Trong công việc, nhiều khi bạn có những quan điểm tưởng chừng rất hợp lý nhưng lại hoàn toàn sai lầm. Vậy đó là những quan điểm nào và sai lầm đó ở đâu? Hãy xem những ví dụ dưới đây:
1.“Mục tiêu của tôi là trở thành CEO”. Đáng khen ngợi và hoan nghênh khi bạn có những ước mơ và hoài bão lớn. Tuy nhiên, nếu bạn ước mơ quá cao trong khi năng lực có hạn thì sẽ chẳng đem lại lợi ích gì. Để có thể làm CEO không phải dễ, nếu cứ đặt mục tiêu quá cao, trong quá trình làm việc sẽ nảy sinh nhiều áp lực không đáng có. Do vậy, khi đặt mục tiêu công việc của mình, nên xuất phát từ thực tế công việc và năng lực bản thân.
2. Làm được nhân viên tốt thì sẽ làm được người quản lý tốt. Thực tế đã chứng minh, không phải vận động viên thể thao ưu tú nào khi chuyển sang làm huấn luận viên cũng đều ưu tú. Không phải bạn cứ làm một kiến trúc sư giỏi, một kỹ sư xuất sắc thì khi chuyển sang làm người quản lý cũng đều xuất sắc. Những người quản lý hay giám đốc ngoài năng lực chuyên môn, còn phải có những yếu tố khác như năng lực quản lý, khả năng chỉ đạo và thuyết phục... Do đó, khi làm bất kỳ một công việc gì cũng nên dành thời gian để học hỏi kinh nghiệm.
3. Mấu chốt của thành công nằm ở vận may. Nhiều người cho rằng có được thành công hay không hoàn toàn nhờ vào vận may. Do đó, họ thường tin vào sự sắp đặt của số phận mà không chủ động đi tìm những kế hoạch để tạo ra thành công cho mình. Những người này luôn "ôm cây đợi thỏ", trông chờ vào những thứ có thể không bao giờ xảy ra.
4. Chỉ có làm thêm mới nhận được sự tán thưởng. Có người cho rằng, thời gian làm việc càng dài thì càng chứng tỏ sự chăm chỉ của mình. Thực tế, hiệu quả công việc mới là quan trọng. Nếu cả ngày cặm cụi làm việc nhưng không đạt đựợc hiệu quả cao thì bạn không phải là người làm việc tốt.
5. Thành bại trong công việc đều do ông chủ. Nhiều người nghĩ rằng việc thăng chức của mình hoàn toàn dựa vào quyết định của ông chủ hoặc người lãnh đạo. Nếu bạn thành công và được thăng chức thì bạn coi việc đó là hiển nhiên. Nhưng khi gặp thất bại, công việc bấp bênh, cơ hội thăng chức không có thì bạn lại quay sang trách móc lãnh đạo mà không hề nhìn nhận khuyết điểm hoặc nguyên nhân thất bại từ bản thân. Chính nhận thức sai lầm này sẽ khiến bạn luôn trách móc mọi người mà không học hỏi được bài học hay kinh nghiệm nào.
6. Cần mẫn làm mọi việc không kể việc lớn, nhỏ. Trong cuộc sống, rất nhiều người luôn nói: “Tôi rất bận, làm không hết việc”. Từ việc nhỏ nhất cho tới việc lớn họ đều làm một cách chăm chỉ, cần mẫn mà không có một kế hoạch làm việc cụ thể. Bề ngoài, nhìn họ có vẻ chăm chỉ làm việc nhưng thực chất họ đã lãng phí thời gian của mình mà hiệu quả công việc lại không khả quan. Chính vì vậy, khi làm bất kỳ một công việc nào bạn cũng nên lập một kế hoạch cụ thể để đạt được hiệu quả cao nhất.
7. Sửa được khuyết điểm thì mới được thăng chức. Nếu có quan điểm như vậy thì mọi người sẽ chú ý đến khuyết điểm của mình nhiều hơn ưu điểm. Một người muốn thành công hay muốn được thăng chức thì phải biết phát huy ưu điểm của mình, chứ không chỉ nhìn vào khuyết điểm mà sửa chữa. Nên nhìn nhận và sửa chữa khuyết điểm sau khi ưu điểm đã được phát huy.