Job Alerts
Welcome to CareerViet.vn
Create jobs alert to see all recommended jobs, profile views, recruiter's contacted information, updates, and more ...
welcome to careerviet
Viewed: 180
Người lao động gặp khó khăn trong tiếp cận chế độ hưu trí khi tuổi hưu ngày càng tăng còn tuổi nghề lại quá ngắn
Từng có hơn 21 năm làm việc tại Công ty CP Garmex Sài Gòn (quận Gò Vấp, TP HCM), chị Nguyễn Thị Ngọc Hương những tưởng sẽ gắn bó với công việc cho tới lúc nghỉ hưu. Tuy nhiên, cuối năm 2022, công ty gặp khó khăn trầm trọng, buộc phải cắt giảm lao động và chị Hương thuộc diện này. Ban đầu, chị được Công đoàn và công ty giới thiệu sang một đơn vị khác để làm việc nhưng chỉ được vài tháng, chị lại mất việc lần thứ hai trong 1 năm.
Chị Hương hiện đã ngoài 40 tuổi, vẫn còn quá trẻ so với tuổi nghỉ hưu nhưng quá tuổi tuyển dụng của hầu hết doanh nghiệp. Do độc thân nên trước đây chị Hương xác định tham gia BHXH lâu dài để có lương hưu khi về già. Tuy nhiên, mất việc khi còn 15 năm nữa mới tới tuổi nghỉ hưu khiến chị lo lắng. Tháng 8-2023, chị xin được việc làm ở một công ty may tại quận Gò Vấp, TP HCM với mức lương gần 6 triệu đồng/tháng. Dù đã có việc làm nhưng chị Hương vẫn chưa yên tâm bởi ở độ tuổi này chị có thể mất việc bất cứ lúc nào.
Tương tự, anh Nguyễn Tấn Tài (43 tuổi) cũng từng có thời gian dài làm việc tại một công ty ở KCX Tân Thuận (quận 7). Năm 2023, do công ty gặp khó khăn, công việc bấp bênh nên anh đành xin nghỉ việc. Anh Tài đăng ký chạy xe ôm công nghệ, kiếm mỗi tháng khoảng 10 triệu đồng nhưng sức khỏe của anh sa sút hẳn.
Anh Tài bộc bạch: "Tôi đóng BHXH được gần 19 năm, khi nghỉ việc vì khó khăn quá nên từng có ý định sẽ rút BHXH một lần khi đủ điều kiện. Nếu rút BHXH một lần rồi chi tiêu hết khi về già sẽ gặp khó khăn, còn nếu bảo lưu rồi đóng tiếp để sau này có lương hưu thì phải chờ 20 năm nữa".
Công nhân ngành dệt may muốn về hưu ở tuổi 55 Ảnh: HỒNG ĐÀO
Vẫn đang có việc làm ở tuổi 50 nhưng chị Nguyễn Thị Tiếng - công nhân (CN) một công ty may tại quận Tân Phú, TP HCM - lại đang ở thế đi không nỡ, ở không đành. Chị Tiếng đã tham gia BHXH được hơn 23 năm và cũng hướng đến việc được hưởng lương hưu khi hết tuổi lao động. Những năm gần đây, công ty trả lương theo sản phẩm nhưng tính đơn giá rất thấp.
Năm 2023, dù làm việc cật lực, ngày nào cũng tăng ca đến 20-21 giờ, kể cả chủ nhật nhưng thu nhập bình quân của chị chỉ đạt 7-8 triệu đồng/tháng. "Sản lượng của tôi làm ra không kém lao động trẻ nhưng vì đơn giá cứ trồi sụt nên có tháng làm cật lực thu nhập cũng chỉ đạt khoảng 6 triệu đồng/tháng. Đôi lúc bất mãn, muốn nghỉ việc, song sợ nghỉ sẽ không tìm được việc làm mới, không có thu nhập để sống mà chờ đến khi có lương hưu" - chị Tiếng chia sẻ.
Theo Trung tâm Dịch vụ việc làm TP HCM, năm 2023, trong hơn 166.000 người đăng ký hưởng bảo hiểm thất nghiệp, có gần 48.000 người ở độ tuổi trên 40 tuổi, chiếm tỉ lệ 29%. Nếu so sánh qua các năm, tỉ lệ này đang có xu hướng tăng. Cụ thể, năm 2021, có hơn 29.000 lao động ngoài 40 tuổi mất việc, chiếm 26% trên tổng số người muốn nhận trợ cấp thất nghiệp; năm 2022 có tỉ lệ trên 27%, tương đương hơn 40.600 người.
Trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội mới đây, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) thừa nhận thị trường lao động đang diễn ra thực trạng chưa đến tuổi nghỉ hưu nhưng đã chạm mốc tuổi nghề. Theo Bộ LĐ-TB-XH, tình trạng này đang diễn ra ở tất cả các nước, đặc biệt các nước có tốc độ già hóa dân số nhanh sẽ có khoảng cách lớn hơn và không thể đồng nhất giữa tuổi nghề và tuổi nghỉ hưu.
Khi sửa đổi Bộ Luật Lao động, vấn đề điều chỉnh tuổi hưu đã được trao đổi, thảo luận và đánh giá một cách kỹ lưỡng, tổng thể các mặt có liên quan, xem xét đến tính chất, điều kiện lao động của các ngành nghề.
Bộ LĐ-TB-XH cũng chỉ ra rằng thực trạng tuổi hưu chưa đến tuổi nghề đã hết diễn ra phổ biến đối với người lao động (NLĐ) làm các công việc giản đơn, chưa được đào tạo kỹ năng hoặc ngành nghề đòi hỏi kỹ năng thấp như may mặc, giày da, chế biến thủy sản... Trong khi chính sách bảo hiểm thất nghiệp chưa thực sự gắn với thị trường lao động, còn nặng về giải quyết trợ cấp thất nghiệp, chưa chú ý thỏa đáng đến các giải pháp phòng ngừa.
Bên cạnh đó, công tác tổ chức thực hiện chính sách BHXH còn hạn chế, bất cập, chưa có sự liên kết, hỗ trợ chặt chẽ giữa các chính sách BHXH nên người dân chưa thực sự tin tưởng vào hệ thống BHXH.
Để khắc phục tình trạng này, đối với các ngành nghề có tuổi nghề thấp, ngoài chính sách ưu đãi về tuổi nghỉ hưu (nghỉ hưu sớm hơn tối đa 5 tuổi hoặc 10 tuổi tùy từng trường hợp), Bộ LĐ-TB-XH cho rằng người sử dụng lao động cần có chính sách chuyển đổi nghề nghiệp, vị trí việc làm, đào tạo lại… cho phù hợp để tiếp tục sử dụng và phát huy những kinh nghiệm, sức lao động của NLĐ. Bên cạnh đó, Bộ LĐ-TB-XH cũng đã chỉ đạo Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp triển khai các chương trình đào tạo nghề nhằm nâng cao kỹ năng, trình độ tay nghề cho NLĐ.
Source: Người lao động
Please sign in to perform this function