Job Alerts
Welcome to CareerViet.vn
Create jobs alert to see all recommended jobs, profile views, recruiter's contacted information, updates, and more ...
welcome to careerviet
Viewed: 26,768
Xu hướng của phần lớn người lao động (NLĐ) dựa trên thu nhập hàng tháng để quyết định chọn nơi làm việc. Những lĩnh vực: tài chính, ngân hàng, kiểm toán, công nghệ thông tin có mặt bằng lương cao chính là những ngành thu hút được sự quan tâm của NLĐ.
Lương cao hơn thì làm
Một sinh viên tốt nghiệp loại khá ra trường bắt đầu sự nghiệp trong cơ quan nhà nước với mức lương dưới 1,4 triệu đồng/tháng.
Nếu sinh viên nào vay vốn để học đại học, sau khi ra trường tiền gốc và tiền lãi khoảng 39,6 triệu đồng. Như vậy, tiền lương nhận được dùng để trả nợ phải mất trên 20 năm mới xong. Với trình độ tương tự các bạn trẻ có thể kiếm được công việc ở những cơ quan, doanh nghiệp tư nhân với mức thu nhập khởi điểm gấp 3 lần cùng với lộ trình tăng lương và mức tăng hấp dẫn.
Không phủ nhận thu nhập là yếu tố hàng đầu để lựa chọn việc làm, bên cạnh đó cần nói đến "sự ổn định". Hiện nay, NLĐ coi "sự ổn định" nghĩa là công việc phát triển bền vững cả về thu nhập và môi trường làm việc chứ không phải nhịp độ làm việc đều đều, ngày làm việc đủ 8 tiếng, cuối tháng nhận lương.
Khanh, đang là sinh viên năm cuối Đại học Thương mại đang chuẩn bị cho ngày rời ghế nhà trường. Chàng trai quê Bắc Ninh tâm sự: "Để trụ lại thành phố, thời gian đầu tôi cố tìm công việc lương trên 2 triệu/tháng. Làm việc trong hay ngoài nhà nước không quan trọng, tôi sẽ chọn nơi nào đảm bảo được cuộc sống".
Hồng Điệp tốt nghiệp Đại Học Bách khoa được 3 năm, cô là điển hình cho mẫu thanh niên năng động thích nhảy việc. Với vốn tiếng Anh được trau dồi kỹ lưỡng, cô tự tin chỉ nộp hồ sơ vào các công ty nước ngoài với phương châm "nơi nào trả lương cao hơn thì làm". Công ty Denso của Nhật là bước khởi đầu và hiện nay, sau vài bước nhảy cô đang làm việc cho chi nhánh một ngân hàng nước ngoài tại Hà Nội.
Một xu hướng đáng mừng là không ít bạn trẻ đã chủ động dấn thân vào con đường kinh doanh ngay sau khi ra trường với ước mơ làm ông chủ, bà chủ trong tương lai không xa.
Vẫn tồn tại dòng chảy ngược
Trước tình trạng hàng loạt viên chức nhà nước rũ áo ra đi vì nhiều nguyên nhân, vẫn có những bạn trẻ từ bỏ chỗ làm lương tính bằng USD để ngồi vào chiếc ghế công chức với đồng lương còm.
Nguyễn Tú Uyên từng làm việc tại Ngân hàng Chinfon của Đài Loan nhưng rồi cô quyết định trở lại ngôi trường đã đào tạo mình để làm một giảng viên với mức lương chưa bằng một nửa trước đây. Cô cho biết: "Tôi chấp nhận mức lương thấp vì lòng yêu nghề và cơ hội tiếp tục học tập cao hơn nữa".
Tú Uyên cho biết so với vị trí thanh toán quốc tế cô từng làm tại Ngân hàng, công việc mới đòi hỏi cô phải luôn sáng tạo nhằm tạo ra cách truyền đạt kiến thức mới đến sinh viên. Cô tâm sự: "Mỗi lần đứng trước các bạn sinh viên ham học hỏi, tôi lại nghiệm ra nhiều điều mới bổ sung vào phương pháp giảng dạy của mình".
Tương tự như Uyên, cựu sinh viên Đại học Ngoại thương, Công Thành cũng chọn công việc tại trường đại học sau khi rời vị trí kinh doanh ở một công ty vận tải nước ngoài. Với vai trò quản lý dự án tại trường, anh có nhiều cơ hội làm việc với đối tác nước ngoài, tham dự các hội thảo lớn và tiếp xúc với nhiều học giả nổi tiếng.
Thực tế dòng chảy ngược từ nơi "ví dày" về nơi có thu nhập "phải xoay tứ bề để trả tiền nhà, xăng xe và ăn uống kham khổ" còn nhỏ giọt. Xu hướng này tồn tại ở những NLĐ sẵn sàng hy sinh vì đam mê và hướng đến những cơ hội khác ngoài lợi ích vật chất trước mắt.
Source: Theo LĐ
Please sign in to perform this function