Job Alerts
Welcome to CareerViet.vn
Create jobs alert to see all recommended jobs, profile views, recruiter's contacted information, updates, and more ...
welcome to careerviet
Viewed: 5,218
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 145/2020 hướng dẫn Bộ Luật Lao động (BLLĐ) 2019. Theo đó, chế độ nghỉ phép năm từ 2021 sẽ có một số thay đổi.
Bên cạnh lương, chế độ nghỉ phép năm cũng là một trong những vấn đề mà người lao động đặc biệt quan tâm
1. Thay đổi về thời gian làm việc tính hưởng phép năm
So với Điều 6 Nghị 43/2015/NĐ-CP, thời gian được coi là thời gian làm việc của người lao động để tính số ngày nghỉ hằng năm tại Nghị định 145 đã có sự điều chỉnh. Cụ thể, Điều 65 Nghị định này đã liệt kê cụ thể 10 khoảng thời gian được tính là thời gian làm việc để hưởng phép năm như sau:
- Thời gian học nghề, tập nghề nếu sau khi hết thời gian học nghề, tập nghề mà người lao động làm việc cho người sử dụng lao động;
- Thời gian thử việc nếu người lao động tiếp tục làm việc cho người sử dụng lao động sau khi hết thời gian thử việc;
- Thời gian nghỉ việc riêng có hưởng lương;
- Thời gian nghỉ việc không hưởng lương nếu được người sử dụng lao động đồng ý nhưng cộng dồn không quá 1 tháng/năm;
- Thời gian nghỉ do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp nhưng cộng dồn không quá 6 tháng;
- Thời gian nghỉ do ốm đau nhưng cộng dồn không quá 2 tháng/năm;
- Thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản;
- Thời gian thực hiện các nhiệm vụ của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở mà được tính là thời gian làm việc (trước đó quy định là thời gian nghỉ để hoạt động công đoàn);
- Thời gian phải ngừng việc, nghỉ việc không do lỗi của người lao động;
- Thời gian nghỉ vì bị tạm đình chỉ công việc nhưng sau đó được kết luận là không vi phạm hoặc không bị xử lý kỷ luật lao động (trước đó quy định là thời gian nghỉ vì bị tạm đình chỉ công việc);
Đồng thời, quy định mới đã bỏ nội dung về thời gian bị tạm giữ, tạm giam nhưng được trở lại làm việc do được cơ quan nhà nước có thẩm quyền kết luận không phạm tội. Theo đó, thời gian bị tạm giữ, tạm giam từ năm 2021 sẽ không được tính là thời gian làm việc để tính hưởng phép năm.
Sự thay đổi này sẽ phần nào ảnh hưởng đến số ngày nghỉ cũng như thời gian tính thâm niên để hưởng phép năm của người lao động. Vì vậy, người lao động cần lưu ý để đảm bảo quyền lợi chính đáng của mình.
2. Ngày nghỉ phép năm trong các trường hợp đặc biệt
Cách tính số ngày nghỉ phép năm của người lao động chưa làm đủ 12 tháng và người lao động làm việc tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc khu vực nhà nước và doanh nghiệp nhà nước đã được quy định chi tiết và cụ thể hơn tại Điều 66 Nghị định 145/2020.
Số ngày nghỉ hằng năm của người lao động nhiều hay ít tùy thuộc vào điều kiện làm việc theo quy định
Theo đó, số ngày nghỉ hằng năm của người lao động làm việc chưa đủ 12 tháng được tính như sau: Số ngày nghỉ = (số ngày nghỉ hằng năm : 12) x số tháng làm việc thực tế
Trong đó, số ngày nghỉ hằng năm của người lao động nhiều hay ít tùy thuộc vào điều kiện làm việc theo quy định tại khoản 1, Điều 113 BLLĐ 2019, cụ thể: 12 ngày làm việc: Công việc trong điều kiện bình thường; 14 ngày làm việc: Lao động chưa thành niên, là người khuyết tật, làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; 16 ngày làm việc: Người làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.
Trường hợp làm việc chưa đủ tháng: Nếu tổng số ngày làm việc và ngày nghỉ có hưởng lương của người lao động chiếm tỉ lệ từ 50% số ngày làm việc bình thường trong tháng thì được tính là 1 tháng làm việc.
Với người lao động làm việc tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc khu vực nhà nước và doanh nghiệp nhà nước, toàn bộ thời gian làm việc được tính ngày nghỉ hằng năm tăng thêm nếu người lao động tiếp tục làm việc tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc khu vực nhà nước và doanh nghiệp nhà nước.
3. Cách tính lương cho những ngày chưa nghỉ phép
Theo quy định tại khoản 3, Điều 113 BLLĐ 2019, người lao động chỉ được thanh toán tiền lương cho những ngày nghỉ hằng năm mà chưa nghỉ trong trường hợp do thôi việc, bị mất việc làm. Đồng thời, tại Điều 67 Nghị định 145/2020/NĐ-CP, căn cứ trả lương trong trường hợp này cũng có sự thay đổi.
Thay vì trả lương theo mức bình quân tiền lương theo hợp đồng lao động của 6 tháng trước liền kề trước khi thôi việc, bị mất việc làm (với người lao động đã làm việc từ đủ 6 tháng) hoặc bình quân theo hợp đồng lao động của toàn bộ thời gian làm việc (nếu làm việc chưa đủ 6 tháng).
Từ năm 2021, tiền lương làm căn cứ trả những ngày chưa nghỉ hằng năm hoặc chưa nghỉ hết số ngày nghỉ hằng năm là tiền lương theo hợp đồng lao động của tháng trước liền kề tháng người lao động thôi việc, bị mất việc làm.
Source: Theo Báo Người Lao Động
Please sign in to perform this function