|
Học sinh luôn mong muốn trường học là nơi thân thiện
|
Theo phản ánh của nhiều phụ huynh, trong nhiều trường công lập ở Hà Nội, học sinh nhận được ít sự tôn trọng. Nhiều trường, nhiều giáo viên trong cách xử lý trong từng trường hợp cụ thể lại không đảm bảo quyền lợi đầy đủ cho học sinh.
Bị đuổi khỏi trường vì không mặc đồng phục Đầu năm học 2008 – 2009, một phụ huynh có con học lớp 6 trường THCS Hoàn Kiếm (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) gặp phóng viên Tiền Phong để giãi bày sự bức xúc.
Buổi học chính thức đầu tiên ở trường mới, con anh đến trường rồi trở về ngay sau đó với vẻ mặt hoảng hốt, lo lắng. Tìm hiểu lý do, anh được biết cháu bị các bác
bảo vệ chặn ở cổng trường không cho vào vì không mặc đồng phục.
Tìm gặp hiệu trưởng, vị phụ huynh này giải thích sở dĩ con mình không có đồng phục bởi... nhà trường chưa kịp phát (dù gia đình đã nộp tiền mua đồng phục). Nhưng hiệu trưởng vẫn còn một lý do khác để không chấp nhận con anh được vào học hôm ấy: cháu mặc quần lửng.
Trao đổi với Tiền Phong, vị phụ huynh này bày tỏ: “Trước hết, tôi thấy việc nhà trường giao quyền cho các nhân viên bảo vệ đuổi một học sinh nào đó quay trở về (dù vì bất kỳ một lý do nào) khi các em đã đến trường là điều không chấp nhận được. Nhân viên bảo vệ không được đào tạo để ứng xử trước những tình huống đòi hỏi tính sư phạm này.
Trường hợp con tôi, giả sử cháu không về nhà mà lang thang ngoài đường, những bất trắc, rủi ro xảy ra với cháu thì nhà trường tính sao? Con tôi vì trường ở gần nhà, cháu có thể chạy bộ về nhà được. Nhưng với những cháu nhà ở xa thì sao?”.
Cô giáo không chịu mỉm cười Còn mâu thuẫn giữa một nhóm phụ huynh với cô giáo dạy con mình ở trường THCS Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân) thì vừa mới được đẩy tới “cao trào” gần đây. Hôm 1/12, hiệu trưởng nhà trường nhận được một bức thư ngỏ của một số phụ huynh, trong đó bày tỏ những nỗi niềm mà con em họ phải chịu đựng trong suốt gần 3 tháng qua.
Theo thư ngỏ, cô giáo H. là giáo viên dạy Toán của một lớp 7... có những ứng xử, phương pháp dạy gây ức chế cho HS khiến các em căng thẳng, sợ học.
Một trong những phụ huynh tham gia thảo bức thư ngỏ cho biết, lớp 7... gồm các HS giỏi từ nhiều lớp 6 năm học 2007 - 2008 chuyển lên. Ngay từ những ngày đầu, những em học với cô H. đã cảm giác cô không được thân thiện.
Về sau, các cháu còn cho rằng cô có những biểu hiện thiên vị những học sinh tham gia vào lớp học thêm của riêng cô, trù úm những học sinh không đi học thêm. Những bạn đi học thêm có ý định giơ tay là được cô chỉ định phát biểu, lĩnh điểm 9 điểm 10 ngon ơ. Những bạn không đi học thêm thì giơ mỏi cả tay cô không đoái hoài tới. Bài kiểm tra ở lớp là những bài cô đã dạy cho các bạn ở lớp học thêm.
Với những bạn không đi học thêm, cô cho điểm theo cảm tính, không có biểu điểm, bài làm đúng gần hết (chỉ thiếu một ít lý thuyết) cô cũng chỉ cho điểm 7. Có bạn (năm ngoái là HS giỏi của trường) lên bảng giải đúng hết nhưng không theo phương pháp của cô, cô cho 1 điểm và nhận xét “giải lung tung”.
Cũng bạn này từ đầu năm tới giờ hầu như toàn bị điểm dưới trung bình.v.v... HS của lớp đều là những trò có nền tảng tốt, thích học, ngoan. Nhưng các con cảm thấy các con càng cố gắng thì càng không đáp ứng được yêu cầu của cô. Vào giờ của cô, lúc nào các con cũng thấy lo lắng, hoảng sợ...” - Bức thư viết.
Cô giáo Hồng Thu, Hiệu trưởng trường THCS Nguyễn Trãi chia sẻ: “Cô giáo H. là một giáo viên có chuyên môn chắc chắn, nhưng có những hình thức sư phạm bất ổn. Sau khi nhận được thư ngỏ, tôi đã đưa cho cô đọc và trao đổi với cô. Tôi mong muốn cô đọc để hiểu tâm tư, nguyện vọng của phụ huynh để có sự điều chỉnh kịp thời.
Theo tôi, có thể cô quá nghiêm, vào lớp không hay cười... trong khi trẻ con thì nhạy cảm nên lo nghĩ và hiểu sai vấn đề. Rồi nhà trường cũng sẽ cho thanh tra chuyên môn để xem việc ra đề, cho điểm của cô thế nào.
Giải quyết mâu thuẫn: học trò “ra đi”? Khi xảy ra mâu thuẫn giữa nhà trường – gia đình, học sinh – giáo viên, kết cục thường là học trò chịu thiệt. Hết học kỳ I năm học 2007 – 2008, một phụ huynh trường Tiểu học Quang Trung (Hoàn Kiếm) đã phải xin chuyển trường cho con mình. Sự việc bắt đầu từ khi phụ huynh này phát hiện lưng con mình hằn vết đánh bằng thước của cô giáo.
Sau khi phản ánh với nhà trường, vị phụ huynh cảm nhận khoảng cách giữa gia đình mình với cô giáo ngày càng bị đẩy ra xa. Cảm giác không an tâm, thoải mái khi gửi con mình học trong một môi trường như vậy, vị phụ huynh chủ động cho con chuyển trường.
Mâu thuẫn giữa nhóm phụ huynh lớp 7... với cô giáo dạy Toán trường THCS Nguyễn Trãi nói trên cũng đã kéo dài khá lâu và đến giờ chưa giải quyết xong. Nhóm phụ huynh này đã từng phản ánh tình hình với giáo viên chủ nhiệm. Sau khi giáo viên chủ nhiệm có ý kiến, cô H. đã đe nẹt học sinh và sự căng thẳng giữa cô với học trò ngày càng sâu sắc.
Một phụ huynh nhà ở khu tập thể Phương Mai (không cho biết con mình học ở trường nào) tâm sự: “Tuy các trường đều nêu khẩu hiệu “Học sinh là trung tâm” nhưng thực tế cô giáo mới là trung tâm. Động một chút là cô tự ái, cô dỗi. Ít cô chịu nhìn nhận lại mình để có lời xin lỗi hoặc chủ động tạo không khí hoà bình với học sinh. Do đó quan điểm của tôi là mình cố gắng dạy dỗ con mình chu đáo để các con đỡ làm phiền cô chừng nào hay chừng đó”.