Job Alerts
Welcome to CareerViet.vn
Create jobs alert to see all recommended jobs, profile views, recruiter's contacted information, updates, and more ...
welcome to careerviet
Viewed: 5,146
Điều kiện 20 năm đóng BHXH để được hưởng chế độ hưu trí hằng tháng là quá dài, chưa khuyến khích người lao động tham gia khi tuổi đời đã cao
Tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội (QH) khóa XV, khi thảo luận về tình hình thực hiện chính sách, chế độ BHXH và quản lý, sử dụng Quỹ BHXH năm 2020, một nội dung được nhiều đại biểu (ĐB) đề cập, kiến nghị là giảm dần số năm đóng BHXH để người lao động (NLĐ) dễ dàng hưởng lương hưu.
Tiêu hết "của để dành" vì khó khăn
ĐBQH Nguyễn Ngọc Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của QH, nhấn mạnh BHXH có ý nghĩa vô cùng quan trọng, là một trong những trụ cột an sinh xã hội của quốc gia. Song ông lo lắng khi số người hưởng BHXH một lần tăng cao, ảnh hưởng rất lớn đến tính bền vững phát triển BHXH. Bởi theo số liệu thống kê, năm 2020 có 860.741 người hưởng BHXH một lần, tăng 53.652 người (6,65%) so với năm 2019.
Nhấn mạnh việc hưởng BHXH một lần là nhu cầu thực tế của NLĐ, nhưng theo ông Sơn, BHXH như "của để dành". Nhận BHXH một lần đồng nghĩa với việc NLĐ rời khỏi hệ thống an sinh xã hội và hầu hết sẽ không tích lũy đủ thời gian đóng BHXH để được hưởng lương hưu hoặc nếu đủ thì mức lương hưu cũng rất thấp vì thời gian đóng BHXH ngắn nên khi về già sẽ gặp rất nhiều khó khăn, tạo áp lực lên xã hội và gia đình. Việc nhận BHXH một lần là "lợi trước mắt, hại lâu dài". Qua phân tích số người hưởng BHXH một lần thì đa số là lao động trẻ, nhu cầu về chi tiêu tài chính lớn nên không tính đến việc cần tích lũy đóng BHXH đủ 20 năm và đủ tuổi nghỉ hưu để hưởng lương hưu vì "thời gian quá dài". "Khi nghỉ việc, họ sẽ nghĩ ngay đến việc hưởng BHXH một lần để giải quyết nhu cầu về tài chính trước mắt" - ông Sơn thông tin. Từ thực trạng trên, ĐB Nguyễn Ngọc Sơn đề nghị sớm sửa Luật BHXH, thực hiện các giải pháp đã được nêu tại Nghị quyết số 28 của trung ương. Trong đó, sửa đổi điều kiện về thời gian tham gia BHXH tối thiểu để hưởng chế độ hưu trí theo hướng linh hoạt nhằm giảm số lượng người hưởng BHXH một lần. Cùng với đó, điều chỉnh cách tính lương hưu bảo đảm kết hợp hài hòa các nguyên tắc đóng - hưởng, công bằng, bình đẳng, chia sẻ và bền vững, tăng sức hấp dẫn và tính liên kết giữa các chế độ BHXH để đạt mục tiêu mở rộng diện bao phủ.
Đồng quan điểm, ĐB Đoàn Thị Lê An (Cao Bằng) đề nghị nghiên cứu quy định giảm thời gian đóng BHXH tối thiểu để hưởng lương hưu từ 20 năm còn 15 năm, hướng tới còn 10 năm với mức được hưởng tính toán phù hợp, nhằm tạo điều kiện cho NLĐ cao tuổi có số năm tham gia BHXH thấp được tiếp cận và thụ hưởng quyền lợi BHXH; bổ sung dần các chế độ hưởng BHXH như thai sản, ốm đau, tai nạn lao động để hấp dẫn NLĐ. Còn theo ĐB Nguyễn Hải Anh (Đồng Tháp), một trong số nguyên nhân khiến BHXH chưa thu hút được lượng người tham gia như mong muốn là những quy định và chính sách chưa đủ sự hấp dẫn. Trong đó có quy định về thời gian phải đóng BHXH 20 năm là tương đối dài. Chế độ hưởng còn hạn chế, đặc biệt là thiếu sự linh hoạt, đa dạng về hình thức đóng so với các loại hình bảo hiểm thương mại có tính chất tương tự trên thị trường.
Luật BHXH cần khuyến khích người lao động bảo lưu thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Bảo đảm nguyên tắc đóng - hưởng
Theo ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH), BHXH đến nay thực sự đã từng bước trở thành trụ cột của lưới an sinh xã hội, góp phần nâng cao khả năng chống chịu, phòng ngừa và khắc phục rủi ro cho NLĐ trong quá trình tham gia lao động.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định thời gian tới sẽ khẩn trương đề xuất QH xem xét, sửa đổi một cách căn cơ Luật BHXH, Luật Việc làm. Theo đó, sẽ tập trung giải quyết một số vấn đề cơ bản như ĐB nêu: phát triển hệ thống xã hội đa tầng, sửa đổi giảm thời gian đóng BHXH mức tối thiểu từ 20 năm còn 15 năm và tiến tới có thể là 10 năm và phát triển nguyên tắc bảo hiểm theo hướng bảo đảm nguyên tắc đóng - hưởng công bằng, bình đẳng và làm sao để phát triển bền vững. Cùng với đó, điều chỉnh hưởng chính sách một lần, phát triển lực lượng tham gia khu vực phi chính thức, đa dạng hóa danh mục, cơ cấu đầu tư Quỹ BHXH theo nguyên tắc an toàn, bền vững và hiệu quả. Trước mắt, tập trung đổi mới công tác tuyên truyền để lao động khi bước vào thị trường mới hiểu, đồng tình và chủ động tham gia, dần dần hình thành văn hóa an sinh trong mọi NLĐ, như các quốc gia phát triển đều thực hiện điều này.
Trong tờ trình đề nghị xây dựng Luật BHXH (sửa đổi) do Bộ LĐ-TB-XH chủ trì đang lấy ý kiến, ông Nguyễn Bá Hoan, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH, cho biết bên cạnh những kết quả đạt được, qua tổng kết 6 năm thi hành Luật BHXH hiện hành, nhiều doanh nghiệp, tổ chức đại diện người sử dụng lao động và NLĐ, tổ chức Công đoàn đã phản ánh nhiều vướng mắc, bất cập khi áp dụng các điều luật của Luật BHXH 2014. Cụ thể, điều kiện 20 năm đóng BHXH để được hưởng chế độ hưu trí hằng tháng là quá dài, chưa khuyến khích NLĐ tham gia khi tuổi đời đã cao, không phù hợp với quan điểm tiến tới bao phủ toàn bộ lực lượng lao động tham gia BHXH. Theo ông Hoan, điều kiện để hưởng chế độ hưu trí này cùng với hoàn cảnh kinh tế khó khăn đã khiến nhiều NLĐ phải quan tâm đến những nhu cầu trước mắt và nản lòng trong quá trình theo đuổi đóng góp cho hệ thống BHXH để được hưởng hưu trí trong tương lai khi về già, nhiều người đã lựa chọn hưởng BHXH một lần. "Do đó, Luật BHXH sửa đổi sẽ sửa đổi điều kiện hưởng chế độ hưu trí theo hướng giảm dần số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí từ 20 năm xuống 15 năm, tiến tới còn 10 năm nhằm tạo điều kiện cho NLĐ tham gia BHXH muộn, có thời gian tham gia BHXH ngắn được tiếp cận và thụ hưởng quyền lợi BHXH. Quy định lộ trình giảm dần độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội phù hợp với khả năng của ngân sách" - ông Hoan thông tin.
Khuyến khích bảo lưu thời gian đóng
Tờ trình của Bộ LĐ-TB-XH cho biết theo Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), để bảo đảm an sinh xã hội cho NLĐ trong dài hạn, các quốc gia trên thế giới không cho phép người tham gia BHXH được rút BHXH một lần, trừ trường hợp đặc biệt như ra nước ngoài định cư hay hết tuổi lao động nhưng chưa đủ điều kiện về thời gian đóng để hưởng lương hưu; trong trường hợp này, các nước cũng thường khuyến khích NLĐ để hưởng lương hưu thay vì nhận BHXH một lần. Tuy nhiên, Nghị quyết 93/2015/QH13 đã cho phép NLĐ (chưa hết tuổi lao động) sau một năm nghỉ việc không tiếp tục đóng BHXH được nhận BHXH một lần khi có yêu cầu. Vì vậy, cần phải điều chỉnh quy định trợ cấp BHXH một lần theo hướng tạo điều kiện cho NLĐ có sự lựa chọn, đồng thời vẫn bảo đảm khuyến khích NLĐ bảo lưu thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu hằng tháng khi về già.
Source: Báo Người lao động
Please sign in to perform this function