Năm nay, dù Bộ GD&ĐT chưa công bố điểm sàn, các trường ĐH, CĐ chưa chính thức công bố điểm chuẩn nhưng điểm chuẩn dự kiến của các trường 'sao' cho thấy: Hàng nghìn TS đạt 20 điểm vẫn trượt ĐH, thậm chí có ngành điểm chuẩn dự kiến là 27,5.
27 điểm cũng không đỗ Điểm chuẩn dự kiến của ngành Bác sĩ Đa khoa - ĐH Y Hà Nội là 27,5 điểm. Vì vậy, hàng trăm thí sinh thi vào ngành này đạt 27 điểm mặc nhiên không đỗ.
Chuẩn dự kiến của ĐH Ngoại thương là 25,5 điểm (khối A), 23-24 điểm cho các khối D (không nhân hệ số môn ngoại ngữ). Như vậy, tất cả thí sinh khối A thi vào trường này đạt 25 điểm đều trượt. Chuẩn dự kiến của ĐH Dược là 24,5 điểm. Với số điểm này, các thí sinh thi vào trường này đạt 24,0 điểm cũng đều trượt.
ĐH Bách khoa Hà Nội dự kiến 23,0 điểm chuẩn nên các thí sinh đạt 22,5 điểm cũng không đỗ vào trường. Học viện Tài chính (HVTC) dự kiến điểm chuẩn khoảng 21,5 điểm. Theo ông Ngô Thế Chi- Giám đốc HVTC, số thí sinh thi vào trường này đạt từ 20 - 21,5 điểm không đỗ vào trường khoảng 300-400 người. Trước thực trạng này, một nhà quản lý tuyển sinh đã thốt lên: “Chỉ cần nhích lên 0,5 điểm là đã có hàng loạt thí sinh trượt”.
Phương án giải quyết: Phụ thuộc Bộ GD&ĐT Tình trạng hàng ngàn thí sinh đạt điểm cao vẫn đứng ngoài cổng trường ĐH mới trở nên bức xúc trong vài ba năm trở lại đây và làm xuất hiện thêm hệ đào tạo chính quy đóng học phí được xem là giải pháp tình thế để giải quyết nhu cầu những thí sinh này. Mô hình được áp dụng chủ yếu tại một số trường tốp trên.
Tuy nhiên, không phải trường nào cũng mặn mà với mô hình này. Ông Trần Viết Hùng - Trưởng phòng Đào tạo ĐH Dược khẳng định: Trường không chủ trương lấy thêm hệ đóng tiền vì không muốn phá vỡ kế hoạch đào tạo và muốn đảm bảo chất lượng.
Theo ông Dương Đức Hồng - Trưởng phòng Đào tạo ĐH Bách khoa Hà Nội, trường này cũng không tuyển thí sinh hệ đóng tiền để đào tạo đảm bảo chất lượng. Tuy vậy, những thí sinh đạt từ 16,0 - 22,5 điểm đều có thể được học hệ CĐ của ĐHBK Hà Nội. Song, không phải thí sinh nào cũng hài lòng, yên phận với việc học tập tại hệ này.
Ông Ngô Thế Chi - GĐ Học viện Tài chính cho biết mặc dù trường chưa công bố điểm chuẩn nhưng đã chịu một sức ép rất lớn. Nhiều phụ huynh, học sinh bức xúc gọi điện đến yêu cầu được học tập theo hệ đóng tiền. Nhưng, ông cho biết, điều này phải phụ thuộc vào Bộ GD&ĐT. Học viện Tài chính còn có khả năng đào tạo được thêm 200 sinh viên nữa, nếu Bộ GD&ĐT cho phép thì trường mới có thể đào tạo thêm được.
Theo ông Bùi Ngọc Sơn - Trưởng phòng Đào tạo ĐH Ngoại thương, năm trước, học phí thu của hệ đào tạo chính quy đóng học phí là 5 triệu đồng/năm. Sinh viên theo học hệ này có chất lượng tốt.
Ông Sơn cho rằng, các trường cần được mở cửa để đào tạo theo nhu cầu, đương nhiên phải đảm bảo tất cả các tiêu chí. Đây cũng là điều tất yếu của giáo dục Việt Nam khi đã vào gia nhập WTO.
“Nếu bó hẹp tuyển sinh như hiện nay có trường lấy thấp, thậm chí dưới 10 điểm nhưng có những trường thí sinh đạt đến 25 điểm vẫn trượt. Điều này sẽ tạo ra tình trạng không đồng đều về mặt bằng chất lượng đào tạo” - Ông Sơn phân tích.
Vấn đề này, theo ông Sơn, còn dẫn đến chảy máu chất xám, chảy máu ngoại tệ khi hàng loạt các thí sinh đạt điểm cao nhưng vẫn trượt ĐH, không muốn học tập ở những trường trong nước mà chọn cách đi du học ở nước ngoài.