Nhiều công ty vượt qua Covid-19 thành công bởi xác định được khi nào thì nên bỏ qua kế hoạch cũ và thích ứng với môi trường mới. Sự nhanh nhạy trong chiến lược không chỉ cải thiện hiệu suất mà còn giúp tổ chức của bạn tồn tại và phát triển.
Nhiều công ty đa quốc gia đã thích nghi thành công trong đại dịch – Ảnh: Internet.
Trong khủng hoảng do Covid-19, một số công ty đã phá sản hoặc chuyển đổi hình thức kinh doanh, một số hồi phục, thậm chí còn phát triển mạnh hơn, dù cùng lĩnh vực. Cuộc khủng hoảng đã khiến tất cả đi chệch khỏi chiến lược ban đầu đã cho thấy: chỉ có công ty thích ứng được với sự thay đổi của thị trường mới tồn tại được.
Có 3 cách giúp họ thực hiện điều này: Thứ nhất, họ đủ nhanh nhẹn để tránh những tác động xấu nhất; thứ hai, khi bị tác động, họ đủ mạnh để đón nhận các thiệt hại; và thứ ba, họ đủ kiên cường để tăng tốc, tiến về phía trước nhanh hơn và hiệu quả hơn so với các đối thủ. Tất cả tạo thành sự nhanh nhẹn trong chiến lược.
Ví dụ như Airbnb: Ngay sau khi biết rõ rằng Covid-19 sẽ khiến khách hàng bị hạn chế du lịch, Airbnb đã tránh ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh bằng cách: ra các quy trình khử trùng nghiêm ngặt, bổ sung 01 đêm trống khách bắt buộc giữa các đợt lưu trú để có thêm thời gian vệ sinh.
Họ cũng nới lỏng các chính sách hủy đặt phòng của khách và áp dụng các biện pháp bù đắp thiệt hại cho chủ nhà. Tất nhiên, công ty không thể tránh khỏi hoàn toàn ảnh hưởng của đại dịch, vì vậy họ đã huy động vốn để tăng cường khả năng đón nhận tác động của làn sóng giảm đặt phòng và hủy đặt phòng.
Ngay cả trước khi công việc kinh doanh ổn định, công ty đã bắt đầu tăng tốc, tập trung vào các khu vực ít bị ảnh hưởng hơn như du lịch trong nước và lưu trú tại các địa điểm nông thôn, xa khu dân cư. Airbnb cũng quảng bá thời gian lưu trú "cách ly" lâu hơn và thêm các chi tiết như tốc độ internet vào danh sách dịch vụ.
6 nguyên tắc để nhanh nhẹn trong chiến lược
Sự nhanh nhẹn trong chiến lược là khả năng tối ưu hiệu suất, giúp tổ chức không chỉ tồn tại mà còn phát triển trong bối cảnh thách thức. 6 nguyên tắc sau sẽ giúp giúp các tổ chức tận dụng sự gián đoạn trong kinh doanh một cách chủ động để có lợi.
1. Ưu tiên sự nhanh nhạy hơn sự hoàn hảo
Cơ hội để tồn tại (và phát triển) đến và đi nhanh chóng trong thời kỳ khủng hoảng, vì vậy các tổ chức cần sẵn sàng và hành động nhanh chóng, ngay cả khi họ hy sinh sự hoàn hảo và những dự đoán trước đó của họ. Để tránh được các tổn thất, lãnh đạo phải cảm nhận được các rủi ro trong môi trường kinh doanh, tái định vị doanh nghiệp để nhanh chóng tránh các tác động.
Ví dụ như ở Trung Quốc: đơn vị sản xuất bộ phim chủ đề Tết Lost in Russia có nguy cơ thiệt hại hàng triệu USD do các rạp đóng cửa, họ đã quyết định tiếp cận nền tảng Tiktok. Chỉ trong 2 ngày, Lost in Russia đã đạt được 600 triệu lượt xem trên nền tảng này, nhờ sự ủng hộ của người dân Trung Quốc - vốn không thể rời khỏi nhà trong thời gian dịch bệnh bùng phát. Trong khi đó, những hãng phim khác chờ đợi và bỏ lỡ cơ hội lớn để xây dựng thị phần.
2.Ưu tiên tính linh hoạt hơn kế hoạch
Các trường kinh doanh thường dạy việc xây dựng các kế hoạch chiến lược được lập ra trong vài tháng, sau đó được thực hiện trong vài ba năm. Tuy nhiên, khi khủng hoảng xảy ra, thì những kế hoạch chiến lược như thế có thể sẽ trói buộc tổ chức trong những khuôn khổ không còn phù hợp
Ví dụ như hãng bay Qantas của Úc đã từ bỏ kế hoạch chiến lược 5 năm của mình và khuyến mãi những chuyến du ngoạn đến các điểm du lịch nội địa nổi tiếng. Toàn bộ số lượng ghế đã được bán hết trong 10 phút, trở thành chương trình khuyến mãi bán nhanh nhất trong lịch sử của Qantas.
Sự thành công của Qantas đến từ sự thấu hiểu khát khao được đi du lịch của dân chúng, ngay cả khi họ không thể rời khỏi đất nước, và hãng đã nhanh chóng điều chỉnh các dịch vụ của mình để đáp ứng nhu cầu này.
3.Ưu tiên đa dạng hóa hơn tối ưu hóa
Nhiều tổ chức đã thất bại trong đại dịch không phải vì họ không nhanh nhẹn hay đổi mới, mà vì họ đã thiếu đa dạng hóa hoặc quá chú trọng vào hiệu quả và tối ưu hóa.
Đa dạng hóa và linh hoạt là những hàng rào bảo vệ mạnh mẽ chống lại tác động của các cú sốc. Thiệt hại ở chỗ này có thể 'giảm đau' bằng tăng trưởng ở chỗ khác. Ví dụ trong thời kỳ đại dịch, khi doanh số bán hàng của các nhãn hiệu chăm sóc cá nhân của một công ty hóa mỹ phẩm giảm, công ty vẫn có doanh thu tăng lên của các nhãn hiệu chất tẩy rửa và khử trùng.
4.Ưu tiên trao quyền hơn thứ bậc
Các hệ thống dễ bị tấn công nhất khi không có sự thông tin đầy đủ và kịp thời trên cả mạng lưới. Cấp cao nhất không nhận thức được những tác động mạnh mẽ mà các chi nhánh đang phải chịu đựng, hoặc các sáng kiến hiệu quả xuất phát từ chi nhánh. Vì vậy, các kênh thông tin nội bộ và trao quyền hiệu quả là việc cần thiết.
Ví dụ, khi các quy định về giãn cách xã hội thay đổi ồ ạt theo địa điểm, cũng như các yêu cầu về mặc quần áo bảo hộ gây khó khăn cho việc tổ chức ra mắt đồng thời một sản phẩm mới trên toàn quốc. Công ty của bạn hoàn toàn có thể trao quyền cho các chi nhánh tự sắp xếp kế hoạch ra mắt.
Việc trao quyền được mở rộng cho các nhân viên, người quản lý và nhóm làm việc tại hiện trường, những người được khuyến khích "điều hành sự kiện giống như bạn là người chủ công ty". Nhưng điều đó cũng đòi hỏi các trang chứa thông tin tổng quan về đại dịch cần được cập nhật từng phút để hỗ trợ mọi người ra quyết định kịp thời.
5.Ưu tiên việc học hỏi hơn đổ lỗi
Các công ty có văn hóa chấp nhận rủi ro và chịu đựng thất bại tiến lên nhanh hơn những công ty ưa thích trừng phạt. Nếu nhân viên dễ dàng bị chỉ trích vì thất bại, họ ít dám "sai và sửa" hơn; đây chính là yếu điểm chết người trong khủng hoảng.
Một công ty dịch vụ CNTT toàn cầu quy mô trung bình có văn phòng tại Ấn Độ. Khi đất nước này tuyên bố khóa cửa nghiêm ngặt, họ phải chuyển gần như toàn bộ 3.000 nhân viên của mình sang làm việc tại nhà. Điều đó đồng nghĩa với nguy cơ nhân viên mắc sai lầm nhiều hơn vì môi trường ở nhà thường căng thẳng và không có lợi cho công việc. Vì vậy, công ty đã thúc đẩy văn hóa "không đổ lỗi", bổ sung các sáng kiến nâng cao sức khỏe tâm thần như "không gọi điện kiểm tra trong chương trình làm việc" để duy trì động lực cho nhân viên. Công ty cũng thêm chính sách thưởng cho những nhân viên học hỏi và thích nghi tốt. Kết quả là lòng trung thành của cả nhân viên và khách hàng hao mòn không đáng kể sau đại dịch.
6.Ưu tiên phát huy các nguồn lực hơn là 'đóng băng' chúng
Các nguồn lực nên được cấu hình lại và linh động về mặt vận chuyển khi cần thiết, thay vì ngừng sử dụng chúng.
Ví dụ, đã từng có một sở hữu ứng dụng giao đồ ăn đến tận từng chỗ ngồi của khách hàng trong các sân vận động thể thao. Nhưng khi các sự kiện trực tiếp bị hạn chế bởi đại dịch, ứng dụng này đã mất người dùng.
Người sáng lập đã quyết định chuyển hướng vận hành khi nhìn thấy những người xếp hàng dài bên ngoài các ngân hàng thực phẩm ở Thành phố New York. Công ty đã tung ra một ứng dụng mới cho phép các ngân hàng thực phẩm tạo thực đơn và giao hàng, đồng thời cho phép người dùng tìm thấy các ngân hàng thực phẩm đang hoạt động trong khu vực lân cận của họ.
Còn rất nhiều các ví dụ khác của việc đưa sự nhanh nhạy vào chiến lược hoạt động. Như Disney đã tránh các khoản lỗ từ việc phim không ra rạp được bằng cách đầu tư vào dịch vụ phim trực tuyến Disney .
Cuộc khủng hoảng Covid có thể đã kết thúc, nhưng sẽ còn nhiều tình huống thách thức khác trong tương lai. Và 6 nguyên tắc nêu trên có thể giúp doanh nghiệp của bạn không chỉ tồn tại mà còn phát triển hơn qua sóng gió.