Từ ngày 14/1/2024, CareerBuilder.vn chính thức đổi tên thành CareerViet.vn. Chi tiết xem tại đây.

Công thức tạo "chuyên gia"

Lượt xem: 5,445

Không phải doanh nghiệp nào cũng có thể mời các chuyên gia hàng đầu về làm việc lâu dài. Thay vì thế, hoàn toàn có thể tạo ra các chuyên gia từ chính đội ngũ nhân sự đang có.

Chúng ta nghĩ rằng ai đó là thiên tài bởi họ có tố chất khác biệt. Nhưng khoa học chứng minh rằng tài năng trong lĩnh vực nào đó là kết quả của nhiều năm thực hành và được huấn luyện tận tâm. 3 cô con gái thuộc top 10 kỳ thủ nữ hàng đầu thế giới của vợ chồng László và Klara Polgár là một ví dụ.


Tạo điều kiện để nhân viên trở thành chuyên gia, tự tin trong công việc

Nghiên cứu của giáo sư Benjamin Bloom tại Đại học Chicago cũng chỉ ra rằng không có mối quan hệ giữa chỉ số IQ và thành tích của những nhân tài trong các lĩnh vực như cờ vua, âm nhạc, thể thao... Nếu các lĩnh vực thiên về năng khiếu còn như vậy, thì không có lý gì mà các doanh nghiệp tự giới hạn trong việc đào tạo nhân sự kinh doanh, kỹ thuật, công nghệ… sẵn có của mình trở thành chuyên gia.

1. Tìm cố vấn và chuyên gia hướng dẫn
Sự thành công trong công việc phụ thuộc vào chất lượng của từng nhiệm vụ. Và trong mọi trường hợp, điều đó đòi hỏi sự giám sát bởi người quản lý hoặc sự hỗ trợ của chuyên gia trong nghề. Các chuyên gia có thể đưa ra những nhận xét mang tính xây dựng, thậm chí là thẳng thắn một cách khó chịu nhưng có căn cứ dựa trên kinh nghiệm của họ.

Nếu trong công ty không có những nhân sự gạo cội có thể đào tạo và tư vấn cho mọi người, thì bạn hãy bỏ ra một khoản chi phí để mời những chuyên gia trong ngành về tổ chức các khóa đào tạo ngắn hạn (nhưng liên tục). Nếu nhân viên của bạn sẵn sàng tiếp nhận những điều đó, thậm chí tự tìm ra những cố vấn có thể giúp họ tiến bộ hơn, chắc chắn họ sẽ có khả năng phát triển thành chuyên gia.

2. Thực hành có chủ đích
Làm lâu một công việc nào đó không biến nhân viên của bạn trở thành chuyên gia. Là lãnh đạo, bạn cần tìm ra những lỗ hổng kiến thức gây ảnh hưởng đến hiệu suất công việc và đầu tư đào tạo. Sau đó, công ty cần có mô hình, dự án cho phép nhân viên được thực hành, tập dượt kiến thức mới học được. Và chỉ có cách đặt họ vào những vị trí thách thức giúp họ trở thành một chuyên gia thực sự.

Ngay cả khả năng thuyết trình trước đám đông cũng vậy. Không phải ai cũng có khả năng đứng trước đông đảo đồng nghiệp và thuyết phục mọi người đi theo một quan điểm nào đó. Điều đó đòi hỏi sức hút và sự tự tin. Tuy nhiên, nếu công ty thuê chuyên gia diễn thuyết hướng dẫn, bắt buộc họ thực hành 10-20 lần, những nhân viên này sẽ dần quen thuộc với kỹ năng hùng biện.


Mở các lớp đào tạo nội bộ để nhân viên học hỏi từ nhau

3. Phát triển bộ kỹ năng
Cải thiện kỹ năng chưa đủ, lãnh đạo cần có nhu cầu phá vỡ vùng an toàn của nhân viên trong công việc. Điều đó nghĩa là tạo điều kiện, cho phép nhân viên học hỏi bộ kỹ năng mới. Đôi khi, lãnh đạo phải nhìn ra trước năng lực của nhân viên và “dọn đường” cho họ phát triển các năng lực đó tại những lĩnh vực, môi trường không quen thuộc với họ.

Cũng giống như khi bạn chơi một môn thể thao. Giai đoạn đầu, bạn cố gắng tìm hiểu các kỹ thuật và tập trung vào việc tránh những sai sót cơ bản. Sau hàng chục giờ chơi, bạn sẽ phát triển khả năng tự kiểm soát tốt hơn và kết quả của bạn được cải thiện. Và càng rèn luyện nâng cao kỹ thuật, các động tác của bạn càng trở thành phản xạ uyển chuyển thay vì tính toán quá nhiều. Thực hành những điều mới sẽ tạo ra bộ kỹ năng mới.

4. Dành thời gian cho luyện tập
Ai cũng cần có thời gian để trở thành một chuyên gia. Ngay cả nghệ sĩ biểu diễn năng khiếu cũng cần tối thiểu hàng chục năm đào tạo căng thẳng trước khi có thể chiến thắng trong các cuộc thi quốc tế.

Nhưng đừng vội chùn chân. Nhân viên của bạn sẽ không mất đến hàng chục năm nếu họ được đầu tư đào tạo từ sớm. Bởi công nghệ đã giúp con người rút ngắn thời gian học tập. Thay vì tự mày mò, nhân viên của bạn có thể đăng ký các khóa học trực tuyến với chi phí do công ty chi trả. Nhưng điều đó có nghĩa họ phải hy sinh thời gian riêng tư, và không thể đáp ứng việc làm thêm giờ nếu công ty đòi hỏi. Thậm chí, công ty cần cho phép họ đi học có lương. Nếu không có sự đầu tư đó, cũng như tạo điều kiện để họ ứng dụng dần dần vào công việc, thì sẽ không có thành tích.

Bạn cũng đừng kỳ vọng rằng nhân viên học được điều gì đó rồi thì sẽ lập tức ứng dụng được, hoặc họ sẽ thực hành một quy trình (được cho là) hoàn hảo vào công việc như một cái máy. Trên thực tế, tất cả các chuyên gia trong lĩnh vực khác nhau đều phải dành thời gian suy ngẫm trước khi hành động. Sau đó là quá trình thử và sai, thử và sai. Giống như những người chơi cờ vua hình dung trong đầu tất cả các khả năng cho nước đi tiếp theo rồi mới di chuyển quân cờ. Các chuyên gia cũng vậy, và nếu kết quả không diễn ra như mong đợi, họ sẽ quay trở lại những phân tích trước đó để rà soát xem mình đã sai ở đâu và làm thế nào để tránh các lỗi tương tự trong tương lai. 

Tạm kết
Được tạo điều kiện để phát triển là một trong những lý do khiến nhân viên cảm thấy được tự do, và gắn bó với doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp nhận thức rõ “kiến thức làm nên sức mạnh”, và đã phát triển các chương trình đào tạo bắt buộc như một trách nhiệm trong công việc của nhân viên. Mặt khác, họ kiến thiết các dự án mới, bổ nhiệm nhân sự tới các bộ phận mới phù hợp để hạt giống kiến thức - kỹ năng mới có đất để phát triển. Đó là mối lợi mà cả 2 bên đều cần: nhân viên cảm thấy mình được tin tưởng và có tương lai, còn doanh nghiệp có những nhân sự ngày càng chắc tay cùng kết quả công việc tốt.

Ảnh: Pexels

Nguồn : CareerViet

Bài viết cùng chuyên mục "Nghệ thuật quản lý"

Xem thêm

Nhận ngay những tin tức mới nhất về dịch vụ và cẩm nang tuyển dụng từ CareerViet.vn

Nhận ngay những tin tức mới nhất về dịch vụ và cẩm nang tuyển dụng từ CareerViet.vn

Feedback