'Nhân viên không bỏ việc, nhân viên bỏ ông chủ', đúng hay sai?

29/08/2023 09:54 GMT+7

"Nhân viên không bỏ việc, nhân viên bỏ ông chủ" - một câu nghe khá quen tai. Nhưng lý do đó đã đủ chưa? Đằng sau quyết định của một người có thể còn nhiều điều hơn thế.

Bạn có cho phép những nhân viên tài năng được làm việc theo cách khác biệt? - Ảnh: Pexels

Bạn có cho phép những nhân viên tài năng được làm việc theo cách khác biệt? - Ảnh: Pexels

Một lý do khá phổ biến là nhân viên không hài lòng với cấp trên. Một số khác thì rời đi vì chính công việc: công việc không thú vị, không tận dụng được thế mạnh và họ không có cơ hội phát triển sự nghiệp. Nếu bạn muốn giữ chân nhân sự, đặc biệt là các nhân tài, bạn cần chú ý hơn đến môi trường công việc mà công ty tạo ra cho họ. 

Quan điểm chung tại Việt Nam là "Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài", và các nhà quản lý hy vọng nhân sự tự hiểu điều đó. Nhưng những nơi làm việc hấp dẫn nhất lại làm điều này: thu hút những nhân tài, và sáng tạo môi trường làm việc hấp dẫn cho họ. 

Tức là mang đến trải nghiệm hài lòng nhất: cho phép họ làm công việc mà họ yêu thích, giúp họ phát huy hết thế mạnh của mình và vạch ra con đường phát triển sự nghiệp phù hợp với mỗi cá nhân.

Tạo "công việc để tận hưởng"

Mỗi người đều có một đam mê riêng mà có thể vì lý do nào đó đã không thể theo đuổi đến cùng. Họ đến công ty nhưng vẫn mang theo những ấp ủ. Bạn có thể tưởng tượng một giáo viên ước mơ làm nhạc sĩ nên thường mang theo cây đàn ghita đến lớp, một giáo viên khác ước mơ làm đạo diễn phim, nên thường chiếu những đoạn phim làm dẫn chứng cho môn văn. Và họ thường làm tốt công việc của mình bằng niềm cảm hứng sẵn có đó.

Là nhà quản lý, bạn hoàn toàn có thể thiết kế các công việc có ý nghĩa và động lực cho các nhân sự. Mọi người có thể làm tốt nhất khi tận dụng được niềm yêu thích của mình, kể cả khi đó không phải là thế mạnh tốt nhất (mà người khác đánh giá). 

Nếu bạn chưa biết nhân tài đang có trong tay đam mê điều gì, hãy xem lại CV của họ, hoặc nhớ lại cuộc phỏng vấn tuyển dụng. Có lẽ họ đã nói điều gì đó về lý do rời đi khỏi công ty cũ? Có lẽ điều gì đó về các dự án yêu thích của họ, những khoảnh khắc mà họ cảm thấy tràn đầy năng lượng nhất và lý do tại sao? 

Hoặc họ thổ lộ đam mê của họ về thể thao, văn hóa nghệ thuật, hoặc nghệ thuật sống? Dựa theo những điều đó, bạn có thể đặt họ vào các vị trí hấp dẫn và giữ chân họ ngay từ đầu.

Bạn không thể có một tập thể thống nhất, vững vàng nếu mọi người không hạnh phúc - Ảnh: Pexels

Bạn không thể có một tập thể thống nhất, vững vàng nếu mọi người không hạnh phúc - Ảnh: Pexels

Tận dụng những điểm mạnh ẩn tàng

Những người tài năng thường có niềm đam mê khám phá, vì thế họ cũng thường là những người đa tài. Hãy tưởng tượng một biên tập viên đồng thời cũng là 1 MC, một chuyên gia tổ chức sự kiện cũng là người chơi trống cajon trong ban nhạc… Đáng tiếc là các công việc chuyên môn hóa khiến các công việc khó tận dụng hết kỹ năng của nhân viên.

Các nhà quản lý thông minh tạo cơ hội cho mọi người sử dụng thế mạnh của họ. Giả sử bạn có 1 coder xuất sắc, nhưng anh ta còn có cả thẩm mỹ tốt, cũng như hứng thú tạo ra trải nghiệm người dùng tốt, thì đừng bó hẹp anh ta trong những nhiệm vụ chỉ để đáp ứng công năng của sản phẩm.

Không chỉ thế, hãy coi việc tìm kiếm và chia sẻ kiến thức cũng là 1 thành tích cần được ghi nhận trong công việc. Vì trên thực tế, việc tìm kiếm thông tin hữu ích có thể chiếm đến ¼ thời gian làm việc của một nhân viên công sở. 

Với bản tính ưa khám phá và có mục tiêu cao về hàm lượng tri thức trong công việc, nếu họ có thể tìm ra và chia sẻ những kết quả khảo sát, những cách làm hiện đại và cập nhật nhất cho đồng nghiệp, thì công ty cũng vừa được lợi, vừa tiết kiệm được một phần chi phí đào tạo. 

Các nhân sự này nếu được tạo điều kiện và khuyến khích cũng có thể dần trở thành các chuyên gia và hỗ trợ mọi người trong lĩnh vực thế mạnh của họ. Mọi người cũng có thể bị lôi kéo vào tinh thần học tập đó để phát triển năng lực bản thân. Và đó là cách để thúc đẩy doanh nghiệp tiến lên.

Đừng ép họ vào khuôn khổ

Với những tài năng ưa sáng tạo và thông minh thường khó chịu với phong cách quản lý vi mô, hoặc môi trường làm việc quá khuôn phép. Phải chạy đua với thời gian để kịp chấm công, hoặc phải có mặt liên tục tại chỗ, thay vì đi gặp gỡ các đồng nghiệp, đi tìm cảm hứng ở quán cà phê là một nỗi khổ với nhiều người. 

Vì thế, để khiến họ cảm thấy được phát triển trong một môi trường phù hợp, thì việc kiểm soát bằng hiệu quả công việc sẽ mang lại động lực tích cực hơn lịch trình chính xác. Điều đó có nghĩa là họ được tự do làm theo cách thức và thời gian mong muốn, miễn sao không vi phạm các nguyên tắc an ninh thông tin, tính công bằng cũng như thời hạn được giao.

Cách đối xử này cũng mang lại hiệu quả trong những tình huống đặc biệt như thời điểm giãn cách xã hội, hay nhân viên trở lại sau kỳ nghỉ sinh. Sự hỗ trợ, tạo điều kiện của tổ chức có thể mang lại cho những nhân viên nòng cốt sự tự tin để phát huy tối đa năng lực cũng như đảm bảo giữ được cân bằng cho cuộc sống mà họ mong muốn. 

Những nơi được bình chọn là nơi làm việc tốt nhất luôn có đặc điểm: phúc lợi cao hơn, đi kèm thời gian làm việc của nhân sự kéo dài hơn, và sự tự hào về thương hiệu lớn hơn.

Khi nhân sự của bạn tràn đầy năng lượng cho các dự án của họ, thực hiện tốt nhất và tiến lên chuyên nghiệp thì việc của bạn đôi khi chỉ là tạo điều kiện cho họ trở nên tốt hơn nữa, và bảo vệ họ khỏi những tác động tiêu cực. 

Và khi nhân viên có những vị sếp quan tâm đến hạnh phúc và thành công, sự nghiệp và cuộc sống của họ, họ sẽ ngại nghĩ đến việc có một công việc tốt hơn ở đâu khác.

Feedback