Xuất phát từ các tính chất đặc thù của tài sản trí tuệ, quyền đối với các đối tượng sở hữu trí tuệ (sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu...) sẽ không có giá trị nếu như chúng không được quản lý và khai thác trên thực tế. Bởi việc quản lý tài sản trí tuệ của một doanh nghiệp không đơn thuần là việc xác lập chính thức các quyền Sở hữu trí tuệ thông qua các cơ quan Sở hữu trí tuệ quốc gia hoặc quốc tế.
Một chiến lược Sở hữu trí tuệ cơ bản thường bao gồm chính sách về xác lập quyền Sở hữu trí tuệ. Mỗi sản phẩm, dịch vụ nhất định có thể được bảo hộ dưới các hình thức quyền sở hữu trí tuệ khác nhau. Chính vì vậy, doanh nghiệp cần phải xem xét để lựa chọn hình thức bảo hộ phù hợp nhất và đảm bảo rằng tất cả những quyền Sở hữu trí tuệ phải được xác lập đầy đủ. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cũng phải cân đối các chi phí và lợi ích của việc yêu cầu xác lập quyền nhất là đối với sáng chế để phù hợp ngân sách và chính sách phát triển thị trường của mình.
Bên cạnh chính sách tổng thể về xác lập quyền thì định hướng khai thác Sở hữu trí tuệ cũng rất quan trọng. Các tài sản Sở hữu trí tuệ có thể được khai thác theo nhiều cách khác nhau. đó có thể là thương mại hóa các sản phẩm và dịch vụ mang đối tượng Sở hữu trí tuệ được bảo hộ; bán các tài sản Sở hữu trí tuệ cho các doanh nghiệp khác; thành lập các liên doanh; sử dụng quyền Sở hữu trí tuệ để tiếp cận công nghệ của Cty khác thông qua các hợp đồng chuyển giao quyền Sở hữu trí tuệ nhằm trao đổi hoặc sử dụng Sở hữu trí tuệ để có được nguồn đầu tư tài chính cho doanh nghiệp. Các doanh nghiệp nên quyết định cho từng trường hợp cụ thể cách thức khai thác tốt nhất.
Chính sách giám sát Sở hữu trí tuệ cũng là một trong những nội dung rất quan trọng trong hoạt động quản lý quyền Sở hữu trí tuệ. Đó là việc thường xuyên tham khảo các cơ sở dữ liệu sáng chế, kiểu dáng công nghiệp và nhãn hiệu nhằm phát hiện những giải pháp kỹ thuật hiện tại và các công nghệ mới, xác định đối tác mới cho việc chuyển giao quyền Sở hữu trí tuệ hoặc nhà cung ứng, các thị trường mới tiềm năng, theo dõi các hoạt động của đối thủ cạnh tranh, xác định những người có khả năng xâm phạm và tránh việc xâm phạm các quyền của đối thủ cạnh tranh. doanh nghiệp cũng cần có một chiến lược rõ ràng về thực thi Sở hữu trí tuệ. đây là vấn đề có ý nghĩa quyết định vì những thiệt hại có thể phải gánh chịu bởi sự xuất hiện xâm phạm quyền trên thị trường và chi phí tốn kém trong một số tranh chấp về Sở hữu trí tuệ. Theo các chuyên gia, doanh nghiệp cần chú ý xem xét 9 vấn đề sau đây:
- Kiểm tra các cơ sở dữ liệu nhãn hiệu để tránh đăng ký, sử dụng nhãn hiệu của người khác đã được đăng ký và sử dụng. Điều này rất quan trọng khi doanh nghiệp triển khai hoạt động tại các thị trường XK nhằm tránh xâm phạm quyền của các chủ thể khác.
- Xác định các đối tượng có khả năng được bảo hộ sáng chế để tiến hành thủ tục nhằm đăng ký bảo hộ đối tượng sớm nhất, tránh để quyền Sở hữu trí tuệ đối với đối tượng rơi vào tay các đối thủ cạnh tranh. Thực hiện các cơ chế bảo mật nhằm đảm bảo rằng các sáng chế có khả năng được bảo hộ không bị bộc lộ hay công bố trước khi nộp đơn yêu cầu cấp văn bằng bảo hộ.
- Đảm bảo rằng các bí mật thương mại được bảo mật một cách chặt chẽ trong doanh nghiệp và chuẩn bị các hợp đồng bảo mật phù hợp khi đàm phán và chia sẻ thông tin với các đối tác kinh doanh để bảo vệ các bí mật thương mại.
- Với các sản phẩm định hướng xuất khẩu, đảm bảo quyền Sở hữu trí tuệ của sản phẩm được bảo hộ ở tất cả các thị trường xuất khẩu.
- Sử dụng danh mục Sở hữu trí tuệ như đòn bẩy trong khi tìm kiếm các nguồn lực đầu tư cho việc kinh doanh của doanh nghiệp (ví dụ đưa các tài sản Sở hữu trí tuệ, đặc biệt là các patent và kiểu dáng công nghiệp vào kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp vì điều đó có thể giúp thuyết phục các nhà đầu tư về thị trường tiềm năng mở ra cho doanh nghiệp).
- Sử dụng các thông tin sáng chế sẵn có trong cơ sở dữ liệu sáng chế để xây dựng chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp.
- Khi tiến hành nghiên cứu chung với các doanh nghiệp khác hay các viện nghiên cứu, cần lưu ý thoả thuận cụ thể về việc ai là người sẽ sở hữu tài sản trí tuệ phát sinh từ dự án nghiên cứu.
- Theo dõi thị trường và đảm bảo rằng các tài sản Sở hữu trí tuệ của doanh nghiệp không bị xâm phạm. Xây dựng cơ chế phối hợp và sử dụng luật sư Sở hữu trí tuệ để giải quyết các tranh chấp phát sinh một cách kịp thời và hiệu quả.
- Nếu doanh nghiệp không chắc làm như thế nào để bảo vệ tốt nhất cho tài sản trí tuệ của Cty mình thì việc kiểm toán Sở hữu trí tuệ có thể là bước đầu tiên có ý nghĩa để xác định tất cả thông tin có giá trị của Cty bạn và để xây dựng một chiến lược Sở hữu trí tuệ. Đôi khi các Cty không nhận ra được các tài sản mà họ có ở dạng thông tin, các ý tưởng sáng tạo và các bí quyết và có thể không đưa ra các bước thích hợp tiếp theo để bảo vệ các tài sản đó.