Sau Tết Nguyên đán Kỷ Sửu một tuần, học sinh ở tỉnh Sóc Trăng đã đi học ổn định trở lại. Qua khảo sát thực tế, tỉ lệ học sinh bỏ học sau tết năm nay giảm nhiều so với năm trước cho thấy công tác tuyên truyền, vận động học sinh nghèo, học yếu trở lại lớp ở tỉnh có đông học sinh Khơme nghèo như Sóc Trăng đang dần chuyển biến theo hướng tích cực.
Học sinh các trường tại thị trấn Vĩnh Châu và các xã Vĩnh Châu, Vĩnh Hải, Lạc Hòa, Vĩnh Hiệp… đã trở lại lớp khá đông đủ dù huyện Vĩnh Châu có rất nhiều gia đình khó khăn, đồng bào dân tộc Khơme chủ yếu bám lấy con tôm, củ hành tím và đi biển. Lãnh đạo Trường THCS Lạc Hòa cho biết toàn trường chỉ vắng khoảng 10 học sinh so với cuối học kỳ 1, có thể các em theo cha mẹ đi thăm họ hàng chưa kịp về quê để trở lại lớp.
Tại huyện Mỹ Xuyên, nếu như năm trước Trường THPT Mỹ Xuyên có đến trên 150 học sinh bỏ học sau tết để lên TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai… tìm việc làm thì hiện tại chỉ có 7 học sinh không đến trường. Rút kinh nghiệm năm trước, trước khi cho học sinh nghỉ Tết Nguyên đán, giáo viên chủ nhiệm đã thường xuyên nhắc nhở học sinh chăm học, cố gắng vượt qua mọi khó khăn để thi đua học tốt, đồng thời vận động từng gia đình cố gắng duy trì việc học của con em.
Ở TP Sóc Trăng, Trường THPT Lê Lợi, THPT Hoàng Diệu, THPT chuyên Nguyễn Thị Minh Khai… chỉ có một vài em vắng mặt sau tết. Lý do các em đưa ra là tại TP Sóc Trăng đã có trường dạy nghề nên muốn học nghề để sớm có việc làm kiếm tiền phụ giúp gia đình.
Theo thống kê của Sở Giáo dục - đào tạo tỉnh Sóc Trăng, từ đầu năm học 2008-2009 đến nay cấp tiểu học ở Sóc Trăng giảm 180 học sinh. Ở cấp THCS con số này là 1.210 học sinh, trong đó 764 học sinh bỏ học vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, học yếu và 464 học sinh chuyển trường, nghỉ học không rõ lý do. Đối với khối THPT giảm 963 học sinh so với đầu năm, trong đó 471 học sinh chuyển trường, đi học nghề và có đến 492 học sinh bỏ học do học yếu kém, nghèo khó.
Ông Trần Việt Hùng, giám đốc Sở Giáo dục - đào tạo tỉnh Sóc Trăng, cho rằng công tác vận động học sinh khó khăn, học yếu trở lại lớp đang chuyển biến rất tốt. Điều kiện kinh tế gia đình của người dân được cải thiện, hệ thống giao thông ở một số nơi đã được đầu tư khá hoàn chỉnh đã phần nào ngăn dòng bỏ học đối với học sinh vùng sâu, vùng xa. Một số học sinh không đến lớp chưa hẳn đã bỏ học mà có thể do chuyển trường về tỉnh khác hoặc đi học nghề.
Đối với những trường hợp học sinh bỏ học sau tết, ngành giáo dục tỉnh Sóc Trăng đang đề nghị giáo viên chủ nhiệm khẩn trương tìm hiểu nguyên nhân để từng bước ngăn dòng bỏ học bằng cách kết hợp với Đoàn trường, cơ quan đoàn thể địa phương vận động, hỗ trợ tinh thần và vật chất khi các em thật sự khó khăn để các em sớm trở lại với mái trường thân yêu.