Job Alerts
Welcome to CareerViet.vn
Create jobs alert to see all recommended jobs, profile views, recruiter's contacted information, updates, and more ...
welcome to careerviet
Viewed: 11,827
Giờ đây, đối với SV khoa Công nghệ thông tin Trường ĐH Công nghệ (ĐH Quốc gia Hà Nội), giờ học không chỉ còn gói gọn trong 45-50 phút lên lớp. Cũng không còn cảnh thầy đọc, trò ghi miệt mài.
Thắc mắc của SV về nội dung bài giảng, môn học vào bất cứ thời điểm nào cũng có thể nhận được lời giải đáp, không chỉ từ GV mà còn từ bạn học hay SV khóa trên… Tất cả có được nhờ một công cụ: đó là “website môn học”.
Giảng đường không giới hạn
Bắt đầu giờ học môn “Lập trình hướng đối tượng” của lớp K48CA khoa Công nghệ thông tin, trong tay tất cả các SV đã có đầy đủ nội dung bài giảng, nội dung toàn bộ các slide mà TS Nguyễn Việt Hà sẽ trình bày trong giờ học. Tiết học kết thúc nhưng không có nghĩa là bài giảng sẽ dừng lại.
SV có thể tiếp tục đặt câu hỏi với thầy Hà và sẽ nhận được câu trả lời không lâu sau đó, SV cũng có thể trao đổi, tranh luận với nhau, bài giảng vẫn tiếp tục bên ngoài giảng đường và ngoài những giờ lên lớp…
Sẽ thú vị và hiệu quả hơn rất nhiều khi chỉ cần nêu lên một câu hỏi, Nguyễn Thái Dương, Đặng Sơn Lâm… - SV lớp K48CA- cũng như các SV khác có thể nhận được hàng loạt ý kiến từ thầy, từ bạn trao đổi, tranh luận cùng “mổ xẻ” vấn đề. Tất cả chỉ cần SV truy cập vào website môn học của trường!
“Chúng tôi đã triển khai website môn học tại Trường ĐH Công nghệ (khoa Công nghệ trước đây) từ học kỳ I năm học 2003-2004 và được sự hưởng ứng rộng rãi của GV và SV” - GV Đào Kiến Quốc, một thành viên của nhóm chủ trì xây dựng website cho biết.
Khởi đầu từ học kỳ I năm 2003-2004, website có 24 môn học, trong đó có 12 môn được chuẩn bị khá đầy đủ và chỉ có 3 môn học được chuẩn bị tốt và áp dụng phương pháp dạy và học điện tử là Lập trình hướng đối tượng, Kỹ nghệ phần mềm và Thực hành phát triển ứng dụng web, đến nay trên website môn học của Trường ĐH Công nghệ đã có nội dung bài giảng của hơn 40 môn học.
Hầu hết các môn học đều được các GV cập nhật nội dung thường xuyên. Từ khi nội dung bài giảng, môn học được đưa lên mạng, SV của trường có thể chủ động nghiên cứu, tham khảo trước, biến giờ học trên lớp thành những giờ trao đổi, thảo luận hiệu quả hơn.
Cũng thông qua cầu nối này, GV và SV của trường có thể thường xuyên cùng thảo luận, nêu và giải đáp các thắc mắc xung quanh bài giảng, hướng giải quyết các bài tập… Nhiều GV đã giao các bài tập và hướng dẫn SV thông qua website môn học.
Các SV thật sự hào hứng với việc chỉ cần truy cập vào đây là có thể xem lại toàn bộ các bài giảng đã qua của môn học, danh mục các tài liệu tham khảo, bài tập thực hành, tham khảo tất cả các câu hỏi và trả lời trao đổi giữa SV và GV… một cách kịp thời, tiện lợi, không hề bị giới hạn về thời gian.
“Nâng cấp” cả thầy và trò
Là một trong những GV tích cực “hoạt đông” trên website môn học, TS Nguyễn Việt Hà nhận xét: “Việc đưa các bài giảng lên website môn học và thiết lập mối liên hệ chặt chẽ giữa GV và SV qua mạng đã giúp cho SV của trường học tập theo một phương pháp chủ động, tích cực hơn.
Rõ ràng khả năng tự học của SV đã có những chuyển biến đáng kể do SV nắm trước được nội dung môn học nên có điều kiện chủ động tìm tòi thêm từ sách tham khảo, các nguồn tài liệu trên Internet…
Đồng thời việc công khai bài giảng trên mạng cũng đòi hỏi GV phải “chịu khó” hơn từ khâu chuẩn bị bài giảng, bài tập, phải thường xuyên cập nhật đến việc giải đáp, hướng dẫn cho SV phải kịp thời. Ngay cả sau khi có bài giảng, bài tập, GV cũng phải giành nhiều thời gian cho việc trả lời câu hỏi của SV. Đây là một yếu tố để SV “chấm điểm” GV”.
TS Hà cũng cho rằng “Để nâng cao được chất lượng dạy và học, trong thực tế cả GV và SV cần phải bỏ nhiều công sức hơn so với hình thức giảng dạy truyền thống.”.
Trường ĐH Công nghệ ngay từ khi còn là khoa Công nghệ trước đây đã đặt mục tiêu là phát triển một hệ thống cung cấp bài giảng trên mạng và có khả năng tương tác và quản trị ở mức trung gian. Hệ thống này được gọi là “Website môn học” - GS Nguyễn Hữu Đức, hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ cho biết, triển khai đào tạo điện tử ở mức độ này phù hợp với điều kiện con người và cơ sở vật chất hiện có của trường.
Trong tương lai gần, có thể phù hợp để triển khai đại trà cho ĐH Quốc gia Hà Nội. Theo TS Nguyễn Việt Hà, “Website môn học” của ĐH Công nghệ hiện nay đã cơ bản đạt được các chức năng cơ bản cần phải có bao gồm chức năng cung cấp các thông tin, thông báo về môn học, chức năng cung cấp bài giảng đã được số hóa, chức năng ra bài tập và thu bài tập qua website môn học và chức năng tiến hành hỏi đáp và thảo luận.
Phương pháp dạy và học kết hợp giảng bài trên lớp với cung cấp bài giảng, bài tập và thảo luận trên website đã thực sự tạo ra sự thay đổi tích cực trong cả phương pháp giảng dạy và học tập của thầy trò theo hướng phát huy tối đa tính chủ động của SV.
GS Nguyễn Hữu Đức, hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ tự hào cho biết: Giờ đây, mỗi SV của trường được cấp một account để có thể truy cập vào website ở bất kỳ đâu, bất kỳ thời điểm nào. Bằng việc GV cung cấp bài giảng dưới dạng slide và các tài liệu tham khảo lên website môn học, bài giảng được bố cục theo nội dung của từng buổi học, SV có nhiệm vụ truy cập và đọc bài trước giờ lên lớp.
Khi giảng dạy trên lớp, GV sử dụng máy chiếu để giảng bài, nội dung bài giảng đã được SV nghiên cứu trước do đó tích kiệm được công sức ghi chép mang tính cơ học, GV và SV có nhiều thời gian hơn để đi sâu vào nội dung và có thời gian để thảo luận trên lớp. Đặc biệt, các SV được khuyến khích thảo luận trên website môn học, GV khuyến khích SV trao đổi, đưa ra các câu hỏi trên website và dành thời gian để trả lời câu hỏi của SV.
Đông đảo GV, SV của trường có cùng đánh giá: thảo luận, hỏi đáp trên website làm tăng đáng kể chất lượng dạy và học bởi có thể thảo luận sâu vào chuyên môn của từng vấn đề, không bị giơi shạn về thời gianvà địa điểm. Đối tượng tham gia đông đảo, không chỉ là GV với một SV cụ thể mà tất cả các SV tham gia môn học đều truy cập được nội dung và tham gia thảo luận.
Là người trực tiếp giải đáp, ra bài tập cho SV qua website thường xuyên, TS Nguyễn Việt Hà đánh giá: “Ra bài tập và nộp bài qua website môn học đã giảm công sức cho GV; các nhận xét, đánh giá về bài tập sẽ được phản hồi tới SV được nhanh chóng hơn. Ngoài ra, nộp bài qua website môn học sẽ là một ràng buộc khiến cho SV ý thức tốt hơn việc phải truy cập thường xuyên vào hệ thống và do đó sẽ cập nhật thông tin về môn học một cách tốt hơn”.
Sau thời gian thử nghiệm, kết quả thăm dò với 124 SV học môn Lập trình hướng đối tượng cho thấy 80% SV trả lời lượng thông tin từ website chiếm trên 25% tổng thông tin thu được của môn học; 90% SV cho rằng sử dụng website làm tăng chất lượng dạy và học. Đó là một kết quả khả quan để Trường ĐH Công nghệ quyết tam tiếp tục đầu tư phát triển website môn học.
Theo các GV của khoa Công nghệ thông tin - nòng cốt xây dựng nên website môn học cho nhà trường, nhìn chung có thể chia việc ứng dụng môi trường đào tạo trên nền web (Web- based training) thành bốn mức độ: Mức 0 (khởi động): cung cấp các thông tin về khóa học dưới dạng các website tĩnh. Hầu hết các trường ĐH trên thế giới đều thực hiện mức này. Mức 1 hay mức cơ sở: cung cấp bài giảng cho các môn học dưới dạng các trang web tĩnh. Các bài giảng xây dựng ở mức đơn giản như các slide và sử dụng hạn chế đa phương tiện. Chưa có sự tương tác giữa GV và học viên. Nhìn chung, các trường ĐH tiên tiến trên thế giới đều đạt mức này. Mức 2, có thể gọi là mức trung gian: quản lý các bài giảng bằng cơ sở dữ liệu, cung cấp khả năng tương tác giữa người dạy và người học, khả năng tự đánh giá thông qua trắc nghiệm trên mạng, đồng thời tích cực sử dụng các bài giảng đa phương tiện để nâng cao chất lượng. Hiện đã có một số lượng lớn các trường ĐH trên thế giới đạt mức này. Và cuối cùng, mức 3 là mức nâng cao: tích hợp các trang web môn học, các chương trình quản lý đào tạo và CSDL liên quan thành một cổng giao tiếp ĐH thống nhất (UPortal). Sử dụng các bài giảng đa phương tiện và kết hợp cả các dịch vụ đào tạo trực tuyến theo hình thức đồng bộ. |
Source: (Theo Tuổi Trẻ)
Please sign in to perform this function