Job Alerts
Welcome to CareerViet.vn
Create jobs alert to see all recommended jobs, profile views, recruiter's contacted information, updates, and more ...
welcome to careerviet
Viewed: 13,271
Thủ tướng Chính phủ vừa có chỉ đạo không được để sinh viên phải bỏ học vì học phí. Đồng thời Bộ GD-ĐT cũng đã chính thức khẳng định chưa tăng học phí trong năm học này. Nhưng ở nhiều trường, nhất là các trường ĐH ngoài công lập, học phí tăng cao vượt quá sức chịu đựng của sinh viên.
Đạp chiếc xe cà tàng với lỉnh kỉnh đồ đạc phục vụ tiệc treo phía trước, L.T.Tươi - sinh viên Trường ĐH Hùng Vương - đến nơi làm thêm. Nhà Tươi ở Tây Ninh, một tỉnh nằm sát TP.HCM nhưng đã hai mùa hè, Tươi chưa một lần về nhà. Tươi đi làm cho một nhà hàng chuyên phục vụ ăn uống tận nhà. Mỗi tuần, Tươi được phân đi làm 3-4 tiệc. Tiền công mỗi buổi làm việc kéo dài gần bảy, tám giờ là 50.000 đồng. Những đồng tiền đó Tươi dùng đóng học phí.
Mỗi năm mỗi tăng
Quyết định về mức học phí mới được Trường ĐH Hùng Vương đưa ra đúng vào ngày mà nhiều người cho là rất đẹp, ngày 7-7-2007. Song với Tươi và các bạn của mình, ngày đó họ phải chấp nhận việc học phí tăng thêm khoảng 600.000 đồng/năm. Trong đó, học phí các ngành như công nghệ sau thu hoạch, công nghệ thông tin từ 4,1 triệu đồng/năm nay tăng lên 4,7 triệu đồng/năm.
Các ngành khác có học phí thấp hơn như du lịch, ngoại ngữ là 4,5 triệu đồng/năm. Thấp nhất là các ngành quản trị kinh doanh, quản trị bệnh viện hay tài chính ngân hàng thì học phí cũng là 4,3 triệu đồng/năm.
Trong khi đó, ở Trường ĐH Công nghệ Sài Gòn, tại lối đi chính vẫn còn nhìn thấy bảng thông báo học phí được niêm yết từ đầu năm học 2006-2007. Vậy mà giờ đây, khi bước vào năm học mới, bảng học phí đó đã trở nên lỗi thời. Theo tìm hiểu của chúng tôi, học phí của tất cả các ngành đều tăng thêm khoảng 400.000 đồng/năm.
Học phí khối ngành công nghệ, kỹ thuật từ 2,1 triệu đồng/học kỳ đã tăng lên thành 2,3 triệu đồng/học kỳ. Các ngành khối kinh tế, quản trị tăng từ 2 triệu đồng/học kỳ lên 2,2 triệu đồng/học kỳ. Riêng khối ngành mỹ thuật công nghiệp của trường, học phí “vượt trội” với 2,7 triệu đồng/học kỳ. Bậc CĐ và THCN của trường đều có mức tăng tương ứng.
Nhiều sinh viên đang theo học những năm cuối ở Trường ĐH Kỹ thuật công nghệ tỏ ra bức xúc vì trường liên tục tăng học phí sau mỗi năm. Kết quả là học phí năm học 2007-2008 của trường đã tăng lên đến 2,75 triệu đồng/học kỳ đối với các ngành thiết kế nội thất, thiết kế thời trang.
Thấp hơn một chút là các ngành điện tử - viễn thông, kỹ thuật điện, cơ khí tự động, cơ tin kỹ thuật, công nghệ sinh học với học phí là 2,65 triệu đồng/học kỳ. Những ngành có học phí được coi là thấp thì sinh viên cũng phải đóng từ 2,5 triệu đồng đến 2,6 triệu đồng/học kỳ. Theo tìm hiểu của chúng tôi, so với năm học trước, học phí của trường đã tăng thêm khoảng 400.000 đồng.
Những học phí... kỷ lục
Tuy nhiên, những mức học phí trên đây “chưa là gì” nếu đem so với bảng học phí vừa được Trường ĐH Hồng Bàng đưa ra.
Những sinh viên vừa và sẽ trúng tuyển vào các ngành học mới toanh của trường này như truyền thông quốc tế đa phương tiện, công nghệ Spa và y sinh học thể dục thể thao phải đóng một mức học phí thuộc dạng “khủng”: 7,98 triệu đồng/năm. Với mức học phí này, chưa kể các loại phí khác, Trường ĐH Hồng Bàng tiếp tục “củng cố” được vị trí trong nhóm dẫn đầu về học phí ĐH. Bên cạnh đó, một số ngành học khác của trường cũng có học phí từ trên 4,5 triệu đến gần 5 triệu đồng/năm.
Về việc tăng học phí, nhiều người vẫn chưa thể quên vụ việc xảy ra tại Trường ĐH Hoa Sen trong tháng 8-2007. Để chuẩn bị năm học mới, trường ĐH này đã lên một phương án học phí mới khá “đồ sộ”. Theo phương án này, học phí năm học 2007-2008 của trường sẽ vào khoảng 11,8 triệu - 13,5 triệu đồng/năm học đối với sinh viên bậc CĐ và từ 13,5 triệu - 14,8 triệu đồng/năm đối với sinh viên bậc ĐH. Nếu thu theo mức học phí này, Trường ĐH Hoa Sen sẽ thật sự tạo ra một cuộc “cách mạng” về thu học phí.
Giải thích cho lý do tăng học phí, bà Bùi Trân Phượng - hiệu trưởng nhà trường - cho rằng đề án học phí mới phục vụ cho việc nâng cao chất lượng đào tạo. Trong đó, trường đưa ra khá nhiều biện pháp khá cụ thể như thuê giáo sư nước ngoài, mua giáo trình mới, trang bị một số trang thiết bị học tập hiện đại, đầu tư thêm cơ sở vật chất...
Nói về việc tăng học phí, một phó giáo sư nhiều năm công tác tại các trường ngoài công lập cho rằng cái gì cũng cần phải có lộ trình, không thể làm đột ngột. Trong khi đó, PGS-TS Trịnh Phôi, hiệu trưởng Trường ĐH Kỹ thuật công nghệ, bày tỏ: “Trường chúng tôi đào tạo nhiều ngành về công nghệ, kỹ thuật. Để cạnh tranh với các trường công lập chuyên đào tạo lĩnh vực này chỉ còn cách là phải tập trung vào rèn giũa tay nghề, nâng cao khả năng thực hành của sinh viên. Muốn vậy, chúng tôi phải đảm bảo tất cả những điều kiện tối thiểu cho thực hành. Và khi giá cả vật tư tăng quá nhiều, chúng tôi buộc phải cộng thêm vào”.
Một giáo sư khác cho rằng muốn tăng học phí của sinh viên nhất thiết phải chứng minh cho sinh viên thấy sự gia tăng phúc lợi mà họ được hưởng. Bên cạnh đó, các trường cũng cần cân nhắc thêm đến các yếu tố thực tế và khả năng tài chính của sinh viên. Không thể chủ quan đưa ra một mức học phí cao ngất trời dưới danh nghĩa nâng cao chất lượng để rồi sinh viên chỉ còn một con đường là nghỉ học.
"Không để sinh viên bỏ học vì học phí”
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng vừa có chỉ đạo phải đảm bảo cho sinh viên không phải bỏ học vì lý do không có khả năng đóng học phí và trang trải các nhu cầu sinh hoạt tối thiểu.
Chỉ đạo này đã nhận được sự quan tâm rất lớn từ phía các trường. PGS-TS Huỳnh Thanh Hùng, phó hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm TP.HCM, cho biết trường đã chuẩn bị nhiều hình thức để hỗ trợ sinh viên như triển khai các chương trình học bổng, giảm học phí....
Theo PGS Hùng, việc áp dụng các hình thức cho vay và hỗ trợ sinh viên đã được trường triển khai nhiều năm. Nếu có phương án cụ thể như chỉ đạo của Thủ tướng, chắc chắn đối tượng vay sẽ mở rộng hơn, cách thức dễ dàng hơn...
Source: Theo TTO
Please sign in to perform this function