Chân dung những công sở sắp mất nhân viên

07/12/2023 16:24 GMT+7

Một công sở mà nhân viên xin nghỉ việc liên tục đôi khi không phải vì đặc thù "đào thải nhanh" của ngành. Hãy thử nhìn xem công sở của bạn có những đặc điểm khiến nhân viên sớm dứt áo ra đi hay không.

Nhân viên của bạn đang được hỗ trợ hay đang bị o ép?- Nguồn ảnh: Pexels

Nhân viên của bạn đang được hỗ trợ hay đang bị o ép?- Nguồn ảnh: Pexels

Nếu công sở của bạn có những vấn đề như dưới đây thì khả năng cao là bạn sắp mất những nhân viên chất lượng nhất. Bạn muốn biết một số biểu hiện cơ bản?

1. Sếp xấu tính

Lãnh đạo nói chung và quản lý trực tiếp nói riêng là cầu nối quan trọng giữa nhân viên và sự nghiệp lâu dài của họ. Đôi khi một công việc lương cao vẫn không thể giữ chân nhân viên nếu lãnh đạo cư xử thiếu chuẩn mực cần thiết. Ví dụ:

- Nhận xét về cách nhân viên ăn uống ("Em ăn thế làm gì chẳng béo", "Em nên điều chỉnh chế độ ăn cho lành mạnh hơn"...)

- Đánh giá về cơ thể của người khác ("Trông con bé ấy vai u thịt bắp như đàn ông", "Trông như con voi thế", "Trông móm/ hô thế"...)

- Phong cách ăn mặc ("Em da đã tối còn hay mặc màu chói…").

- Chê bai một người từ những việc không liên quan đến công việc (nấu ăn, sắp xếp đồ đạc, chọn lựa sách đọc…)

- Trêu chọc nếu một nhân sự bình thường bỗng nhiên thay đổi phong cách

- Phán xét cách một người sử dụng thời gian riêng

Các biểu hiện trên đều đến từ định kiến cá nhân, sự thiếu hiểu biết về ranh giới giữa chuyên môn và chuyện cá nhân của lãnh đạo, cũng như văn hóa công ty yếu.

2. Lãnh đạo bất ổn

Bên cạnh lãnh đạo "đùa cợt" từ thiên kiến cá nhân, thì còn có lãnh đạo không thực sự muốn nhân viên phát triển dưới quyền của mình:

- Sợ nhân viên thăng chức và vượt qua mình đến mức o ép các nhân sự có nhiều kiến thức và kinh nghiệm: giao thêm nhiều việc, gây khó khăn trong vận hành, đánh giá sai kết quả công việc

- Sỉ nhục trí thông minh để thể hiện quyền lực: đối xử với nhân viên như là một đứa trẻ, bắt làm các bài kiểm tra IQ và kiến thức

- Đổ lỗi cho cấp dưới khi xảy ra sai phạm

- Phủ định quyền lực, phạm vi công việc (đúng đắn) của nhân viên dưới quyền: giới hạn những việc nhân sự được làm, quyền được phê duyệt theo quy định thực tế, phủ nhận hoặc tước bỏ các quyền đó để nhân viên gặp khó khăn trong công việc, hoặc phải nhún mình trước lãnh đạo

3. Lãnh đạo nhân viên thiếu chuyên nghiệp

Không thực sự có định kiến hoặc xấu tính, nhưng sự yếu kém về chuyên môn và quản lý của lãnh đạo khiến nhân viên khó đạt thành công:

- Không nắm rõ công việc chuyên môn: đề ra chỉ tiêu thiếu thực tế, yêu cầu nhân viên phải đạt hiệu quả cao nhất với mức chi phí thấp nhất

- Yêu cầu nhân viên phục vụ những việc ngoài chuyên môn: mua đồ cá nhân, phục vụ ở bàn tiệc, đưa đón…

- Đánh giá nhân viên dựa trên thời gian có mặt tại công ty hơn là hiệu quả công việc thực tế, thậm chí ở lại càng lâu càng được đánh giá cao

- Nói xấu nhân viên với người thứ 3 (về hiệu quả công việc, cách ứng xử…) thay vì nhận xét và góp ý trực tiếp

- Giận dữ, la hét, mắng nhiếc khi không vừa ý

- Can thiệp vào các quyền lợi hợp pháp của nhân viên: ngăn cản hoặc tỏ thái độ khi nhân viên sử dụng ngày nghỉ phép, hạn chế thời gian nghỉ thai sản…

Nhân viên của bạn có đang bị bắt nạt vì sự khác biệt? - Nguồn ảnh: Pexels

Nhân viên của bạn có đang bị bắt nạt vì sự khác biệt? - Nguồn ảnh: Pexels

4. Đồng nghiệp xấu tính

Ngoài ra, một môi trường công sở độc hại, nơi tình trạng bắt nạt diễn ra thường xuyên và được dung thứ cũng là điều không nhân viên đàng hoàng nào muốn:

- Cười nhạo về các vấn đề: ngoại hình, phát âm, giọng địa phương, quê gốc…

- Dựng chuyện về một cá nhân đơn lẻ.

- Tìm cách đẩy các công việc khó cho nhân viên mới

- Từ chối trao đổi, đối thoại trong công việc

- Đặt biệt danh hàm ý xấu

- Tìm cách cô lập khỏi các hoạt động hội nhóm, tổ chức

- Trêu chọc các vấn đề riêng tư (sở thích, đời sống hôn nhân…)

5. Đồng nghiệp định kiến giới

Biểu hiện bắt nạt đôi khi không xuất phát từ sự cố ý hạ thấp vai trò của người khác (không phân biệt giới), mà đến từ hiểu biết nghèo nàn về quyền bình đẳng giới:

- Đồng nghiệp nam giới đùa cợt "nhạy cảm" về đồng nghiệp nữ

- Đồng nghiệp nữ giới đùa cợt về "quyền lực giới" của đồng nghiệp nam ("sợ vợ", "chạn vương"...)

- Đồng nghiệp nam giới ngăn trở đồng nghiệp nữ sử dụng các cơ sở vật chất hoặc thăng tiến, học hỏi trong công việc/ bộ phận nhiều nam giới

- Đồng nghiệp nam giới trêu chọc về việc mang thai, đến kỳ, mãn kinh… của nữ giới.

- Đùa cợt, trêu chọc những người thuộc nhóm LGBTQ+

Các nhà tâm lý học đã chỉ ra nguyên nhân sâu xa của những người có biểu hiện trên phần lớn đến từ sự tự ti sâu sắc, dẫn đến hạ thấp người khác để thấy thoải mái hơn về bản thân. 

Điều quan trọng là để giải quyết vấn đề tâm lý của một (vài) cá nhân, thì những người khác - nhất là những người chỉ chuyên tâm vào công việc - phải chịu một bầu không khí từ khó chịu đến thù địch. 

Công sở của bạn có những người đang khốn khổ như thế không? Dĩ nhiên họ sẽ cố gắng rời đi ngay khi tìm được cơ hội mới - thậm chí không cần chờ.

Feedback