Job Alerts
Welcome to CareerViet.vn
Create jobs alert to see all recommended jobs, profile views, recruiter's contacted information, updates, and more ...
welcome to careerviet
Viewed: 5,125
(NLĐO)- Phương án đề xuất đã mở ra cơ hội được hưởng lương hưu cho những chủ hộ kinh doanh đóng BHXH đủ điều kiện.
BHXH Việt Nam vừa báo cáo Chính phủ các phương án giải quyết việc thu sai BHXH đối với các chủ hộ kinh doanh.
Phương án 1, bổ sung chủ hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh là đối tượng tham gia BHXH bắt buộc vào dự thảo Luật BHXH sửa đổi. Theo đó, dự luật có một nội dung chuyển tiếp quy định các trường hợp chủ hộ đã tham gia, đóng BHXH bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp trước thời điểm luật này có hiệu lực thi hành được tính để hưởng các chế độ theo quy định của pháp luật.
Chính phủ sẽ quy định việc hoàn trả số tiền đã đóng BHXH vào quỹ hưu trí và tử tuất. Số tiền đóng vào quỹ bảo hiểm thất nghiệp và thu hồi số tiền đã chi trả các chế độ BHXH, trợ cấp thất nghiệp (nếu có) đối với trường hợp chủ hộ muốn thay đổi nguyện vọng có nhu cầu hoàn trả số tiền đã đóng vào quỹ BHXH, bảo hiểm thất nghiệp.
Phương án đề xuất đã mở ra cơ hội được hưởng lương hưu cho những người đủ điều kiện
Phương án 2, Chính phủ ban hành hoặc trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết về việc tính thời gian đã đóng BHXH bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp để hưởng các chế độ đối với các chủ hộ. Trường hợp chủ hộ muốn hoàn tiền đã đóng, cơ quan chức năng sẽ thực hiện trả. Mục đích, kịp thời giải quyết dứt điểm các vướng mắc cho người tham gia, đặc biệt là trường hợp đã đủ điều kiện hưởng lương hưu.
Trong trường hợp muốn thực hiện hoàn trả số tiền đã đóng, BHXH Việt Nam cũng đề xuất hai phương án.
Một là, hoàn trả số tiền đã đóng BHXH vào quỹ hưu trí và tử tuất (không bao gồm các trường hợp đã hưởng BHXH một lần, hoặc đã được tính hưởng lương hưu) và số tiền đã đóng vào quỹ bảo hiểm thất nghiệp nhưng chưa hưởng trợ cấp thất nghiệp (không tính lãi).
Hai là, hoàn trả số tiền đã đóng BHXH, bảo hiểm thất nghiệp và thu hồi số tiền đã chi trả các chế độ BHXH, trợ cấp thất nghiệp (nếu có) với số tiền cao hơn gồm các khoản phải hoàn trả và số tiền phải thu hồi có tính đến lãi suất.
BHXH Việt Nam lý giải với phương án chủ hộ được ghi nhận thời gian đóng BHXH bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp, sẽ giúp người lao động ổn định cuộc sống, bù đắp một phần thu nhập và được chăm sóc sức khỏe do ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, thất nghiệp. Đặc biệt, sẽ mở ra cơ hội có nhiều người hơn đủ điều kiện hưởng lương hưu khi về già, ổn định cuộc sống lâu dài khi hết tuổi lao động.
Việc sớm tính thời gian đã đóng để hưởng các chế độ BHXH bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp phát sinh, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho chủ hộ được hưởng chế độ, chính sách theo quy định. Nhất là với các chủ hộ đã đủ điều kiện để hưởng lương hưu và các trường hợp đã đủ điều kiện về tuổi đời, có thời gian đóng BHXH từ đủ 10 năm trở lên, có nguyện vọng đóng BHXH tự nguyện một lần cho thời gian còn thiếu để được hưởng ngay lương hưu, đảm bảo an sinh xã hội trong năm 2024 trước khi Luật BHXH sửa đổi có hiệu lực thi hành.
BHXH Việt Nam cũng cho rằng, việc trả lại số tiền đã đóng theo nguyện vọng của người tham gia và thu hồi số tiền đã hưởng các chế độ ngắn hạn của bảo hiểm sẽ đảm bảo công bằng giữa người đã được giải quyết và người chưa được giải quyết hưởng các chế độ bảo hiểm.
Trước đó, từ năm 2003, mặc dù không phải đối tượng tham gia BHXH bắt buộc nhưng với nhận thức vừa là chủ hộ kinh doanh cũng là người lao động, nên nhiều chủ hộ kinh doanh cá thể đã đóng BHXH. Đến năm 2016, khi phát hiện việc thu sai BHXH bắt buộc với chủ hộ kinh doanh, BHXH Việt Nam đã yêu cầu BHXH các tỉnh, thành ngừng thực hiện.
Theo BHXH Việt Nam, tổng số chủ hộ đã có quá trình tham gia và thu BHXH bắt buộc là 3.567 người. Số tiền đã đóng vào quỹ BHXH khoảng 113 tỉ đồng. Trong đó, số người đã hoàn trả tiền đóng BHXH là 28 người, số người hưởng chế độ hưu trí, tử tuất là 275 người và số người hưởng chế độ BHXH một lần là 397 người. Còn lại 2.867 người đang có quá trình đóng BHXH bắt buộc.
Source: Người lao động
Please sign in to perform this function