Job Alerts
Welcome to CareerViet.vn
Create jobs alert to see all recommended jobs, profile views, recruiter's contacted information, updates, and more ...
welcome to careerviet
Viewed: 24,555
Một nghiên cứu mới của Úc cho thấy công việc căng thẳng gây ra trầm cảm cho 1/5 phụ nữ và 1/8 đàn ông. Số nhân viên công sở Mỹ cho rằng căng thẳng công việc là vấn đề lớn trong cuộc sống cũng tăng gấp đôi. Vậy trước khi kiệt quệ, thông báo nghỉ việc vì quá tải, chúng ta nên có phương án ngay.
Không dài dòng, CareerViet xin cung cấp cho bạn 7 bước để vượt qua giai đoạn đen tối:
1. Đừng vội bỏ cuộc
Hãy cân nhắc điều này trước: Nếu bỏ việc khi chưa có một công việc mới, bạn sẽ còn cảm thấy tồi tệ hơn. Vì khi không phải làm việc, bạn càng có nhiều thời gian nghĩ về việc bạn ghét đi làm đến thế nào. Đỉnh điểm của căng thẳng là lúc bạn đối mặt với việc thanh toán tiền điện, tiền nhà, tiền ăn khi không còn tiếng “ting, ting” của lương tháng. Và sau đó, là cảm giác cô lập vì cả ngày không giao tiếp với ai (hầu như mọi người đều đang làm việc)... Trước khi tung hê hết để đệ đơn nghỉ việc, hãy bình tĩnh đọc kỹ các vấn đề tiếp theo nhé!
2. Học một số thủ thuật tâm lý giúp bình tĩnh
Bạn biết điều gì thú vị về hầu hết các thủ thuật giúp thư giãn không?
Bạn có thể thực hiện chúng TRONG LÚC bạn đang lắng nghe sếp.
Giả sử bạn là một nhân viên nữ, khi sếp tổng nói với bạn rằng công ty vừa tuyển một cô xinh đẹp và trẻ bằng nửa tuổi bạn làm quản lý trực tiếp của bạn, bạn đột nhiên cảm thấy rất nhiều áp lực trên vai. Một: bạn không được công nhận là sẽ có tương lai ở vị trí đó. Hai: bạn sẽ phải báo cáo cho một người trẻ hơn, có nghĩa là năng lực của bạn đã tụt hậu ư? Ba: bạn thua cô ấy cả về nhan sắc. Cảm giác khó chịu cũng tương tự với nhân viên nam.
Vậy lúc này, bạn hãy thả lỏng vai, thở đều và tự nói với cơ thể rằng: “không lên chức ngay không chết”.
Sau đó, khi quay trở lại bàn làm việc, bất kể còn việc gì, bạn hãy hít thở sâu mười lần. Nếu được phép nghe nhạc, hãy đi tìm một danh sách ghi âm tiếng sóng biển và dành vài giây để hình dung mình trên biển xanh cát trắng.
Học một số thủ thuật tâm lý giúp bình tĩnh
3. Tắt điện thoại đi
Đúng vậy. Tắt chế độ thông báo của những ứng dụng không cần thiết phải cập nhật chuẩn từng phút, bật chế độ nhận mail mới 2 tiếng một lần. Tin tôi đi, nếu không thay đổi, chúng có thể làm bạn phát điên, nhưng bạn tắt nó đi và kiểm tra theo khung giờ, thì mọi chuyện hóa ra cũng không tệ lắm.
Thực tế hài hước là chính những tiến bộ công nghệ sinh ra nhằm “giải phóng con người” lại khiến chúng ta bị cầm tù trong công việc. Trong cuốn sách “The Superstress Solution” của bác sĩ Roberta Lee trích dẫn một kết quả khảo sát: 40% thanh niên Mỹ từ 18 đến 25 tuổi cho biết họ không thể chịu đựng việc không có điện thoại di động, tuy nhiên, họ sẽ ít căng thẳng hơn, nhịp tim và huyết áp thấp hơn khi ngừng sử dụng trong ba ngày.
Bạn không cần phải tham gia một khóa tu, bạn chỉ cần thử lên quy định sử dụng hợp lý, không cần quá vội vàng nhấc điện thoại khi màn hình hiển thị thông báo không-quan-trọng và xem bạn cảm thấy thế nào.
4. Tạo lịch trình, và tuân thủ
Để bản thân không rơi vào những đầu việc vô tận hay những dòng cảm xúc tiêu cực, hãy tạo một thời gian biểu phù hợp cho những hoạt động cố định bạn sẽ làm trong ngày. Nó ẩn chứa sức mạnh to lớn - là cái khung giữ bạn đứng vững trước cơn lũ bồn chồn.
Khi bạn bắt đầu phát hoảng vì một đống việc mới, hãy lấy thời gian biểu của mình ra và bắt đầu xác định thời hạn cho từng đầu việc: Việc 1 hoàn thành vào sáng thứ Ba. Việc 2 hoàn thành vào trưa Thứ Năm. Vậy Việc 3 sẽ có 2 ngày để làm trước khi tuần lễ kết thúc.
Bằng cách chia nhỏ các nhiệm vụ thành các mục tiêu có thể quản lý được, chúng ta sẽ bớt căng thẳng và năng suất hơn.
5. Cải thiện môi trường làm việc
Khi trong trạng thái nhạy cảm, một số môi trường nhất định có thể sẽ làm bạn trở nên ổn hơn. Một cửa sổ nhiều ánh sáng, một âu trà đá với vài lát chanh, một chậu cây đẹp, vài khung ảnh của những người thân yêu... Giữ bàn làm việc sạch sẽ cũng giúp bạn bớt đi cảm giác quá tải. Chịu khó làm mới một chút, bạn sẽ thấy giảm đau rất nhiều.
6. Có một “cuộc đời khác”
Bài học quan trọng nhất mà bạn có thể nhận được từ các khóa điều trị tâm lý, đó là: nên có một cuộc sống bên ngoài công việc. Thông thường, vì danh dự của một người trưởng thành, chúng ta sẽ đầu tư tất cả công sức, tâm huyết, tinh thần vào sự nghiệp của mình. Vì vậy, mỗi lần thất bại trong công việc đều như một cú đánh đáng kể vào tâm lý.
Nên có một cuộc sống bên ngoài công việc
Vậy, hãy duy trì công việc, nhưng đừng coi đó là thành tựu duy nhất của cuộc đời. Hãy làm những công việc bạn thực sự có cảm hứng: trồng cây, học khiêu vũ, đọc sách về lĩnh vực bạn thích, gấp giấy origami, học một nhạc cụ... Có thể không có điều gì liên quan đến công việc của bạn, nhưng trong cả quá trình thay đổi, bạn sẽ gặp nhiều tâm hồn đồng điệu, nhiều khía cạnh mới tích cực của cuộc sống. Đây sẽ là bệ đỡ tích cực, là tấm lưới an toàn để bạn nương tựa trong những ngày bức bối vì công việc. Và thử nghĩ xem, trong một ngày thất bại trong công việc, bạn vẫn có thể thành công trong một việc nho nhỏ bên ngoài. Cảm giác thật dễ chịu!
7. Chọn đúng “vùng” để tập trung
Sẽ có những lúc bạn thấy mình đã hoàn thành bao nhiêu việc vào ngày hôm trước, hôm sau lại đứng ở dưới nhìn lên một núi công việc. Cảm giác như chuyện này sẽ không bao giờ chấm dứt.
Vậy hãy phân khu công việc và các vấn đề tại công sở nói chung thành 4 vùng: vùng phản ứng, vùng chủ động, vùng bị phân tâm hoặc vùng lãng phí. Mục tiêu là bạn tránh xa vùng bị phân tâm và lãng phí (trả lời các cuộc gọi và email không quan trọng, lướt web giết thời gian…). Như từ trong đạo Phật - “chánh niệm” - bạn hãy chỉ tập trung sự chú ý của mình vào những ưu tiên hàng đầu trong giai đoạn đó.
Tránh khỏi sự phân tâm, gián đoạn, bạn có thể hoàn thành công việc trong thời gian ngắn hơn, và bớt căng thẳng hơn.
Chúc bạn một ngày tích cực và yên bình.
Source: CareerViet Vietnam
Please sign in to perform this function