Từ ngày 14/1/2024, CareerBuilder.vn chính thức đổi tên thành CareerViet.vn. Chi tiết xem tại đây.

Góp ý cho Bộ luật Lao động (sửa đổi): Tăng tuổi nghỉ hưu nhưng không nên 'cào bằng'

Lượt xem: 5,126

Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE) vừa tổ chức chuyến thực địa cho nhà báo, phóng viên và chuyên gia về tham quan và làm việc với Công ty CP Cơ khí Xây dựng Thương mại Đại Dũng. Đây là hoạt động trong khuôn khổ Dự án “Thúc đẩy bình đẳng giới trong Bộ Luật Lao động”.

Theo ông Trịnh Mạnh Hùng, phó Tổng giám đốc công ty, vấn đề bình đẳng giới trong tuyển dụng, tiền lương tiền công và tuổi nghỉ hưu là vấn đề được doanh nghiệp hết sức quan tâm.

Đại Dũng là doanh nghiệp cơ khí hàng đầu phía Nam, sử dụng khoảng 3.000 lao động và đang tiếp tục phát triển quy mô. Ông Hùng cho biết, một đặc điểm nổi bật là phần lớn lực lượng lao động tại đây là nam giới, đều đang ở độ tuổi còn khá trẻ, đủ sức lực để đáp ứng yêu cầu của công việc nặng nhọc, cường độ cao. Đó là lý do khiến trong suốt hơn 18 năm hoạt động vừa qua, công ty chưa giải quyết chế độ hưu trí cho bất kỳ người lao động nào.

Góp ý cho Bộ luật Lao động (sửa đổi): Tăng tuổi nghỉ hưu nhưng không nên ''cào bằng'' - Ảnh 1

Công ty Đại Dũng sử dụng khoảng 3.000 lao động, chủ yếu là nam giới có tuổi đời trẻ, sức khỏe tốt nhằm đáp ứng yêu cầu công việc nặng nhọc, cường độ cao.

Tuy nhiên, cũng theo ông Hùng và một số công nhân trực tiếp sản xuất, thì “người lao động đến độ tuổi xấp xỉ 50 là bắt đầu thấy… “đuối”, khó đảm bảo thực hiện các công việc trong dây chuyền sản xuất, nên nhiều người đã tự xin nghỉ việc để chuyển sang làm nghề khác nhẹ nhàng hơn”. Đó là điều khiến ông cùng ban lãnh đạo công ty không khỏi trăn trở.

Buổi tọa đàm với chủ đề: Bộ Luật Lao động ( sửa đổi) - Tiếng nói từ doanh nghiệp và người lao độngđược tổ chức tại đây, ngoài mục đích cung cấp cho các nhà báo các thông tin chân thực, khách quan nhất về những vấn đề mà dự án đang tập trung hướng tới, như: Cơ chế tiền lương được thực hiện chi trả như thế nào để động viên khuyến khích người lao động?; Đảm bảo vấn đề bình đẳng giới trong trả công, và đặc biệt là vấn đề tăng tuổi nghỉ hưu…

Đại diện Công đoàn công ty Đại Dũng cho biết, mặc dù đặc thù hoạt động của doanh nghiệp là lĩnh vực cơ khí nên nhu cầu sử dụng nhiều lao động nam, nhưng quan điểm của công ty là không phân biệt giới trong tuyển dụng mà tuyển theo năng lực. Trong việc trả tiền lương, tiền công cũng vậy, cả lao động nam và nữ đều được đánh giá hiệu quả, chất lượng công việc một cách bình đẳng để tính toán tiền lương, tiền công một cách hài hòa nhất.

Góp ý cho Bộ luật Lao động (sửa đổi): Tăng tuổi nghỉ hưu nhưng không nên ''cào bằng'' - Ảnh 2

Công nhân công ty Đại Dũng thuần thục trong vận hành máy móc, thiết bị

“Thời gian qua, công ty đã áp dụng nhiều hình thức ưu đãi cho lao động nữ, vì chúng tôi nhận thức lao động nữ ngoài công việc tại công ty, còn phải đảm nhiệm nhiều công việc, chức năng khác ở gia đình mà người đàn ông không thể thay thế”, ông Trịnh Mạnh Hùng thông tin.

Về vấn đề tuổi nghỉ hưu, quan điểm của công ty cũng như đa số người lao động là ủng hộ chủ trương tăng tuổi nghỉ hưu, nhưng có xét đến các yếu tố khác ngoài vấn đề tuổi tác.

Có mặt tại buổi tọa đàm, LS Nguyễn Giang Nam, Công ty Luật SmartLow, Đoàn Luật sư TP.HCM, cung cấp thông tin đáng chú ý: Thống kê của BHXH Việt Nam cho thấy, tuổi nghỉ hưu bình quân năm 2012 chỉ là 54,17 tuổi, trong đó tuổi nghỉ của nam là 55,61 tuổi (thấp hơn gần 4,4 tuổi) và nữ là 52,56 tuổi (thấp hơn 2,44 tuổi); thời gian đóng BHXH bình quân của nam là 28 năm, của nữ là 23 năm; tỷ lệ nghỉ hưu đúng tuổi đủ 60 đối với nam, đủ 55 đối với nữ chiếm khoảng 40,5%; số người nghỉ hưu sớm trước tuổi quy định chiếm tỷ lệ cao trên 50%.

Điều đó cho thấy nhu cầu nghỉ hưu của một số nhóm lao động trực tiếp sản xuất ở các nhóm ngành nghề có tính chất nặng nhọc, độc hại có xu hướng thấp hơn so với mức chung (nam 60 tuổi, nữ 55 tuổi).

Trong khi đó, ở các nước khác, độ tuổi quy định nghỉ hưu đối với người lao động không giống nhau, nên có thể coi là không có chuẩn mực tuyệt đối. Theo bà Hoàng Thị Thu Hường, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế, Xã hội và Môi trường, quan điểm của Viện về vấn đề tuổi nghỉ hưu là nên tăng so với mức hiện nay. Bởi có nhiều nhóm lao động làm việc trong các lĩnh vực công nghệ, lao động trí óc, quản lý điều hành, khối văn phòng… có thể tiếp tục làm việc tốt khi đã quá tuổi nghỉ hưu theo quy định hiện hành. Việc buộc họ về hưu khi còn đang sung sức, thậm chí đang trong độ chín, là một sự lãng phí lớn. Hơn nữa, với xu hướng dân số đang già hóa, thị trường lao động dự báo là sẽ khan hiếm nhân lực trong thời gian tới, thì việc tăng tuổi nghỉ hưu là điều cần thiết.

Góp ý cho Bộ luật Lao động (sửa đổi): Tăng tuổi nghỉ hưu nhưng không nên ''cào bằng'' - Ảnh 3

Sản phẩm của công ty Đại Dũng đã có mặt ở nhiều công trình trọng điểm quốc gia, xuất khẩu qua 40 nước và vừa trúng thầu cung cấp vật liệu cho sân vận động tổ chức World Cup Qatar 2022

Thể hiện tại buổi tọa đàm, cả doanh nghiệp và cơ quan nghiên cứu đều có chung quan điểm, rằng không nên “cào bằng” tuổi nghỉ hưu đối với mọi công việc, ngành nghề; đồng thời cần có một “cơ chế mềm” về tuổi nghỉ hưu, ví dụ có thể quy định người lao động có thể nghỉ hưu trong một khoảng thời gian 5-7 năm trước thời điểm nghỉ hưu bắt buộc để người lao động có nhiều lựa chọn theo nguyên lý “tuổi nghỉ hưu do người lao động lựa chọn dựa vào nhu cầu và khả năng của các bên” – như đề xuất của LS Nam.

Cơ chế này được nhiều người tin tưởng sẽ tiếp tục mang lại những kết quả tích cực đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, có thể cân bằng giữa già hoá dân số với tăng trưởng kinh tế và xã hội.

Nguồn : Theo Báo Dân Sinh

Bài viết cùng chuyên mục "Thị trường & Xu hướng"

Xem thêm

Nhận ngay những tin tức mới nhất về dịch vụ và cẩm nang tuyển dụng từ CareerViet.vn

Nhận ngay những tin tức mới nhất về dịch vụ và cẩm nang tuyển dụng từ CareerViet.vn

Feedback