Job Alerts
Welcome to CareerViet.vn
Create jobs alert to see all recommended jobs, profile views, recruiter's contacted information, updates, and more ...
welcome to careerviet
Viewed: 11,588
Khi Việt Nam đã bước vào sân chơi rộng lớn là WTO thì cơ hội đến với những người được đào tạo và tiếp cận với bên ngoài sẽ nhiều hơn.
Trương Công Thành, sinh viên năm thứ 3, Đại học Công nghệ (thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội) đến Triển lãm du học Mỹ (Viện Giáo dục quốc tế - IIE Vietnam tổ chức) để "dò" thông tin về các trường tại Mỹ, hy vọng kiếm một suất học bổng thạc sĩ.
Thành nói: "Hiện nay, tôi học công nghệ thông tin (CNTT) nên sẽ tìm một trường về CNTT để tiếp tục học nâng cao, chuyên ngành lập trình viên quốc tế hoặc quản trị kinh doanh. Ngay từ khi vào đại học tôi đã có ý định du học nhưng do điều kiện gia đình, tôi chưa thực hiện được điều này. Đến giờ, tôi quyết định sẽ học sau đại học vì thời điểm này là phù hợp".
Thành muốn du học Mỹ vì đây là nước có ngành CNTT phát triển nhất thế giới. Khi Việt Nam đã gia nhập WTO thì Thành cho rằng, Mỹ sẽ là thị trường đầy hấp dẫn cho những hoạt động kinh doanh.
Thành đã tham gia phỏng vấn xin học bổng của một trường tại Anh và đã đáp ứng được những yêu cầu của họ, tuy nhiên, cậu vẫn muốn nhắm đến mục tiêu du học là Mỹ.
Thành nói: "Việt Nam gia nhập WTO, cơ hội đi kèm với thử thách. CNTT Việt Nam được đánh giá là có tốc độ phát triển nhanh nhưng chúng ta lại đi lên trên một nền tảng rất thấp. Vào WTO, nếu chúng ta không có một cơ chế quản lý thật tốt và năng lực cạnh tranh đủ mạnh thì sẽ dễ dàng bị "nuốt chửng".
Ví dụ như vấn đề bản quyền các chương trình phần mềm, nếu chúng ta không có sự chuẩn bị tốt và cách ứng phó kịp thời sẽ gặp rất nhiều rắc rối. Tôi rất muốn khi học xong sẽ làm việc tại Mỹ để tích lũy kinh nghiệm, sau đó về nước mở công ty riêng. Học bây giờ chính là để làm giàu cho mai sau".
Nguyễn Đức Tuấn, sinh viên năm 3 khoa Kinh tế đối ngoại, Đại học Ngoại thương đề ra mục tiêu du học Mỹ trước hết là vì... hầu hết các thông tin ở trường ngoại thương về học bổng là của Mỹ hoặc Nhật!
Tuấn nói nhiều bạn bè mình cũng đang ráo riết "cày" tiếng Anh để tiến vào Mỹ, Nhật, Anh, Australia... bằng con đường du học. Cậu nói, việc xin học bổng tại trường đại học thực sự là không khó đối với cậu nhưng với các trường của Mỹ thì cái khó nhất lại là xin visa.
"Dựa trên những thông tin mình tìm hiểu, mình thấy việc du học tại Mỹ rất phù hợp với sinh viên Việt Nam. Hiện nay ở Việt Nam, tiếng Anh đã trở nên phổ biến. Nhiều bạn nắm chắc ngôn ngữ này và nhiều trường cũng tỏ ra hào hứng khi tiếp nhận sinh viên đến từ Việt Nam, như thế sẽ dễ dàng hơn trong việc xin học bổng".
Tuấn nói: "Khi Việt Nam gia nhập WTO sẽ mang lại rất nhiều cơ hội làm việc và kiếm tiền cho người lao động. Vấn đề là mỗi người có sự chuẩn bị và có vốn hiểu biết thế nào.
Riêng với du học sinh, họ có thế mạnh là nắm rõ về nền kinh tế bên ngoài để rồi có sự hiểu biết, thích ứng tốt hơn khi phát triển hoạt động kinh doanh trong nước cũng như hợp tác quốc tế".
Tuấn chia sẻ một lý do khác cho định hướng du học của mình, đó là: "Tài chính, kinh tế là vấn đề tôi sẽ tìm hiểu nếu đi du học ở Mỹ. Tôi muốn biết tại sao nước Mỹ lại giàu đến vậy. Khi nghiên cứu sâu về tài chính sẽ cho chúng ta cách sử dụng đồng tiền sao cho đạt hiệu quả tốt nhất. Tôi nghĩ mình cũng như nhiều bạn bè khác đang có dự định du học ngày nay với mục tiêu không chỉ để hiểu biết, để làm giàu mà còn có thể bán chất xám từ quá trình học đó".
WTO mở ra nhiều cánh cửa du học
Nhiều bạn trẻ đã từng du học Anh, Mỹ, Australia... đang hoạt động kinh doanh tỏ ra rất tự tin với những hoạt động kinh doanh của mình tại Việt Nam khi cánh cửa WTO đã mở ra. Thực tế là họ đã chờ đợi giờ phút này với những cơ hội mới cho sự hợp tác với bên ngoài, mở rộng những giao dịch quốc tế.
Nguyễn Minh Hiếu, Giám đốc Công ty DreamViet từng học ở Australia, nay đang đẩy mạnh kinh doanh trong lĩnh vực thương mại điện tử tại Việt Nam. Hiếu cho biết, nhờ có hội nhập mà một quỹ đầu tư quốc tế đã quyết định đầu tư cho Aha.vn - website thương mại điện tử của công ty. Hay Trần Minh Hoàng, Giám đốc Công ty Gia Tuệ, sau khi du học quyết định trở về Việt Nam kinh doanh bất động sản. Sự kiện Việt Nam gia nhập WTO được Hoàng xác định như một cơ hội lớn cho những dự án đầu tư lớn về nhà đất và văn phòng cho thuê.
Với những người đã từng tiếp thu kiến thức từ nhiều nước trên thế giới thì đây là thời điểm chứng tỏ năng lực của mình trong một môi trường kinh doanh đang trở nên thông thoáng hơn theo các cam kết và thông lệ quốc tế.
Nhu cầu du học như thế chắc chắn sẽ trở nên nhộn nhịp hơn vào thời điểm hậu WTO. Có cầu ắt có cung. Các hội thảo, triển lãm du học cùng với những lời chào mời từ các trường đại học đến từ nhiều nước đang được diễn ra liên tục, dày đặc.
Ngay trước khi có thông tin Việt Nam sẽ gia nhập WTO, QS, một tổ chức quốc tế chuyên về giáo dục và nghề, thường cung cấp báo cáo xếp hạng Top 100 chương trình MBA toàn cầu và xếp hạng các trường đại học thế giới, đã đánh tiếng tổ chức một cuộc triển lãm với 60 trường MBA tại Việt Nam, đa số trong đó là các trường của Mỹ.
Phía đối tác của QS là Công ty tư vấn du học Sunrise Vietnam đã cùng kết nối để tiến hành cuộc triển lãm này. Các suất học bổng trị giá hơn 2,7 triệu đôla Mỹ sẽ được giới thiệu tại triển lãm này.
Văn phòng Viện Giáo dục quốc tế Mỹ (IIE) tại Việt Nam cho biết chương trình học bổng Fulbright đã nhận được trên 1.100 hồ sơ đăng ký dự tuyển chương trình học bổng năm học 2007-2008. Mỗi năm có khoảng 3.000 sinh viên Việt Nam sang Mỹ học tập, chủ yếu bằng con đường du học tự túc.
Khi nhiều doanh nghiệp, đối tác nước ngoài đang đến Việt Nam để tiếp cận, tìm hiểu thị trường thì đang có sự gia tăng nhanh chóng về số lượng của trường đại học ngoại quốc tìm đến Việt Nam để thu hút người theo học.
Hiện nay, ngay cả khi không phải là mùa hội thảo, triển lãm giáo dục thì nhịp độ các chương trình này ở Hà Nội và TP HCM cũng được diễn ra nối tiếp, cùng với đó là nhiều chương trình học bổng mời đón học viên và nhiều hình thức liên kết, hợp tác khác nhau. Một số chuyên gia đã nhận định: Thị trường du học của Việt Nam cũng sẽ nhộn nhịp ở thời điểm hậu WTO.
Source: Theo Thanh Niên
Please sign in to perform this function