|
PGS.TS Đoàn Lê Giang
|
Thông tin về việc phân ban vào lớp 10 của học sinh 114/128 trường THCS tại TPHCM khiến rất nhiều người nặng lòng với khoa học xã hội buồn lòng: Chỉ 0,58% học sinh đăng ký vào ban khoa học xã hội.
Điều này phản ánh một xu hướng chung hay chỉ nhất thời? Số phận của các ngành học khoa học xã hội sẽ như thế nào. Tiền phong đã đi tìm câu trả lời từ PGS.TS Đoàn Lê Giang - Trưởng khoa Ngữ văn, ĐH Khoa học Xã hội & Nhân Văn (ĐHQG TPHCM).
Ông cho biết: Tôi cực kỳ sốc và ngạc nhiên trước kết quả này. Nhưng là người trong cuộc, phải tìm cách giải thích và giải quyết. Theo tôi, điều này là do tình hình đất nước, đi lên từ khó khăn nên chuyển sang đầu tư mạnh vào việc làm kinh tế. Nhưng điều này để lại một vấn đề khó khăn cho các ngành khoa học xã hội.
Trong các ngành thuộc về khoa học xã hội, những ngành cơ bản như Văn - Sử - Triết lại ít được chú ý. Những ngành học như Đông phương học, Quan hệ quốc tế… mỗi năm vẫn được rất nhiều thí sinh chọn lựa nộp đơn vào. Lý do rất đơn giản là các ngành này ra trường dễ kiếm việc hơn.
Chẳng lẽ thí sinh “bỏ” khoa học xã hội chỉ vì khó kiếm việc làm?
Không hẳn thế, nhưng đó cũng là một lý do. Việc chọn lựa ban này ban kia chính là xu hướng của thanh niên. Không phải đa phần các em học sinh thật sự yêu mến gì các môn Toán, Lý, Ngoại ngữ…
Các em chọn lựa chỉ vì ban A được thi rất nhiều ngành vào các trường đại học. Điều này tạo nên một thực trạng: Hàng năm thí sinh dồn hết vào khối A, B khiến có nhiều thí sinh thi đến 27 điểm mà cũng rớt đại học.
Điều này cũng là thực tế thôi. Với rất nhiều ngành, phải đến 40 tuổi mới có được chút ít vốn trong tay. Trong khi làm kinh tế thì vài năm đã có thể giàu lên.
Lỗi ở sách giáo khoa! Ông là người gắn bó rất lâu với môn Văn, ông có thể đánh giá về sách giáo khoa môn Văn học mà các em đang học?
Lúc trước, khi soạn SGK môn Văn học, có hai nhóm cùng biên soạn. Một là nhóm biên soạn SGK phân ban do GS. Trần Đình Sử đứng đầu. Một nhóm khác biên soạn SGK không phân ban do GS. Phan Trọng Luận đứng đầu. Tôi nằm ở nhóm biên soạn thứ hai. Cuối cùng sử dụng cả hai loại SGK. Có nhiều điều cần nói về việc sử dụng SGK này.
Việc tổ chức SGK làm hai loại khiến phần đông học sinh đổ dồn vào việc học sách đại trà. Theo tôi biết, phải trên 80% các em học sách này. Khoảng 20% các em học sách phân ban. Lý do là trong đề thi đại học, có hai đề dành cho phân ban và không phân ban.
Học SGK không phân ban thì có thể làm bất kỳ đề nào, chọn thi bất kỳ khối nào. Học SGK phân ban thì không thể, phải học và thi đúng với ban mình lựa chọn.
Còn về nội dung của SGK thì sao, thưa ông?
SGK hiện nay theo tôi là đã quá lạc hậu rồi. Tuy có cải tiến nhưng vẫn còn rất “hẹp”. Từ chuyện này dẫn đến việc tổ chức các ngành khoa học xã hội lạc hậu theo.
Việc phân ban các ngành khoa học xã hội hiện nay là cực kỳ bó buộc. Phải phân ban SGK rộng hơn nữa, tránh tình trạng không có người học khoa học xã hội.
Theo tôi, hiện nay các loại sách tham khảo ăn theo văn mẫu quá nhiều. Bài thi của các em vào đại học toàn từ văn mẫu. Đối với nước ngoài, họ in SGK kèm theo việc cấm in sách chú giải và tham khảo theo. Tôi đề nghị nên dẹp hết sách tham khảo đi.
Riêng về bản thân khoa Ngữ văn, làm cách nào để phát triển cao hơn về khả năng văn chương cho các sinh viên học ở khoa mình? Điều này là rất khó. Phải nói một cách thật lòng là đa số các em thi vào khoa đều không thích mà chỉ vì dễ học thuộc lòng và một số em ở tỉnh được cộng điểm ưu tiên. Học văn thì phải có tư chất và niềm say mê. Chúng tôi chỉ có thể dạy cho các em ở một mức độ đủ chuẩn mà thôi.
Thêm nữa, lấy một ví dụ: ĐH Khoa học tự nhiên muốn duy trì các môn khoa học cơ bản như Toán, Lý… đều cử người sang nước ngoài học tập. Nhiều người thậm chí được giữ lại làm trợ giảng. Như vậy, mới liên tục có người tài kế nhiệm. Các môn khoa học xã hội thì không thể như vậy được. Việc nghiên cứu Văn - Sử - Triết cực kỳ khó khăn.
Vẫn có một số hỗ trợ của ĐHQG TPHCM như thành lập lớp Cử nhân tài năng, thu hút được một số người tài vào học nhưng cũng không cải thiện được bao nhiêu.