Job Alerts
Welcome to CareerViet.vn
Create jobs alert to see all recommended jobs, profile views, recruiter's contacted information, updates, and more ...
welcome to careerviet
Viewed: 5,358
Theo công bố của Tổng cục Thống kê, tính đến hết tháng 6-2020, có tới 30,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19, bao gồm bị mất việc, bị giảm giờ làm, giảm thu nhập…
Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên trong quý II năm 2020 là 53,1 triệu người, giảm 2,2 triệu người so với quý trước và giảm 2,4 triệu người so với cùng kỳ năm trước. Đây là năm ghi nhận mức giảm sâu kỷ lục của lực lượng lao động từ trước đến nay.
Lao động từ 15 tuổi trở lên có việc làm trong quý II năm 2020 là 51,8 triệu người, giảm 2,4 triệu người so với quý trước và giảm gần 2,6 triệu người so với cùng kỳ năm trước, đây là mức giảm nhiều nhất trong vòng 10 năm qua. Trong đó, lao động giảm chủ yếu ở khu vực nông thôn và lao động nữ, số người có việc làm ở khu vực nông thôn giảm 1,8 triệu người so với quý trước và gần 2,1 triệu người so với cùng kỳ năm trước; lao động nữ giảm 1,2 triệu người so với quý trước và giảm 1,5 triệu người so với cùng kỳ năm trước. Lao động làm công hưởng lương giảm gần 1,2 triệu người so với quý trước; nhóm lao động yếu thế giảm 1,1 triệu người so với quý trước.
Covid-19 cũng đã làm cho đa số người lao động mất việc phải tạm thời rời khỏi thị trường lao động trong thời gian dịch bệnh lây lan, đặc biệt là khi các biện pháp giãn cách xã hội được áp dụng nghiêm túc và triệt để. Một số ngành có số lao động giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước như ngành công nghiệp chế biến, chế tạo (giảm 324,6 nghìn người); ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống (giảm 156,9 nghìn người); ngành giáo dục và đào tạo (giảm 122,7 nghìn người); ngành bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy (giảm 120 nghìn người).
Quý II năm nay cũng chứng kiến tỷ lệ thất nghiệp cao nhất trong vòng 10 năm qua, ở mức 2,73%. Trong đó, tỷ lệ thất nghiệp cao nhất ở nhóm lao động có trình độ thấp (sơ cấp).
Năm 2020 là lần đầu tiên trong 5 năm qua ghi nhận thu nhập bình quân tháng của người lao động trong quý II giảm đi so cùng kỳ năm trước. Thu nhập bình quân tháng của người lao động là 5,2 triệu đồng, giảm 5,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Những đối tượng dễ bị tổn thương nhất trong thị trường lao động đang phải gánh chịu những tác động kinh tế nặng nề nhất của đại dịch.
Đặc biệt, Covid-19 đã tác động rất mạnh đến nhóm lao động phi chính thức. Số lao động có việc làm phi chính thức quý II năm 2020 là 19,5 triệu người, giảm 516 nghìn người so với quý trước và giảm 634 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Đây là nhóm lao động dễ bị tổn thương trong thị trường lao động khi nền kinh tế chịu ảnh hưởng của các cú sốc. So với cùng kỳ năm trước, lao động phi chính thức trong ngành khai khoáng giảm nhiều nhất (giảm 36,2%), tiếp theo là ngành giáo dục và đào tạo, hoạt động làm thuê các công việc trong hộ gia đình (mỗi ngành giảm 17,9%).
Ngoài đặc điểm về tính dễ bị tổn thương khi có các cú sốc về cầu lao động, lao động phi chính thức có thu nhập thấp hơn so với lao động chính thức. Thu nhập bình quân tháng của lao động phi chính thức trong quý II năm 2020 là 5,1 triệu đồng, thấp hơn 1,6 lần mức thu nhập bình quân tháng của lao động chính thức. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch Covid-19, thu nhập bình quân tháng của lao động phi chính thức có mức giảm nhiều hơn so với lao động chính thức, tương ứng giảm 8,4% và 4,7% so với cùng kỳ năm trước.
Chuyên gia kinh tế lao động của ILO Việt Nam, bà Valentina Barcucci, cho biết thị trường lao động trong quý II năm 2020 đã chịu nhiều yếu tố ảnh hưởng. Giai đoạn giãn cách xã hội phòng ngừa vào đầu quý đã nhanh chóng kiểm soát sự lây lan của virus, từ đó giảm thiểu tác động tới thị trường nội địa, giúp tình hình tại Việt Nam tốt hơn so với những gì các quốc gia khác phải trải qua. Tuy nhiên, tác động của các biện pháp cần thiết được áp dụng vẫn là không thể tránh khỏi. Mặt khác, lệnh phong tỏa ở các quốc gia khác cùng với việc đóng cửa biên giới trong quý II đã giáng một đòn mạnh vào nền kinh tế và việc làm của Việt Nam. Đại dịch đã làm suy giảm các hoạt động kinh tế tại một số lĩnh vực, như dịch vụ, công nghiệp và xây dựng, xuống mức chưa từng có." - bà Valentina Barcucci nhận định.
Giám đốc ILO tại Việt Nam, TS Chang-Hee Lee cho rằng, Việt Nam sẽ cần tiếp tục kiên định với các biện pháp kích thích nền kinh tế và việc làm; hỗ trợ doanh nghiệp, việc làm và thu nhập; bảo vệ người lao động tại nơi làm việp; và sử dụng đối thoại làm công cụ để chính phủ, người lao động và người sử dụng lao động có thể tìm ra được giải pháp xử lý vấn đề. "Bây giờ chính là lúc Chính phủ, người sử dụng lao động và người lao động cùng nhau đoàn kết để xây dựng và thực hiện những chính sách và biện pháp giúp đất nước vượt qua cuộc khủng hoảng."- Giám đốc ILO nhấn mạnh.
Source: Theo Báo Dân Sinh
Please sign in to perform this function