2014. Từ ngày 1/5/2014, ông về làm giảng viên Khoa Công nghệ thông tin, Trường Đại học Đà Lạt. 

Phòng Tổ chức - Hành chính của Trung tâm Đào tạo bồi dưỡng tại chức tỉnh Lâm Đồng chuyển toàn bộ hồ sơ viên chức và sổ BHXH cho Phòng Tổ chức - Hành chính của Trường Đại học Đà Lạt. Ông Tuấn chưa nhận tiền trợ cấp thôi việc từ Trung tâm Đào tạo bồi dưỡng tại chức tỉnh.

Ngày 24/12/2018, ông làm đơn xin nghỉ việc, xin hưởng BHXH một lần và trợ cấp thôi việc từ ngày 1/1/2019 và đã được Trường Đại học Đà Lạt đồng ý cho thôi việc theo Quyết định số 901/QĐ-ĐHĐL ngày 26/12/2018.

Phòng Tổ chức - Hành chính của Trường Đại học Đà Lạt có thông báo, trường hợp của ông, Nhà trường sẽ không trả trợ cấp thôi việc đối với thời gian công tác từ ngày 1/7/1997 đến ngày 31/12/2008 vì thời gian này ông không công tác tại Trường.

Nếu ông Tuấn có yêu cầu thì Phòng Tổ chức - Hành chính của Trường Đại học Đà Lạt sẽ làm công văn gửi Trường Chính trị tỉnh Lâm Đồng (nơi Trung tâm Đào tạo Bồi dưỡng tại chức tỉnh Lâm Đồng được sáp nhập từ năm 2015) đề nghị Trường Chính trị tỉnh Lâm Đồng thanh toán khoản tiền trợ cấp thôi việc cho ông.

Ông Tuấn hỏi, Trường Đại học Đà Lạt giải quyết như vậy có đúng quy định của pháp luật không?

Luật sư Trần Văn Toàn, Văn phòng luật sư Khánh Hưng, Đoàn luật sư Hà Nội trả lời vấn đề ông Tuấn hỏi như sau:

Theo quy định tại Điều 45 luật Viên chức thì khi chấm dứt hợp đồng làm việc, viên chức được hưởng trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm hoặc chế độ bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật về lao động và pháp luật về BHXH (trừ trường hợp viên chức bị buộc thôi việc, đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc mà vi phạm quy định tại các Khoản 4, 5 và 6 Điều 29 của Luật này; chấm dứt hợp đồng làm việc khi được bổ nhiệm làm công chức theo quy định tại Khoản 5, Điều 28 của Luật này).

Đồng thời, theo quy định tại Khoản 4, Điều 28 Luật Viên chức thì khi viên chức chuyển công tác đến cơ quan, tổ chức, đơn vị khác sẽ chấm dứt hợp đồng làm việc và được giải quyết các chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật.

Điều 14, Điều 15 Thông tư số 15/2012/TT-BNV ngày 25/12/2012 của Bộ Nội vụ hướng dẫn, khi viên chức chuyển công tác đến cơ quan, đơn vị khác thì phải chấm dứt hợp đồng làm việc với đơn vị sự nghiệp công lập đang làm việc. Việc chấm dứt hợp đồng làm việc phải được thể hiện bằng văn bản có xác nhận của viên chức và người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập hoặc cơ quan có thẩm quyền ký kết hợp đồng làm việc. Văn bản chấm dứt hợp đồng làm việc được lập thành hai bản, mỗi bên giữ một bản.

Khi viên chức chuyển đến đơn vị sự nghiệp công lập mới, người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập hoặc cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng viên chức phải ký kết hợp đồng làm việc với viên chức và thực hiện chế độ tiền lương phù hợp trên cơ sở căn cứ vào năng lực, trình độ đào tạo, quá trình công tác, diễn biến tiền lương và thời gian đóng BHXH của viên chức.

Chi trả trợ cấp thực hiện vào thời điểm thôi việc

Điều 39 Nghị định số 29/2012/NĐ-CP ngày 12/4/2012 của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức quy định, trợ cấp thôi việc đối với viên chức có thời gian công tác từ ngày 31/12/2008 trở về trước được tính như sau:

Cứ mỗi năm làm việc được tính bằng 1/2 (một phần hai) tháng lương hiện hưởng, gồm: Mức lương theo chức danh nghề nghiệp, phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề và hệ số chênh lệch bảo lưu lương (nếu có);

Mức trợ cấp thấp nhất bằng 01 (một) tháng lương hiện hưởng;

Trường hợp viên chức được tuyển dụng trước ngày 1/7/2003, thời gian làm việc được tính trợ cấp thôi việc là tổng thời gian làm việc (cộng dồn) kể từ khi viên chức có quyết định tuyển dụng đến hết ngày 31/12/2008.

Trường hợp viên chức được tuyển dụng từ ngày 1/7/2003 trở về sau, thời gian làm việc được tính trợ cấp thôi việc là tổng thời gian làm việc theo hợp đồng làm việc (cộng dồn) kể từ khi viên chức có quyết định tuyển dụng đến hết ngày 31/12/2008.

Trợ cấp thôi việc đối với thời gian công tác của viên chức từ ngày 1/1/2009 đến nay được thực hiện theo quy định của pháp luật về trợ cấp thất nghiệp.

Nguồn kinh phí chi trả trợ cấp thôi việc được lấy từ nguồn tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập.

Viên chức thôi việc được hưởng trợ cấp thôi việc nêu trên và được xác nhận thời gian có đóng BHXH theo quy định của pháp luật.

Theo ông Đinh Viết Tuấn phản ánh, ông Tuấn được tuyển dụng vào viên chức, làm việc tại Trung tâm Đào tạo bồi dưỡng tại chức tỉnh Lâm Đồng từ ngày 1/4/1997, đến hết ngày 30/4/2014. Từ ngày 1/5/2014 chuyển công tác về Trường Đại học Đà Lạt.

Trường hợp ông Tuấn chuyển đến công tác tại Trường Đại học Đà Lạt sau ngày 1/1/2009, đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật về BHXH và pháp luật về việc làm, căn cứ quy định tại Khoản 2, Điều 39 Nghị định số 29/2012/NĐ-CP khi thôi việc, chấm dứt hợp đồng làm việc với Trường Đại học Đà Lạt từ ngày 1/1/2019, ông Tuấn thuộc đối tượng hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định tại Điều 49, Điều 50 Luật Việc làm. 

Trường Đại học Đà Lạt không có trách nhiệm trả trợ cấp thôi việc đối với giai đoạn ông Tuấn làm việc tại Trung tâm Đào tạo bồi dưỡng tại chức tỉnh Lâm Đồng là đúng quy định.

Căn cứ quy định tại Khoản 4, Điều 28; Điều 45 Luật Viên chức thì khi chấm dứt hợp đồng làm việc, viên chức được hưởng trợ cấp thôi việc, hướng dẫn tại Điều 14 Thông tư số 15/2012/TT-BNV khi chuyển công tác phải chấm dứt hợp đồng làm việc với đơn vị sự nghiệp công lập đang làm việc, việc giải quyết chế độ trợ cấp thôi việc đối với ông Tuấn ở giai đoạn làm việc tại Trung tâm Đào tạo bồi dưỡng tại chức tỉnh Lâm Đồng (1/4/1997 – 30/4/2014) đáng lẽ phải được Trung tâm này  thực hiện vào thời điểm ông Tuấn thôi việc, chấm dứt hợp đồng làm việc với Trung tâm. Kinh phí chi trả trợ cấp thôi việc được lấy từ nguồn tài chính của Trung tâm Đào tạo, bồi dưỡng tại chức tỉnh Lâm Đồng.

Đến thời điểm này (tháng 1/2019), việc yêu cầu chi trả trợ cấp thôi việc khó có thể thực hiện được, do kinh phí chi trả trợ cấp thôi việc được phân bổ theo kế hoạch tài chính của năm có viên chức thôi việc; do thời hiệu giải quyết tranh chấp lao động cá nhân (trong đó có tranh chấp về trợ cấp thôi việc) theo quy định tại theo quy định tại Điều 202 Bộ luật Lao động đã hết.

* Thông tin chuyên mục có giá trị tham khảo với người đọc, không dùng làm tài liệu trong tố tụng pháp luật.

Nguồn : Theo dantri.com.vn

Bài viết cùng chuyên mục "Thị trường & Xu hướng"

Xem thêm

Nhận ngay những tin tức mới nhất về dịch vụ và cẩm nang tuyển dụng từ CareerViet.vn

Nhận ngay những tin tức mới nhất về dịch vụ và cẩm nang tuyển dụng từ CareerViet.vn

Feedback