Job Alerts
Welcome to CareerViet.vn
Create jobs alert to see all recommended jobs, profile views, recruiter's contacted information, updates, and more ...
welcome to careerviet
Viewed: 12,943
Thuở bé, Olivia Lum sống trong một căn nhà không có đủ nước sinh hoạt. Giờ đây ở tuổi 45, Lum làm chủ tịch công ty xử lý nước lớn nhất Đông Nam Á và là người phụ nữ giàu nhất khu vực.
Đứa bé mồ côi
Ngày 9/1/1961, Olivia Lum Ooi Lin vừa cất tiếng khóc chào đời đã bị bỏ rơi ngoài hành lang một bệnh viện nhỏ ở Perak, Malaysia. Khát sữa, cô bé đã khóc thét lên và âm thanh đó đã đưa cô trở lại với cuộc sống. Nghe tiếng khóc, một người đàn bà 63 tuổi ở khu phố thợ mỏ Kampar đã tìm thấy Lum và đưa cô về nuôi nấng. Hồi đó, Kampar là một khu phố nghèo, hầu hết người dân tại đây đều không có thu nhập. Mẹ nuôi của Lum, người mà cô thường gọi là "bà nội", đã phải bán nhà vì thua bạc rồi đưa Lum đến sống tại một lán gỗ tồi tàn. Ngôi lán không bao giờ có đủ nước sinh hoạt, chỉ có nước mưa là không ngừng xối xuống nền trong những ngày mưa. "Bà nội và tôi phải xếp gạch trên nền nhà để đi cho khỏi ướt chân", Lum kể. Khi lên 4, cô bé gạt nước mắt, bán đi tất cả đồ chơi của mình cho lũ trẻ hàng xóm để mua cơm ăn. Những ngày đó, mẹ nuôi bắt đầu suy sụp và để động viên người thân duy nhất của mình, Lum hứa rằng khi lớn lên, cô sẽ kiếm được nhiều tiền để mua cho bà một căn nhà mới.
Tuy nhiên, điều đó chẳng bao giờ xảy ra cả. Bà nội mất khi tôi chưa kịp thành công", Lum bồi hồi. Cái khốn khó của ngày ấy không làm Lum sụp đổ, trái lại đã giúp tạo nên một ý chí vươn lên mãnh liệt trong con người cô. Khi đến tuổi vào đại học, cô đến Singapore làm đủ nghề để kiếm sống và để trang trải chuyện học hành. Cuối cùng thì cô cũng tốt nghiệp khoa hóa chất và kiếm được công việc tại Công ty Dược phẩm GlaxoSmithKline. Sau 3 năm rưỡi làm việc, vào năm 1989, Lum quyết định bán nhà và xe hơi. Nếu như ngày trước "bà nội" phải bán nhà để trả cho những lần thua bạc thì hôm nay, Lum bán nhà để lao vào một cuộc chinh phục đầy tham vọng. Với 12.000 USD có được, cô đã thành lập Công ty Hyflux và cùng với 2 nhân viên, Lum bắt đầu bằng việc bán các thiết bị xử lý nước. Sau 3 năm phân phối sản phẩm cho các công ty, Lum chuyển sang bán hệ thống xử lý nước do chính mình sản xuất. Hồi đó, xứ sở Singapore nhỏ bé đã có tới 20 doanh nghiệp hoạt động trong ngành xử lý nước, nhưng Lum, với nỗi ám ảnh về nước từ thuở ấu thơ, đã lao vào bằng tất cả niềm đam mê và quyết tâm. "Tôi chẳng có kế hoạch kinh doanh gì cả. Tôi chỉ biết rằng, nước là một ngành kinh doanh đầy hứa hẹn", Lum giải thích.
Hyflux bay lên
Sau những thành công nho nhỏ, Lum tiếp tục dấn thân vào "thế giới nước" bằng việc tập trung nghiên cứu màng lọc xử lý nước thải. Hồi đó, công nghệ màng lọc đã trở nên rất phổ biến nhưng Lum vẫn tìm tòi để phát triển những loại có tính năng vượt trội. Hyflux, cái tên xuất phát từ một thuật ngữ chuyên ngành, cũng dần không ngừng thăng hoa.
Tại Singapore, Hyflux hiện đang xây nhà máy lọc nước biển trị giá 200 triệu USD, dự kiến sẽ hoàn thành trong năm nay. Dưới bàn tay của Lum, công ty này đã vượt ra bên ngoài biên giới đảo quốc sư tử. Là một người thông thạo tiếng Hoa, Lum sớm nhảy vào thị trường rộng lớn Trung Quốc và cô đã thu được những thành công vang dội. Tại đất nước đông dân nhất hành tinh, hệ thống xử lý nước của Hyflux có mặt ở 20 thành phố, trong đó có thủ đô Bắc Kinh và trung tâm kinh tế Thượng Hải. Chưa dừng lại, cánh tay của Lum còn vươn tới tận xứ sở Tây Nam Á khô cằn nhưng giàu có. Năm ngoái, Hyflux trúng thầu hợp đồng trị giá 400 triệu USD để xây dựng hệ thống xử lý nước cho đảo nhân tạo lớn nhất thế giới mang tên Palm and the World tại Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất. Thành công tiếp nối thành công, đó cũng là tiền đề để những tham vọng mới nảy sinh. Năm nay, Lum thành lập một văn phòng với 5 chuyên gia tại thành phố Chennai của Ấn Độ để tìm kiếm cơ hội. Chỉ cần quốc gia Nam Á này bật đèn xanh cho công ty nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực xử lý nước, Hyflux của Lum sẽ tổng tấn công. Từ những bước đi mang tính đột phá đó, Hyflux nhanh chóng trở thành một trong những công ty thăng tiến mạnh mẽ nhất khu vực Đông Nam Á. Trong 8 năm qua, doanh thu hằng năm của công ty tăng đều đặn trên dưới 55%. Năm ngoái, doanh thu đạt 53 triệu USD và năm nay dự kiến sẽ nhảy vọt tới con số 180 triệu.
Nỗi ám ảnh nước
Từ một đứa trẻ bị bỏ rơi, Olivia Lum giờ đây đã trở thành một trong những người giàu nhất Đông Nam Á. Trong bảng xếp hạng do Tạp chí Forbes nổi tiếng thế giới công bố vào tháng 9 này, bà chủ của Hyflux với gia tài 240 triệu USD, xếp thứ 39 trong số 40 người giàu nhất khu vực. Lum cũng là triệu phú nữ duy nhất và là người trẻ nhất có mặt trong top.
Câu chuyện thành công của Lum giống như một giấc mơ. Và xuyên suốt giấc mơ có thật đó, người ta thấy Lum luôn gắn bó với nước. Dường như cô được sinh ra trên cuộc đời này để nâng niu những giọt nước vậy. Thuở nhỏ, cô và "bà nội" phải sống trong một căn nhà luôn ngập nước mưa nhưng lại thiếu nước sinh hoạt. Lớn lên, Lum trở thành triệu phú cũng nhờ nước. Trên trang bìa của Tạp chí Forbes số ra ngày 8/9, Lum xuất hiện với hình ảnh bàn tay vươn ra hứng nước mưa. Hình ảnh này gợi nhớ về một quá khứ tồi tàn trong căn lều nhỏ ở Malaysia. Chính từ căn lều đó, một tham vọng đã nảy mầm và một Olivia Lum thành đạt đã mọc lên.
Về "mối tình" với nước, Lum diễn đạt: "Đó (nước) là bát cơm duy nhất của tôi mà tôi thì luôn đói cơm". Chính "cơn đói kinh niên" đó đã đẩy cô tiếp tục dấn thân vào thế giới kinh doanh đầy thử thách khắc nghiệt. Hyflux giờ đây đã trở thành một đại công ty, được định giá trên thị trường chứng khoán là 650 triệu USD. Nhưng với Lum thì chừng đó chưa đủ, cô muốn trong vòng 5 năm tới, giá trị của Hyflux phải đạt 3 tỉ USD. Lum nói "bà nội" sẽ phù hộ cho cô đạt được điều đó, nhưng những ai biết đến cô đều tin rằng người phụ nữ này có thể đạt được mục đích bằng chính khả năng và tham vọng của mình. (Forbes, Time)
Source: (Theo Thanh Niên)
Please sign in to perform this function