Job Alerts
Welcome to CareerViet.vn
Create jobs alert to see all recommended jobs, profile views, recruiter's contacted information, updates, and more ...
welcome to careerviet
Viewed: 14,751
Hầu hết những người mới đi làm ít nghĩ tới việc sớm trở thành lãnh đạo trong công ty vì cho rằng mình thiếu kinh nghiệm, kỹ năng... cùng với tâm lý rụt rè, không dám đương đầu với thách thức.
Tuy nhiên, với quan điểm đúng đắn cùng sự quan sát và khát khao học hỏi, bất cứ người trẻ tuổi nào cũng có thể thành công sớm. Dưới đây là một số bí quyết:
Chuẩn bị trước khi bước vào thị trường lao động
Hãy tham gia các hoạt động tình nguyện cho các tổ chức xã hội, phi chính phủ hay câu lạc bộ ở địa phương, trường đại học. Al Coleman, tác giả cuốn sách Bí quyết thành công: Hướng dẫn phát triển sự nghiệp cho thế hệ trẻ, cho rằng đây chính là những cơ hội để bạn thực hành khả năng lãnh đạo nhóm hay một sự kiện đặc biệt.
Còn tiến sĩ Katharine Brooks, giám đốc Trung tâm việc làm thuộc trường đại học Texas, Mỹ và là tác giả cuốn sách Định hướng sự nghiệp từ đống lộn xộn, bổ sung: “Nếu cố gắng mài giũa kỹ năng lãnh đạo khi còn ở trường học, trong giai đoạn thực tập hay làm thêm, bạn sẽ tự tin vào khả năng của mình và kiểm soát các tình huống tốt hơn”.
Nâng cao năng lực chuyên môn
Bên cạnh thực hành và quan sát, bạn cũng có thể đẩy nhanh quá trình trở thành người lãnh đạo bằng cách đọc sách, tham gia các khóa học phát triển năng lực chuyên môn và kỹ năng cần thiết. Hiện nay, có rất nhiều nguồn thông tin và cơ sở với chi phí thấp, thậm chí miễn phí, giúp bạn không ngừng trau dồi kiến thức cần thiết cho bản thân.
Tìm hiểu văn hóa công ty
Hãy lắng nghe, quan sát cách sếp cư xử với nhân viên và tìm hiểu những mong muốn của sếp về bạn. Tiến sĩ Brooks khuyên: “Hãy hỏi sếp trực tiếp xem anh/cô ấy kỳ vọng điều gì ở công việc của bạn. Ngoài ra, bạn cũng nên chú ý tới phong cách làm việc của sếp như tính cách, thói quen làm việc… Sau đó, điều chỉnh cách tương tác với sếp cho phù hợp”.
Ryan Kohnen - tác giả cuốn sách Hướng dẫn người trẻ thành công, bổ sung: "Hãy tìm hiểu cả về đồng nghiệp của bạn, nhiệm vụ, vai trò, mục tiêu, triết lý làm việc của họ để có thể phối hợp hiệu quả nhất".
Luôn học hỏi
Hãy luôn luôn tò mò và háo hức đón nhận thông tin mới, đặc biệt trong những ngày làm việc đầu tiên. Hãy làm việc với 100% khả năng của mình và đề nghị sự giúp đỡ từ sếp/đồng nghiệp nếu cần. Bên cạnh đó, bạn không nên phán xét tình huống quá nhanh hay kết luận vội vã khiến ra quyết định sai lầm.
Phát huy sự sáng tạo
Nhân viên trẻ thường có điểm mạnh về sự nhạy bén, nắm rõ các xu hướng. Và bạn có thể tận dụng lợi thế này trong công việc của mình để gây ấn tượng với cấp trên. Chẳng hạn, bạn có thể gợi ý sử dụng mạng xã hội như một phương tiện họp nhóm cho phòng mình hoặc bất cứ ý tưởng sáng tạo nào mà bạn cho rằng sẽ giúp ích cho công ty.
Thêm nữa, Kohnen gợi ý bạn nên tìm hiểu những khó khăn hiện tại trong phòng mình và thậm chí cả những nguyên tắc làm việc đã thành chuẩn mực bởi đôi khi mọi người đã quá quen với những chuẩn mực mà không để ý rằng chúng đã trở nên lỗi thời. Đây sẽ là cơ hội để bạn phát huy sự sáng tạo, tìm ra giải pháp, ý tưởng cho một cách làm mới.
Trợ giúp tích cực cho sếp/đồng nghiệp
Nếu một nhân viên mới như bạn khởi đầu với quan điểm "Tôi ở đây để giúp đỡ mọi người", quá trình phát triển của bạn sẽ diễn ra nhanh và suôn sẻ hơn. Vì thế, hãy tìm kiếm cơ hội để giúp đỡ người khác, kể cả khi họ không nhờ bạn.
Đồng thời, hãy tình nguyện mở rộng nhiệm vụ của mình, như tham gia một dự án mới bạn chưa từng thực hiện. Nếu nó quá tầm hoặc bạn thiếu kinh nghiệm, hãy mạnh dạn đề nghị người khác giúp đỡ.
Hoàn thành nhiệm vụ chính
Đôi khi một số nhân viên trẻ thường chủ quan, thậm chí coi thường những việc lặt vặt được giao trong thời gian đầu, dẫn tới không hoàn thành nhiệm vụ cơ bản nhất của mình. Như vậy sẽ khiến cấp trên có ấn tượng không tốt về bạn.
Thay vào đó, bạn nên hoàn thành xuất sắc những nhiệm vụ chính của mình, tôn trọng thời hạn chót và cố gắng hoàn thành sớm hơn nếu có thể. Bên cạnh đó, chú ý tới những nguyên tắc và nội quy cả chính thức lẫn “bất thành văn” của văn phòng, đừng là người đi làm muộn nhất cơ quan và ra về đầu tiên.
Giao tiếp và kết nối
Hãy dành thời gian giao lưu với đồng nghiệp và tìm hiểu cuộc sống cá nhân của họ. Đồng thời không ngừng mở rộng các mối liên hệ cả trong và ngoài công ty. Và đừng quên cư xử hài hòa, đúng mực với tất cả mọi người, tạo nền tảng để mạng lưới quan hệ của bạn phát triển vững mạnh.
Không tiếc lời khen
Nếu có người giúp đỡ bạn hoàn thành công việc, đừng tiếc lời cảm ơn và khen ngợi họ trước mặt người khác. Trao lời khen, bạn sẽ nhận lại niềm tin của mọi người.
Thiết lập mối quan hệ với cấp trên và tìm người cố vấn
Cấp trên là người tác động trực tiếp tới con đường thăng tiến của bạn. Vì thế, hãy tích cực xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với anh/cô ấy. Bạn cũng có thể nhờ sếp làm người cố vấn, đưa ra những lời khuyên và bài học cho mình. Hoặc bạn có thể nhờ một người khác có kinh nghiệm và kiến thức sâu rộng trong mạng lưới quan hệ, tư vấn “đường đi nước bước” cho mình.
Source: Theo Tuổi Trẻ
Please sign in to perform this function