Trong vài năm trở lại đây, rất nhiều tập đoàn giáo dục Singapore đã có mặt tại Việt Nam và rất thành công trong việc tuyển sinh. Tại sao cũng chỉ là một nước châu Á, với mức chi phí không rẻ, nhưng Singapore lại được các du học sinh quan tâm hơn các nền giáo dục phát triển phương Tây?
Để trả lời cho câu hỏi này, PV báo Khuyến học & Dân trí đã có buổi trò chuyện với bà Mai Lệ Quyên - Giám đốc Học viện Quản lý Phát triển Singapore - một trong những cơ sở tuyển sinh lớn nhất tại Việt Nam.
Xin bà cho biết lý do vài năm gần đây, Singapore quan tâm nhiều đến tuyển sinh tại Việt Nam?
Hiện nay, không riêng Singapore mà rất nhiều nước khác cũng quan tâm đến Việt Nam trong vấn đề đào tạo giáo dục bởi nhận thấy tiềm năng rất lớn của Việt Nam. Được biết, năm 2006, VN có hơn một triệu học sinh thi đại học, trong khi các trường đại học trong nước chỉ nhận 235.000. Có thể thấy, số dư có nhu cầu học đại học rất lớn, đó chính là thị trường tốt đối với những nước xuất khẩu giáo dục.
Theo ước tính của Lãnh sự quán Singapore, năm 2005 có khoảng hơn 1.000 sinh viên Việt Nam sang du học và dự tính sẽ cao hơn trong năm 2006.
Singapore thường chọn hình thức đào tạo chuyển tiếp, phải chăng chính họ chưa đủ tự tin với nền giáo dục của mình?
Ở giai đoạn đầu, một địa chỉ đào tạo Quốc tế cần có sự thu hút hoặc điểm nhấn, Singapore biết tận dụng ưu điểm của những nền giáo dục đã được công nhận trên thế giới, cách này đã đem đến thành công.
Khối trường tư thục tại Singapore chưa được phép cấp bằng đại học và sau đại học, bởi vậy họ chọn hình thức liên kết với các trường được công nhận tại các nước có nền giáo dục được công nhận như: Anh, Úc, Mỹ, Pháp... Như vậy, các học viên châu Á sẽ có lợi vì tiết kiệm được một khoản học phí bởi các chưng trình đào tạo thường rút ngắn thời gian trong khi vẫn được nhận bằng do các nước thứ ba cấp. Bên cạnh đó các trường đào tạo tại Singapore cũng thu được lợi nhuận.
Chính phủ Singapore có chính sách gì đối đối với sinh viên quốc tế ?
Chủ trương của Singapore là biến đất nước này thành môi trường đào tạo quốc tế nên yêu cầu tất cả các trường phải mua bảo hiểm cho sinh viên nước ngoài. Những trường muốn tuyển sinh viên quốc tế phải có bằng chứng nhận chất lượng đào tạo của Singapore (SQC) chứng nhận chất lượng giáo dục.
Học sinh du học thường chọn ngành nghề đào tạo nào?
Họ thường chọn học Quản trị Kinh doanh. Với những kiến thức được đào tạo, sinh viên có thể làm việc tại nhiều vị trí. Hiện nay, nhiều sinh viên bắt đầu quan tâm đến chuyên ngành truyền thông đại chúng hoặc công nghệ y sinh học.
Sinh viên Việt Nam được đánh giá như thế nào và lứa tuổi nào thích hợp để đi du học?
Hiện nay khả năng hòa nhập của sinh viên Việt Nam với môi trường quốc tế đã tốt hơn nhiều, họ biết tìm hiểu thông tin qua sách, báo, Internet. Về mặt trình độ và khả năng thì họ không hề thua kém sinh viên nước ngoài nhưng sinh viên Việt Nam thường thiếu kinh nghiệm thực tế. Học sinh tốt nghiệp lớp 12 là lứa tuổi thích hợp nhất để đi du học.
Tại Singapore sinh viên nước ngoài không được đi làm thêm, có cách gì để giải quyết vấn đề này?
Chúng tôi đang cố làm việc với Chính phủ Singapore để cho phép một số đối tượng học sinh đặc biệt được đi làm trong một số giờ nhất định, tuy nhiên chưa được thực hiện. Nhưng quan trọng nhất là thời gian học ngắn hơn so với các nước đào tạo khác. Ở châu Âu học sinh có các kỳ nghỉ đông - hè dài nên sinh viên có thời gian đi làm. Các kỳ nghỉ ở Singapore thì rất ngắn, chỉ 1-2 tuần. Hơn nữa, do chương trình đã rút ngắn nên cường độ học sẽ cao hơn. Ví dụ, học tiếng Anh một ngày mất 6 tiếng, tối lại phải học bài nên sẽ không có thời gian đi làm thêm.
Học sinh cần chuẩn gì khi muốn du học Singapore?
Thủ tục cần chuẩn bị khá đơn giản. Chỉ cần xin visa sinh viên và sẽ được Chính phủ cấp nhanh chóng. Nếu chưa đạt đủ trình độ ngoại ngữ sinh viên cần học một lớp đào tạo tiếng tại Singapore khoảng 6-10 tháng.
Cần chuẩn bị mỗi năm 10.000-12.000USD bao gồm tiền học phí và sinh hoạt và không cần chứng minh tài chính. Lưu ý, tại Singapore, học sinh, sinh viên nước ngoài không được đi làm thêm, bởi vậy, gia đình cần chuẩn bị đủ nguồn tài chính trong suốt quá trình học tập.
Xin cảm ơn bà!