Theo kết quả xếp hạng của Đại học Giao thông Thượng Hải (Trung Quốc), châu Âu chiếm 34 vị trí trong danh sách 100 trường đại học uy tín nhất thế giới, với các chương trình đào tạo chất lượng cao trong mọi lĩnh vực.
Với tốc độ tăng trưởng kinh tế ấn tượng, khu vực châu Á - Thái Bình Dương cũng có 8 trường lọt vào Top 100 này - tất cả đều là trường của Nhật Bản và Australia - với thứ hạng cao nhất đạt được là Đại học Tokyo - vị trí 20.
Giới chức châu Âu luôn quan tâm phát triển nguồn nhân lực và nhiều nước đang thực hiện các chương trình cái cách giáo dục sâu rộng. Ví dụ, Thụy Điển có chính sách cho phép các trường đại học chủ động và linh hoạt hơn trong việc tăng lương cho những giảng viên có năng lực xuất sắc, chứ không nhất thiết trong mọi trường hợp phải áp dụng thang lương chung do nhà nước quy định.
Chính điều này lý giải tại sao Thụy Điển, với dân số chỉ có 9 triệu người, đã giành được 2 vị trí trong Top 20 trường đại học hàng đầu châu Âu, do Thượng Hải xếp hạng.
Đại học Giao thông Thượng Hải đánh giá xếp hạng các trường đại học và học viện dựa trên số lượng cựu học viên đã giành được giải Nobel trong lĩnh vực khoa học và giải thưởng Fields trong lĩnh vực toán học; dựa trên số lượng các bài viết của học viên được đăng trên các tạp chí khoa học nổi tiếng; và dựa trên hoạt động đào tạo nói chung trong mối tương quan với quy mô của trường.
Dưới đây là danh sách 20 trường đại học/học viện hàng đầu châu Âu, theo khảo sát của Đại học Giao thông Thượng Hải:
Đại học Cambridge
Anh quốc
Thứ hạng trên thế giới: 4
Chẳng có gì phải băn khoăn về chất lượng đào tạo của trường đại học 800 năm tuổi này. Đây là cái nôi sản sinh 81 nhân vật đạt giải Nobel danh giá, nhiều hơn bất cứ trường đại học nào khác trên thế giới. Trong số những cựu sinh viên, nghiên cứu sinh ưu tú làm rạng danh ngôi trường này có Isaac Newton, Charles Darwin, và John Maynard Keynes - những tên tuổi lừng danh không chỉ trong giới nghiên cứu. Tuy nhiên, Đại học Cambridge chưa bao giờ ngủ quên bên vòng nguyệt quế. Họ đang bận rộn với việc đầu tư cho tương lại, ví dụ như dự án xây dựng một trung tâm nghiên cứu ung thư trị giá 84,3 triệu USD.
Đại học Oxford
Anh quốc
Thứ hạng trên thế giới: 10
Là đại học lâu đời nhất trong khối Anh ngữ, trường Oxford được thành lập từ thế kỷ 11, là nơi đã đào tạo nhiều nhân vật nổi tiếng, từ nhà thám hiểm Walter Raleigh đến “ông trùm” truyền thông Rupert Murdoch. Thư viện của Đại học Oxford cũng chính là thư viện lớn thứ hai của Anh, sau Thư viện Anh (British Library), và vườn thực vật của trường cũng là khu vườn đa dạng nhất thế giới.
Imperial College London
Anh quốc
Thứ hạng trên thế giới: 23
Nổi tiếng với những thành tựu mang tính đột phá trong lĩnh vực y học, khoa học, và công nghệ, Imperial College London tuyên bố trả cho sinh viên mới tốt nghiệp lương khởi điểm là 52.390 USD - mức lương cao nhất trong số các trường đại học của Anh. Đội ngũ cán bộ nghiên cứu của trường có cả bác sĩ riêng của Nữ hoàng và Thủ tướng Anh. Năm nay, trường đã tổ chức một lễ tốt nghiệp khá quy mô tại Singapore, phản ánh thực tế là một số lượng lớn sinh viên của trường đến từ các nước châu Á.
University College London - UCL
Anh quốc
Thứ hạng trên thế giới: 25
UCL được thành lập vào năm 1826 để đào tạo các tín đồ Thiên chúa giáo, người Do Thái và những người không được hai trường đại học còn lại của Anh khi đó nhận, là Oxford và Cambridge. UCL gồm hơn 50 trường và học viện, trong đó có Đại học London (University of London), chuyên nghiên cứu lĩnh vực sinh-y khoa và vật lý. Mahatma Gandhi, Alexander Graham Bell và cả 4 thành viên của nhóm Coldplay đã từng theo học tại đây.
Học viện công nghệ liên bang Thụy Sĩ
Zurich, Thụy Sĩ
Thứ hạng trên thế giới: 27
Thiên tài Albert Einstein là một trong tổng số 21 cựu học viên của trường giành giải Nobel. Ngôi trường này đã trải qua 150 năm lịch sử. Gần đây, học viện đã gây tiếng vang trên thế giới trong lĩnh vực robot. Các nhà khoa học của trường đang tập trung nghiên cứu nhằm tạo ra những chú robot có khả năng giúp việc nhà cho người già.
Đại học Paris
Pháp
Thứ hạng trên thế giới: 39
Tên chính thức là Đại học Pierre & Marie Curie, Paris là một trong những trường đại lớn nhất châu Âu về lĩnh vực khoa học và y khoa, với khoảng 40.000 sinh viên và nhà nghiên cứu. 180 phòng thí nghiệm của trường đang nghiên cứu nhiều lĩnh vực, từ vật lý học thiên thể cho đến di truyền học.
Đại học Utrecht
Hà Lan
Thứ hạng trên thế giới: 42
Thành lập từ năm 695, bởi một vị Tổng giám mục, như một trường dòng dành cho các cho linh mục tương lai và các quý tộc trẻ, Utrecht ngày nay là đại học lớn nhất của Hà Lan, với 28.000 sinh viên. Thế mạnh của trường đại học này là các ngành khoa học, y khoa, thú ý, tâm lý học, và dược khoa. Đại học Utrecht có chính sách học bổng đặc biệt nhằm thu hút các tài năng khoa học.
Đại học Copenhagen
Đan Mạch
Thứ hạng trên thế giới: 46
Đây là trường đại học lớn nhất của Đan Mạch, có hơn 37.000 sinh viên và một bề dày lịch sử với nhiều thành công có tính bước ngoặt trong hoạt động nghiên cứu. Vừa trong năm nay, chính các nhà khoa học ở đây đã phát hiện DNA của vi khuẩn đã sống hơn nửa triệu năm - cho đến nay, đây là thực thể sống già nhất được tìm thấy. Phát hiện này có thể giúp các nhà khoa học có những bước tiến xa hơn trong hoạt động nghiên cứu tế bào.
Đại học Manchester
Anh quốc
Thứ hạng trên thế giới: 48
Manchester là một trong những trung tâm hàng đầu châu Âu về hoạt đông nghiên cứu dược-sinh học và các dự án khoa học kỹ thuật khác. Nhà khoa học nổi tiếng Ernest Rutherford bắt đầu nghiên cứu phân chia nguyên tử chính tại nơi đây, khi ông giữ chức trưởng khoa vật lý vào năm 1907.
Đại học Paris-Sud
Pháp
Thứ hạng trên thế giới: 52
Đại học khoa học và công nghệ này gồm có 5 trường nhỏ, nằm rải rác khắp vùng ngoại ô phía nam thủ đô Paris hoa lệ. Đại học Paris-Sud sở hữu trung tâm nghiên cứu dược lớn nhất nước Pháp và 120 phòng thí nghiệm lớn nhỏ khác.
(Còn tiếp)