Thỏa thuận không làm việc cho đối thủ có hợp pháp?
Mọi công dân đề có quyền lựa chọn nghề nghiệp, việc làm và nơi làm việc. Đây một trong những quyền cơ bản của công dân được ghi nhận tại khoản 1 Điều 35 Hiến pháp 2013. Trên tinh thần đó, khoản 1 Điều 10 Bộ luật Lao động (BLLĐ) 2019 (có hiệu lực 01/01/2021) đã nêu rõ:
Người lao động có quyền tự do chọn việc làm, làm việc cho bất kỳ người sử dụng lao động nào và ở bất kỳ nơi nào mà pháp luật không cấm.
Đồng thời khoản 6 Điều 9 Luật Việc làm 2013 cũng quy định:
Nghiêm cấm hành cản trở, gây khó khăn hoặc làm thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, người sử dụng lao động.
Từ những căn cứ trên, có thể thấy, người lao động có quyền tự do lựa chọn nơi làm việc ở bất cứ đâu trên cơ sở pháp luật không cấm mà không ai được phép cản trở, gây khó khăn.
Tuy nhiên, để bảo vệ quyền lợi cho người sử dụng lao động, khoản 2 Điều 21 BLLĐ năm 2019 đã ghi nhận nội dung sau:
Khi người lao động làm việc có liên quan trực tiếp đến bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ theo quy định của pháp luật thì người sử dụng lao động có quyền thỏa thuận bằng văn bản với người lao động về nội dung, thời hạn bảo vệ bí mật kinh doanh, bảo vệ bí mật công nghệ, quyền lợi và việc bồi thường trong trường hợp vi phạm.
Trên cơ sở quy định này, nhiều doanh nghiệp và người lao động đã tiến hành ký cam kết về việc không làm việc cho đối thủ trong một thời gian nhất định để đảm bảo người lao động không thể tiết lộ bí mật kinh doanh, công nghệ của doanh nghiệp cho đối thủ cạnh tranh.
Mặc dù có vẻ như cam kết này đã xâm phạm quyền tự do lựa chọn nơi làm việc của người lao động. Nhưng nếu người lao động đã tự nguyện ký vào bản cam kết không làm việc cho công ty đối thủ thì đồng nghĩa người lao động đã lựa chọn từ bỏ quyền này.
Vì vậy, trường hợp người lao động và người sử dụng lao động đều tự nguyện xác lập cam kết không làm việc cho công ty đối thủ thì đây được coi là thỏa thuận hợp pháp. Nếu vi phạm cam kết, người lao động phải chịu trách nhiệm bồi thường cho người sử dụng lao động theo mức phạt đã thỏa thuận.
Cam kết không làm việc cho đối thủ cạnh tranh có đúng luật? (Ảnh minh họa)
Cam kết không làm việc cho đối thủ có được thừa nhận trong thực tế?
Hiện nay, vẫn có rất nhiều tranh cãi liên quan đến tính hợp pháp của thỏa thuận này. Tuy nhiên, trên thực tế, có Tòa án đã thừa nhận thỏa thuận này.
Cụ thể, ngày 12/6/2018, Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã ra Quyết định số 755/2018/QĐ-PQTT công nhận hiệu lực của quyết định của Hội đồng trọng tài thuộc Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam, đứng về phía lợi ích của người sử dụng lao động.
Theo quyết định này, Hội đồng thẩm phán đã chấp nhận yêu cầu của người sử dụng lao động, tuyên buộc người lao động cũ phải thanh toán một khoản tiền bồi thường đã được ấn định sẵn trong thỏa thuận do người lao động vi phạm cam kết không được làm việc cho các doanh nghiệp đối thủ trong vòng 12 tháng sau khi nghỉ việc.
Phán quyết của Hội đồng trọng tài có giá trị chung thẩm và cũng được tòa án có thẩm quyền thừa nhận, các bên không có quyền khiếu nại, kháng cáo, kháng nghị.
Quyết định này được coi là một tiền lệ về việc thừa nhận tính hợp pháp của thỏa thuận không làm việc cho đối thủ cạnh tranh. Tuy nhiên đây mới chỉ là phán quyết đơn lẻ, chỉ có giá trị tham khảo khi giải quyết những tranh chấp có tính chất tương tự. Chưa có văn bản pháp luật nào chính thức thừa nhận giá trị pháp lý của thỏa thuận này.
Vì vậy, người lao động cần cân nhắc kỹ lưỡng trước khi quyết định đặt bút ký cam kết không làm việc cho đối thủ cạnh tranh để tránh sau này xảy ra tranh chấp có thể sẽ phải bồi thường.
Trên đây là một số nhận định liên quan đến Cam kết không làm việc cho đối thủ cạnh tranh. Nếu còn vấn đề vướng mắc, bạn đọc vui lòng liên hệ 1900 6192 để được hỗ trợ.