Từ ngày 14/1/2024, CareerBuilder.vn chính thức đổi tên thành CareerViet.vn. Chi tiết xem tại đây.

Giải pháp đột phá truyền thông trong lĩnh vực việc làm, giáo dục nghề nghiệp và bảo hiểm xã hội

Lượt xem: 5,259

Toàn cảnh Hội thảo

Trong 2 ngày 25&26/6, tại TP. Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, Báo Lao động và Xã hội (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) tổ chức Hội thảo “Giải pháp đột phá truyền thông trong lĩnh vực việc làm, giáo dục nghề nghiệp và bảo hiểm xã hội”. Tham dự Hội thảo có đại diện lãnh đạo các Cục, Vụ, nguyên lãnh đạo các đơn vị của Bộ cùng đại diện lãnh đạo các cơ quan thông tấn báo chí của Bộ, Trung tâm truyền thông Bảo hiểm xã hội Việt Nam, đại diện Sở LĐ-TBXH của một số địa phương.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Quyền Tổng biên tập Báo LĐ&XH Nguyễn Trung Chính nhấn mạnh: Trong xã hội bùng nổ thông tin hiện nay, việc làm thế nào để tuyên truyền chính sách lao động, việc làm, người có công (NCC) và xã hội tạo được sự hấp dẫn và lan tỏa” là một thách thức và cơ hội. Điều này đòi hỏi sự sáng tạo trong phương thức thể hiện của người làm truyền thông cùng cơ quan báo chí.

Quyền Tổng biên tập Báo LĐ&XH Nguyễn Trung Chính phát biểu tại Hội thảo

Theo ông Nguyễn Trung Chính,  những năm gần đây, các cơ quan báo chí đã chuyển phong cách làm báo hiện đại theo mô hình tòa soạn đa phương tiện để phát huy cao độ mọi khả năng cùng thế mạnh, trong đó là thông tin nhanh, phong phú, đa chiều cùng sự tương tác giữa tòa soạn với độc giả làm tăng khả năng để mỗi cá nhân có thể tham gia, tác động vào nội dung thông tin.

 Chia sẻ tại Hội thảo, Phó cục trưởng Phụ trách Cục Việc làm Lê Quang Trung cho biết, là đơn vị của Bộ phụ trách 4 lĩnh vực: Việc làm, thị trường lao động, bảo hiểm thất nghiệp, quản lý lao động nước ngoài tại Việt Nam, những năm vừa qua báo chí của ngành đã thực hiện tốt vai trò kênh thông tin tuyên tuyền chính sách của ngành nói chung và những lĩnh vực của Cục Việc làm nói riêng. Thời gian qua, Cục Việc làm đã phối hợp với các cơ quan báo chí của ngành nói riêng, có các bài viết, thông tin về những lĩnh vực việc làm trên báo.Cùng với đó, phối hợp với các đơn vị trong và ngoài Bộ tổ chức các hội nghị tuyên truyền, phổ biến các chính sách pháp luật liên quan đến lĩnh vực việc làm, bảo hiểm xã hội đã thu hút sự quan tâm của xã hội về lĩnh vực việc làm. Tuy nhiên hoạt động đó chưa đủ, chưa “thấm” đến hết các nhóm đối tượng, vì vậy cần sự tham gia vào cuộc của các cơ quan truyền thông báo chí.

Phó cục trưởng Phụ trách Cục Việc làm Lê Quang Trung đánh giá cao vai trò của báo chí ngành

“Công tác xây dựng pháp luật tốt nhưng không có cầu chuyển đến người lao động, đối tượng thì chính sách sẽ không thực hiện được. Vì vậy, truyền thông cần phải là khâu đột phá trong thực hiện chính sách, pháp luật để đi vào cuộc sống” - Phó cục trưởng Phụ trách Cục Việc làm Lê Quang Trung khẳng định.

Do đó, ông Lê Quang Trung mong muốn các cơ quan báo chí đặt hàng với các đơn vị, làm sao làm sâu hơn hơn các nội hàm như tuổi nghỉ hưu và tuổi làm việc, vấn đề bảo hiểm thất nghiệp, hoạt động của dịch vụ việc làm, thị trường lao động, người nước ngoài đến làm việc tại Việt Nam…Bên cạnh đó, các cơ quan báo cần mở các chuyên mục thông tin nhiều chiều, lấy nhiều ý kiến nhiều đối tượng khác nhau trong từng lĩnh vực. Trong quá trình thực hiện chính sách, báo chí phát hiện những bất cập, tồn tại thông tin cho các đơn vị của Bộ để các đơn vị hoàn chỉnh chính sách những vấn đề trong thực hiện.

Đánh giá vai trò của báo chí trong công tác xuất khẩu lao động, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Lao động ngoài nước Nguyễn Gia Liêm cho biết, theo số lượng thống kê, trung bình mỗi năm số lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài tăng gần 10.000 người. 5 tháng đầu năm 2019 đã có 54.144 người, đạt 45% kế hoạch của năm (120.000 người). Hiện nay có khoảng 500 ngàn lao động Việt Nam đang làm việc ở trên 40 nước và vùng lãnh thổ với hơn 30 nhóm ngành nghề, thu nhập hàng năm của người lao động khoảng 2 tỷ USD.

“Có được các kết quả nói trên, không thể không nói đến sự hợp tác tích cực của các cơ quan thông tin truyền thông, các báo đài trong việc thông tin, tuyên truyền phổ biến các chính sách, pháp luật cũng như đưa các tin, bài về tình hình thị trường lao động ngoài nước, tình hình thực hiện của các doanh nghiệp, địa phương, các mô hình tốt, hiệu quả và những vấn đề phát sinh góp phần thúc đẩy hoạt động đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài ngày càng lành mạnh và phát triển”- ông Nguyễn Gia Liêm khẳng định. 

Các đại biểu tham dự Hội thảo

Chia sẻ về  những đóng góp của cơ quan báo chí trong công tác giáo dục nghề nghiệp (GDNN) cũng như để đổi mới và nâng cao chất lượng GDNN, TS. Trương Anh Dũng - Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục GDNN cho biết, từ khi Luật GDNN có hiệu lực, công tác tuyên truyền về GDNN đã được quan tâm, có những đóng góp đáng kể để hoàn thành các chỉ tiêu nhiệm vụ của GDNN, định hướng được dư luận trong các vấn đề, kịp thời giải đáp thắc mắc của độc giả, đã có sự tương tác giữa độc giả và cơ quan quản lý nhà nước về GDNN. Tuy nhiên công tác GDNN còn nhiều khó khăn, tâm lý bằng cấp còn nặng nề trong mỗi gia đình; bình quân mỗi năm chỉ tuyển sinh đào tạo được khoảng 2,2 triệu người; 8 - 10% học sinh tốt nghiệp THCS đi học nghề.

Trước thực tế này, TS. Trương Anh Dũng đề nghị, báo chí cần xây dựng nội dung, thời điểm truyền thông phù hợp để đạt được hiệu quả. Làm thế nào để các báo đài tiếp cận thông tin, đó là vai trò của các cục, vụ, đơn vị, nhưng các phóng viên có phương thức truyền thông phù hợp với từng đối tượng phù hợp đời sống xã hội.

Đưa ra những kiến nghị nhằm tiếp tục nâng cao năng lực truyền thông trong các cơ quan báo chí của ngành, TS. Trần Ngọc Diễn - Tổng Biên tập tạp chí Lao động và Xã hội đề xuất một số giải pháp: Bộ LĐ-TBXH cần tăng cường đầu tư, nâng cấp trang thiết bị cho các cơ quan báo chí, nhất là về hạ tầng công nghệ thông tin; đồng thời chỉ đạo các đơn vị trong Bộ, các Sở LĐ-TBXH, các cơ sở trực thuộc ngành tạo điều kiện cung cấp thông tin cho các cơ quan báo chí của Bộ một cách nhanh nhất, chính xác nhất, thực hiện tốt trách nhiệm của người phát ngôn. Có chính sách đặt hàng hoặc các chương trình truyền thông cho các cơ quan báo chí của Bộ. Các cơ quan báo chí của Bộ cần tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn và có cơ chế thu hút một số phóng viên giỏi, ưu tiên là các nhà báo trẻ, có phẩm chất chính trị đạo đức tốt, có năng lực chuyên môn báo chí truyền thông vững, có khả năng tiếp thu và ứng dụng công nghệ tốt, có ít nhất một ngoại ngữ. Bên cạnh đó, cần thường xuyên cử phóng viên bám sát các Vụ, Cục, đơn vị trong Bộ, các Sở LĐTBXH để kịp thời phản ánh về công tác lao động, người có công và xã hôi, nhất là các vấn đề nóng, được đông đảo bạn đocvà người dân quan tâm. Thứ ba, tăng cường các hoạt động kinh tế báo chí, nâng chất lượng tuyên truyền và cải thiện đời sống cán bộ, phóng viên…

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm

Ngoài ra, Hội thảo cũng đã nhận được  những ý kiến đóng góp, chia sẻ từ bà Nguyễn Thị Thu Hương - Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông - BHXH Việt Nam, ông Hà Đình Bốn - nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế, đại diện một số Sở LĐ-TBXH...để công tác truyền thông trong lĩnh vực việc làm, giáo dục nghề nghiệp và bảo hiểm xã hội thời gian tới đạt hiệu quả cao.

Nguồn : Theo bhxhtphcm.gov.vn

Bài viết cùng chuyên mục "Thị trường & Xu hướng"

Xem thêm

Nhận ngay những tin tức mới nhất về dịch vụ và cẩm nang tuyển dụng từ CareerViet.vn

Nhận ngay những tin tức mới nhất về dịch vụ và cẩm nang tuyển dụng từ CareerViet.vn

Feedback