Job Alerts
Welcome to CareerViet.vn
Create jobs alert to see all recommended jobs, profile views, recruiter's contacted information, updates, and more ...
welcome to careerviet
Viewed: 5,148
Luật Việc làm (sửa đổi) có nhiều quy định mới liên quan đến việc đóng bảo hiểm thất nghiệp, hưởng trợ cấp thất nghiệp của người lao động
Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) dự kiến sẽ trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV (tháng 10-2024) và trình thông qua tại kỳ họp thứ 9 (tháng 6-2025).
Trong tờ trình gửi Chính phủ về dự án Luật Việc làm (sửa đổi), Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) cho biết sau gần 10 năm thực thi Luật Việc làm năm 2013, bên cạnh những kết quả tích cực, luật đã bộc lộ những hạn chế, bất cập cần sửa đổi, bổ sung như: Một số quy định, chính sách về bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) chưa thống nhất với Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) 2024.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (Bộ LĐ-TB-XH) nhận định rằng luật hiện hành chưa có quy định cụ thể về chính sách chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong thông tin thị trường lao động và dịch vụ việc làm. Các chính sách về việc làm bền vững cũng gặp nhiều vấn đề không còn phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội hiện nay. Ngoài ra, đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) theo quy định của Luật Việc làm chưa bao phủ hết tất cả các đối tượng có quan hệ lao động. Chính sách BHTN chưa thực sự gắn kết với thị trường lao động, còn tập trung nhiều vào việc giải quyết trợ cấp thất nghiệp (TCTN) mà chưa chú trọng đủ đến các giải pháp phòng ngừa thất nghiệp. Một số quy định về chế độ TCTN và căn cứ đóng BHTN cũng không còn phù hợp với tinh thần của Nghị quyết số 27-NQ/TW. Bên cạnh đó, một số quy định của Luật Việc làm năm 2013 cần được sửa đổi theo khuyến nghị của các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Do đó, việc sửa đổi Luật Việc làm là cần thiết để bảo đảm quyền làm việc và phát triển nguồn nhân lực theo quy định của Hiến pháp năm 2013. Việc này cũng nhằm thể chế hóa quan điểm và đường lối tại Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII về hỗ trợ phát triển thị trường lao động, phát triển nguồn nhân lực và giải quyết việc làm. Các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu sẽ tập trung vào phát triển thị trường lao động, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và tạo việc làm bền vững cho người lao động (NLĐ), đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để mọi NLĐ được tham gia và thụ hưởng các chính sách và chế độ.
Người lao động làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp tại TP HCM Ảnh: HUỲNH NHƯ
Ông Vũ Trọng Bình, Cục trưởng Cục Việc làm - Bộ LĐ-TB-XH, cho biết có 4 nhóm chính sách mà dự án Luật Việc làm lần này tập trung sửa đổi gồm: quản trị thị trường lao động linh hoạt, hiệu quả, hiện đại, bền vững và hội nhập; hoàn thiện chính sách BHTN là công cụ quản trị thị trường lao động; phát triển kỹ năng nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và thúc đẩy tạo việc làm theo hướng bền vững.
Ông Đặng Thuần Phong, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội, nhấn mạnh mục tiêu của dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) là thị trường lao động hoạt động hiệu quả và NLĐ quay lại thị trường nhanh nhất cũng như bảo đảm để gắn bó chặt chẽ với các chính sách an sinh xã hội. "Do đó, mọi rào cản, thủ tục làm cho NLĐ phải rời xa chính sách, khó khăn trong việc tiếp cận hay NLĐ có thể lạm dụng chính sách thì cần phải xem xét, điều chỉnh" - ông Phong nhấn mạnh.
Theo Bộ LĐ-TB-XH, 3 tháng đầu năm 2024, cả nước có 14,244 triệu người tham gia BHTN. Do đó, một trong những điểm mới của dự thảo Luật Việc làm được nhiều người quan tâm là quy định về điều kiện được hưởng TCTN.
Việc rà soát, sửa đổi, bổ sung các điều kiện hưởng TCTN nhằm hạn chế gian lận, trục lợi BHTN; các quy định liên quan về BHTN bảo đảm phù hợp với chủ trương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW về cải cách chính sách tiền lương và Luật BHXH 2024.
Cụ thể, dự thảo luật quy định NLĐ đang đóng BHTN được hưởng TCTN khi chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc chấm dứt làm việc theo quy định của pháp luật trừ các trường hợp sau đây: NLĐ đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật theo quy định của Bộ Luật Lao động; NLĐ đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc không đúng quy định của Luật Viên chức. NLĐ bị sa thải theo pháp luật về lao động hoặc bị xử lý kỷ luật buộc thôi việc theo pháp luật về viên chức. NLĐ hưởng lương hưu; đủ điều kiện hưởng lương hưu nhưng chưa hưởng lương hưu khi chấm dứt hợp đồng.
Theo cơ quan soạn thảo, các trường hợp được hưởng TCTN khác cơ bản vẫn theo quy định của pháp luật hiện hành, song có chỉnh sửa, bổ sung, trong đó điều kiện về thời gian tìm được việc làm kể từ khi nộp hồ sơ hưởng TCTN được đề xuất rút ngắn từ 15 ngày hiện nay xuống còn 10 ngày.
Dự thảo luật cũng sửa đổi quy định về mức hưởng TCTN tối đa đối với NLĐ thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do nhà nước quy định bảo đảm phù hợp với chủ trương bỏ mức lương cơ sở theo Nghị quyết số 27-NQ/TW. Ngoài ra, mở rộng đối tượng tham gia BHTN theo hướng bổ sung đối tượng tham gia như: NLĐ có giao kết hợp đồng lao động xác định thời hạn từ đủ 1 tháng trở lên (hiện nay từ 3 tháng trở lên); người làm việc không trọn thời gian, có tổng mức tiền lương trong tháng bằng hoặc cao hơn tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc thấp nhất, phù hợp Luật BHXH 2024; người làm việc theo hợp đồng làm việc…
Mức hưởng TCTN hằng tháng không có nhiều thay đổi so với quy định hiện hành. Theo đó, mức hưởng bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHTN của 6 tháng đã đóng BHTN gần nhất trước khi thất nghiệp nhưng tối đa không quá 5 lần mức lương tối thiểu tháng theo vùng do Chính phủ công bố tại tháng cuối cùng đóng BHTN. Thời gian hưởng TCTN được tính theo số tháng đóng BHTN, cứ đóng đủ 12 tháng đến đủ 36 tháng thì được hưởng 3 tháng TCTN, sau đó, cứ đóng đủ thêm 12 tháng thì được hưởng thêm 1 tháng TCTN nhưng tối đa không quá 12 tháng.
Điều 24 dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) quy định học sinh, sinh viên đang theo học các chương trình giáo dục chính quy và đủ 15 tuổi thì được làm việc, nhưng không quá 24 giờ/tuần trong thời gian học và phải thực hiện quy định của pháp luật về lao động, phải có trách nhiệm thông báo cho cơ sở giáo dục - đào tạo. Tiền lương được hưởng không được thấp hơn mức lương tối thiểu theo giờ (hiện lương tối thiểu theo giờ vùng I là 22.500 đồng, vùng IV là 16.600 đồng).
Source: Người lao động
Please sign in to perform this function