"Chỉ còn 1 kỳ tuyển sinh quốc gia, nếu chọn thi ĐH e rằng các em sẽ học lệch. Giải quyết "bài toán" để hội nhập thì nên thi phổ thông. Với 6 môn thi tốt nghiệp THPT, không chỉ có kết quả học toàn diện mà điều kiện xét tuyển của các trường ĐH sẽ rộng hơn..." Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân đã lý giải như vậy về việc thực hiện "1 kỳ thi quốc gia" tại hội nghị tổng kết giáo dục ĐH tổ chức ngày 16/8.
"Không thể tồn tại 2 kỳ thi quốc gia" Theo Thứ trưởng thường trực (Bộ GD-ĐT) Bành Tiến Long, để chuẩn bị cho việc thực hiện 1 kỳ thi quốc gia, năm học 2007-2008, Bộ sẽ xây dựng và ban hành khung chính sách về xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ.
Các trường phải sẵn sàng xây dựng các tiêu chí xét tuyển trên cơ sở 6 môn thi tốt nghiệp. Việc bỏ thi ĐH dự kiến thực hiện vào năm 2009.
Đề án bỏ thi ĐH do Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT) soạn thảo trình Thủ tướng Chính phủ xem xét vào tháng 11/2007.
Liên quan đến vấn đề này, chỉ có 1/3 ý kiến thảo luận tại hội trường cho rằng, nên xem xét chỉ duy trì 1 kỳ thi quốc gia. Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, GS Phan Công Nghĩa nêu quan điểm, vẫn muốn giữ kỳ thi ĐH vì chưa tin tưởng vào chất lượng giáo dục phổ thông.
Đồng quan điểm, Hiệu trưởng Trường ĐH Vinh Nguyễn Ngọc Hợi phân tích, tính chất của 2 kỳ thi tuyển sinh ĐH và tốt nghiệp THPT hoàn toàn khác nhau. Ông cho rằng, nên duy trì kỳ thi ĐH theo phương án tuyển sinh 3 chung như hiện nay.
Với 3 chung, vừa hạn chế được một số trường xác định điểm tuyển đầu vào thấp; đồng thời, giảm vất vả tốn kém cho thí sinh...
"Chốt" lại vấn đề này, Phó Thủ tướng - Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, không thể tồn tại 2 kỳ thi quốc gia.
Khi đó, nếu chọn thi ĐH e rằng HS sẽ học lệch. Giải quyết "bài toán" để hội nhập thì nên thi phổ thông. Với 6 môn thi tốt nghiệp THPT, không chỉ có kết quả học toàn diện mà điều kiện xét tuyển của các trường ĐH sẽ rộng hơn.
Nếu các trường ĐH thấy chưa yên tâm về chất lượng giáo dục phổ thông thì tốt nghiệp năm 2008, sẽ làm tốt hơn nữa cuộc vận động "2 không" để cho kết quả học thật, thi thật.
Xây dựng các ĐH nghiên cứu... Đó là nội dung thứ 2 được bàn thảo tại hội nghị. Dù chưa thật sôi nổi, nhưng các ý kiến đều "đi" cùng chiều tìm giải pháp nâng chất lượng đào tạo đáp ứng nhu cầu là phải xây dựng đội ngũ. GS Phan Công Nghĩa nhìn nhận, khâu xây dựng đội ngũ ở các trường hiện chưa mạnh.
Một trong nhiều yếu tố cơ bản để nâng chất lượng giảng dạy là đội ngũ thầy giáo, Hiệu trưởng ĐH Thủy lợi nêu. Tuy nhiên, giáo viên ở các trường ĐH hiện nay thường để ý đến làm ngoài nhiều hơn...Để có chính sách "hút" giảng viên chuyên tâm với nghề, trường đã xây dựng quy chế với những tiêu chí tối thiểu cho 1 giảng viên nếu không đạt sẽ bị đào thải.
Với mỗi GS, trường đã bố trí phòng làm việc riêng cách đây 2 năm. Giảng viên trẻ cũng có những đãi ngộ thỏa đáng như được tăng cường tiếng Anh, trang bị máy tính xách tay...
Hiệu trưởng Trường ĐH Nông nghiệp 1 Trần Đức Viên cho rằng, để nâng chất lượng đào tạo, phục vụ các nhu cầu bức xúc của xã hội cần phải đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học trong các trường ĐH. Nhà nước cần đầu tư mạnh hơn nữa cho giáo dục đào tạo.
Thực tế đã hiện hữu sự bất bình đẳng trong nghiên cứu, ông Viên đặt vấn đề.
"Tại sao cùng "một bầu trời" lại có trường được đầu tư nhiều, nhưng có trường lại ít? Trong khi đó, trường được đầu tư nhiều thì lại không có công trình nghiên cứu. Phải chăng khâu quản lý có vấn đề?" - ông nói.
Theo ông Hoàng Ngọc Hà, Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ (Bộ GD-ĐT), tới đây Bộ sẽ rà soát lại các mô hình nghiên cứu để đánh giá hiệu quả; đồng thời sẽ ban hành các tiêu chí để xây dựng mô hình trường ĐH nghiên cứu có cơ chế tài chính đặc biệt.
Trường ĐH nghiên cứu sẽ có "tuổi thọ" 4 năm và có đánh giá trên cơ sở các tiêu chí nếu không đạt sẽ bị hạ xuống ĐH bình thường, ông Hà nói. Trường sẽ là hình mẫu về quản lý hiệu quả, chất lượng quốc tế cho nền giáo dục Việt Nam. Phấn đấu đến năm 2020 có một ĐH Việt Nam được xếp hạng trong 200 ĐH hàng đầu của thế giới và một số trường ĐH trong top 500.
Chấm dứt ĐH dạy ĐH?
Phát biểu kết luận, Phó Thủ tướng - Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh: Ngay sau hội nghị, ngoài các nhiệm vụ triển khai trong năm học 2007-2008, các trường ĐH cần khẩn trương xây dựng quy hoạch đào tạo tiến sĩ. Chấm dứt tình trạng ĐH dạy ĐH. Nếu trường nào không lên được kế hoạch thì phải thay ban lãnh đạo.
Bộ GD-ĐT sẽ ban hành quy chế quản lý giáo viên để các trường căn cứ lên phương án thực thi theo hướng "Trường ĐH không là nơi "bình yên" cho những cán bộ, giảng viên không có sự nỗ lực. Đi cùng với đó là sự đào thải...". Để làm được phải có đánh giá đúng đi kèm với đãi ngộ xứng đáng.
Các trường cần rà soát lại chiến lược phát triển đến năm 2015. Nếu trường nào không có chiến lược thì không tồn tại. Cuối năm 2008 các trường sẽ phải có báo cáo chiến lược gửi Bộ GD-ĐT. Sẽ có cảnh báo các trường không thực thi.
Bộ trưởng nhấn mạnh, sẽ có biện pháp xử lý đối với những trường ĐH, CĐ trong 3 năm (2008, 2009, 2010) không có chiến lược phát triển.
Trong chiến lược phát triển đội ngũ giảng viên, các trường cần chọn 2 phương thức hoặc là thạc sĩ hóa hoặc tiến sĩ hóa để trình Bộ GD-ĐT thời điểm triển khai. Phấn đấu từ nay đến năm 2020 đào tạo được 20.000 tiến sĩ cho giảng viên các trường ĐH, CĐ.
Theo Thứ trưởng Bành Tiến Long, dự kiến sẽ đào tạo trong nước 10.000 và nước ngoài 10.000 tiến sĩ. Bộ sẽ ký hợp đồng với các nước để gửi giảng viên sang đào tạo như Hoa Kỳ, Anh, Đức, Nhật, Pháp...
Như vậy, mỗi năm sẽ phải đào tạo 2.000 tiến sĩ cho các trường ĐH,CĐ. Để thực hiện mục tiêu, trước tháng 10/2007, các trường phải lên được kế hoạch đào tạo tiến sĩ năm 2008.
9 nội dung triển khai trong năm học 2007-2008:
- Phát triển các chương trình đào tạo tại các trường ĐH đạt trình độ tiên tiến.
- Chương trình đào tạo 20.000 tiến sĩ và bồi dưỡng lãnh đạo các trường ĐH, CĐ.
- Hoàn chỉnh mạng lưới.
- Nâng hiệu quả, chất lượng đào tạo và sử dụng tiếng Anh.
- Gắn đào tạo với yêu cầu sử dụng nguồn nhân lực.
- Nâng chất lượng đào tạo, đổi mới công tác thi và đánh giá.
- Đổi mới phương thức triển khai hoạt động khoa học công nghệ và hợp tác quốc tế.
- Đổi mới cơ chế tài chính trong giáo dục ĐH.
(Trích báo cáo tổng kết giáo dục ĐH của Bộ GD-ĐT)