Job Alerts
Welcome to CareerViet.vn
Create jobs alert to see all recommended jobs, profile views, recruiter's contacted information, updates, and more ...
welcome to careerviet
Viewed: 5,412
Cùng với cải cách tiền lương từ 1/7/2024, Quốc hội cũng quyết định điều chỉnh lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp ưu đãi người có công và một số chính sách an sinh xã hội gắn với lương cơ sở.
Nội dung quan trọng này vừa được Quốc hội thống nhất bằng kết quả biểu quyết thông qua dự toán ngân sách Nhà nước năm 2024, sáng 10/11.
Theo nghị quyết của Quốc hội, năm 2024, thu ngân sách Nhà nước là hơn 1,7 triệu tỷ đồng. Quốc hội cũng đồng ý chuyển 19.040 tỷ đồng cải cách tiền lương của ngân sách địa phương đến hết năm 2023 còn dư của một số địa phương sang bố trí dự toán năm 2024 để thực hiện mức lương cơ sở 1,8 triệu đồng/tháng.
Với chi ngân sách, Quốc hội "chốt" trong năm 2024, chi hơn 2,1 triệu tỷ đồng. Tổng mức vay của ngân sách Nhà nước là 690.553 tỷ đồng.
Đáng chú ý, Quốc hội quyết định thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương từ 1/7/2024. Nguồn kinh phí thực hiện cải cách tiền lương được bảo đảm từ nguồn cải cách tiền lương tích lũy của ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương và một phần bố trí trong dự toán chi cân đối ngân sách Nhà nước.
Cùng với cải cách tiền lương, Quốc hội thống nhất điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hàng tháng, trợ cấp ưu đãi người có công và một số chính sách an sinh xã hội gắn với lương cơ sở.
Nghị quyết của Quốc hội nêu rõ, với các cơ quan, đơn vị hành chính Nhà nước của Trung ương đang thực hiện các cơ chế quản lý tài chính, thu nhập đặc thù, từ 1/1/2024 đến ngày 30/6/2024, tiền lương và thu nhập tăng thêm hàng tháng tính theo lương cơ sở 1,8 triệu đồng/tháng, bảo đảm không vượt quá mức tiền lương và thu nhập tăng thêm được hưởng tháng 12/2023.
Mức hưởng theo cơ chế đặc thù này không bao gồm phần tiền lương và thu nhập tăng thêm do điều chỉnh hệ số tiền lương ngạch, bậc khi nâng ngạch, nâng bậc năm 2024.
Tính theo nguyên tắc trên, nếu mức tiền lương và thu nhập tăng thêm năm 2024 theo cơ chế đặc thù thấp hơn mức tiền lương theo quy định chung, chỉ thực hiện chế độ tiền lương theo quy định chung để bảo đảm quyền lợi cho người lao động, theo nghị quyết của Quốc hội.
Từ 1/7/2024, tất cả cơ chế quản lý tài chính, thu nhập đặc thù của các cơ quan, đơn vị hành chính Nhà nước áp dụng chế độ tiền lương, phụ cấp, thu nhập thống nhất.
Cơ chế đặc thù hiện hành đối với phần kinh phí thường xuyên của các cơ quan, đơn vị hành chính Nhà nước không tiếp tục áp dụng.
Quốc hội yêu cầu các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương tiếp tục thực hiện các giải pháp tạo nguồn cải cách chính sách tiền lương theo quy định.
Liên quan đến vấn đề cải cách tiền lương, quá trình thảo luận ở hội trường và tổ, nhiều ý kiến đại biểu đề nghị cần tính toán thận trọng, cân đối hợp lý, có lộ trình phù hợp, bảo đảm công bằng xã hội.
Các đại biểu cũng cho rằng, cần phải thực hiện đồng bộ giữa việc điều chỉnh mức lương cơ sở cùng với đổi mới, sắp xếp lại tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu quả; tinh giản biên chế gắn với xây dựng vị trí việc làm; có chính sách phù hợp, tránh cào bằng.
Trong báo cáo giải trình tiếp thu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng những ý kiến này hoàn toàn xác đáng, đề nghị Chính phủ tiếp thu, có báo cáo tổng thể chính sách cải cách tiền lương và cân đối nguồn lực trong thực hiện cải cách tiền lương giai đoạn 2024-2026 và dự báo đến năm 2030 gửi đại biểu.
Tại nghị quyết vừa thông qua, Quốc hội giao Chính phủ tập trung điều hành chính sách tài khóa chủ động, hợp lý, linh hoạt, hiệu quả; phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, nhịp nhàng với chính sách tiền tệ và các chính sách khác, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Theo yêu cầu của Quốc hội, Chính phủ cần có giải pháp khắc phục đà suy giảm các chỉ tiêu về tỷ lệ huy động vào ngân sách Nhà nước trên GDP và tỷ lệ huy động từ thuế, phí vào ngân sách.
Để tăng cường quản lý thu, cơ cấu lại nguồn thu bảo đảm tính bền vững, Chính phủ phải sớm trình Quốc hội các dự án sửa đổi, bổ sung các Luật về thuế. Đồng thời, thực hiện quyết liệt, hiệu quả các giải pháp chống thất thu, chuyển giá trốn thuế; gian lận thương mại, đặc biệt trong các hoạt động thương mại dựa trên nền tảng số.
Trong quản lý, sử dụng tài chính, ngân sách, Quốc hội nhấn mạnh phải siết chặt kỷ luật, kỷ cương, tăng cường trách nhiệm người đứng đầu; triệt để tiết kiệm các khoản chi thường xuyên, các khoản chi chưa thực sự cần thiết để bảo đảm nguồn lực cho phòng, chống thiên tại, dịch bệnh, bổ sung vốn đầu tư phát triển và hỗ trợ phục hồi kinh tế.
Chính phủ được giao chỉ đạo triệt để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc chấp hành các quy định về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, bảo đảm hiệu quả sử dụng ngân sách Nhà nước.
Source: Báo Dân Trí
Please sign in to perform this function