Job Alerts
Welcome to CareerViet.vn
Create jobs alert to see all recommended jobs, profile views, recruiter's contacted information, updates, and more ...
welcome to careerviet
Viewed: 5,465
Chồng là lao động tự do, thu nhập không ổn định nên chị Phạm Thị Oanh, công nhân (CN) một công ty may mặc tại quận Tân Phú, TP HCM là trụ cột chính trong gia đình. Khi dịch Covid-19 bùng phát, công ty cho chị tạm nghỉ việc không hưởng lương từ đầu tháng 4-2020.
Số lao động thụ hưởng còn ít
Mất thu nhập trong khi đang nuôi con nhỏ, lại ở nhà thuê khiến chị Oanh lâm vào khó khăn. Mong ước của chị là sớm được nhận khoản hỗ trợ từ gói an sinh 62.000 tỉ đồng của Chính phủ để trang trải cho cuộc sống, song đến nay chị chưa toại nguyện do doanh nghiệp (DN) không thực hiện thủ tục đề nghị hỗ trợ.
Ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) TP HCM, cho biết tính đến thời điểm này việc chi hỗ trợ cho người có công với cách mạng, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội, người bán lẻ xổ số lưu động, đã được TP thực hiện với tỉ lệ hoàn tất từ 99%-100%. Tuy nhiên, việc chi hỗ trợ cho người lao động (NLĐ) ngừng việc, mất việc theo Nghị quyết 42/2020/NQ-CP, Nghị quyết 02/02/2020/NQ-HĐND của HĐND TP còn hạn chế.
Theo thống kê của Sở LĐ-TB-XH, TP hiện có 55.533 lao động của 3.127 DN phải tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động (HĐLĐ) hoặc nghỉ việc không hưởng lương do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Song, tính đến cuối tháng 5-2020, mới chỉ có 6.225 NLĐ tại 245 DN thuộc trường hợp này được hưởng hỗ trợ của nhà nước (đạt tỉ lệ 11,21%) với tổng số tiền hơn 6,2 tỉ đồng. Trong đó, có 6.175 người được giải quyết theo Nghị quyết 02/2020/NQ-HĐND của HĐND TP ở mức 1 triệu đồng/người/tháng và 50 NLĐ của 5 DN được giải quyết theo Nghị quyết 42/NQ-CP của Chính phủ ở mức 1,8 triệu đồng/người/tháng (đạt 0,09%). Đối với NLĐ bị chấm dứt HĐLĐ, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp thì hiện TP đã giải quyết cho 232/7.040 người (đạt 3,3%).
Cũng theo Sở LĐ-TB-XH, đến cuối tháng 5-2020 chỉ mới có khoảng 3/24 quận, huyện tại TP đã giải quyết hỗ trợ cho NLĐ ở mức 1,8 triệu đồng/tháng theo Nghị quyết 42/2020/NQ-CP. Các quận còn lại đều có NLĐ bị ngừng việc, hoãn việc do dịch nhưng chưa có trường hợp nào được giải quyết. Chẳng hạn, quận 1 có 4.613 NLĐ, huyện Hóc Môn có 4.245 NLĐ, hay như quận Tân Phú có 1.231 NLĐ… bị hoãn việc, ngừng việc nhưng chưa có ai được nhận hỗ trợ.
Quận Bình Tân là một trong số ít các địa phương đã có NLĐ được nhận hỗ trợ, song khá hạn chế. Thực hiện các nghị quyết, quyết định của Chính phủ và HĐND TP về hỗ trợ NLĐ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, UBND quận đã thành lập 8 tổ công tác và chỉ đạo UBND 10 phường tiếp xúc, hướng dẫn DN thủ tục hỗ trợ, qua đó đã tiếp xúc 166 DN và 1.595 NLĐ. Nhưng đến nay mới chỉ có 92 NLĐ của 3 DN được hưởng trợ cấp theo Nghị quyết 42/2020/NQ-CP, trong khi toàn quận có khoảng 2.795 NLĐ thuộc 65 DN phải ngừng việc, hoãn việc.
Trách nhiệm thuộc về doanh nghiệp
Lý giải lý do tỉ lệ NLĐ nhận hỗ trợ còn thấp, đại diện Sở LĐ-TB-XH TP cho hay do người sử dụng lao động chậm đối chiếu với cơ quan BHXH về danh sách NLĐ bị ngừng việc, hoãn việc, thậm chí một số DN không tham gia đóng BHXH cho NLĐ... dẫn đến chưa đủ điều kiện được hỗ trợ.
Ông Phan Văn Mến, Giám đốc BHXH TP HCM, cho biết theo Quyết định 15/QĐ-TTg, để NLĐ ngừng việc, mất việc được nhận hỗ trợ, DN phải lập danh sách NLĐ tạm hoãn thực hiện HĐLĐ, nghỉ không hưởng lương đề nghị Công đoàn cơ sở (nếu có) và cơ quan BHXH xác nhận danh sách này trong 3 ngày làm việc, sau đó gửi hồ sơ đề nghị UBND cấp huyện xét duyệt. Thực hiện quy định này, thời gian qua, BHXH TP đã xác nhận gần 2.000 hồ sơ DN với 34.000 lao động. "Các thông tin liên quan đến BHXH của NLĐ đã được cơ quan BHXH quản lý chặt chẽ trên hệ thống phần mềm và việc trao đổi thông tin với đơn vị sử dụng lao động cũng thực hiện qua giao dịch điện tử, do vậy quá trình xác nhận danh sách NLĐ do DN gửi đến diễn ra rất thuận tiện. Các DN gửi danh sách qua cổng điện tử trực tuyến của Chính phủ hoặc hệ thống giao dịch của BHXH TP đều được xác nhận chỉ trong 1 ngày" - ông Mến nói. Cũng theo ông Mến, từ đầu tháng 4 đến nay, các DN đã báo giảm nghỉ không lương, tạm hoãn HĐLĐ đối với 108.000 người. Số liệu này so với số NLĐ mà DN đề nghị xét duyệt danh sách đề nghị hưởng hỗ trợ từ nhà nước là khá lớn. Theo quy định, đối với NLĐ nghỉ không lương, tạm hoãn HĐLĐ thì việc làm thủ tục hỗ trợ thuộc về DN.
Một cán bộ Phòng LĐ-TB-XH quận 12, TP HCM, cho biết toàn quận hiện có 6.868 NLĐ của 265 DN phải tạm hoãn HĐLĐ hoặc nghỉ việc không hưởng lương do dịch bệnh. Mặc dù quận đã gửi văn bản hướng dẫn thực hiện chính sách hỗ trợ này đến khoảng 1.000 DN, song đến nay chỉ có 9 DN nộp hồ sơ, trong đó có 27 NLĐ của 5 DN đã được xét duyệt. Theo vị cán bộ này, nguyên nhân là nhiều DN đã thỏa thuận được với NLĐ về việc tạm hoãn HĐLĐ, ngừng việc không hưởng lương nên không quan tâm đến việc thực hiện chính sách. Theo quy định, NLĐ làm việc tại các DN không có doanh thu hoặc không còn nguồn tài chính để trả lương do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 mới được hỗ trợ. Thế nhưng, rất nhiều DN không muốn công khai tình hình tài chính cho các cơ quan chức năng nên NLĐ không được hưởng.
Source: Theo Báo Người Lao Động
Please sign in to perform this function